Nước xa không cứu được lửa gần

Trong quá trình tham gia công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, chúng tôi đã thăm dò ý kiến của 100 người ngẫu nhiên trên địa bàn TPHCM với một câu hỏi: “Khi phát hiện có cháy, sẽ tập trung chữa cháy trước hay gọi 114 trước?”.

Có đến 89 người trả lời: “Chữa cháy trước, khi nào chữa không được mới gọi 114” và 2 người trả lời: “Không biết”, 9 người còn lại nói: “Gọi 114 trước rồi chữa cháy”.

Với kết quả thăm dò “bỏ túi” trên cho thấy một thực tế là hầu như chúng ta đều chờ đến khi nào chữa cháy không được, đã cháy lan, cháy lớn thì mới gọi 114 và chờ lực lượng Cảnh sát PCCC đến hiện trường. Như vậy, liệu khi lực lượng Cảnh sát PCCC đến nơi thì việc chữa cháy có còn kịp thời, hiệu quả hay chỉ còn là chống cháy lan và dập lửa tàn?

Từ ngàn xưa, ông cha ta đã nhắc nhở “Nước xa không cứu được lửa gần”. Và quả thật như thế, trong vòng khoảng 5 phút đầu khi đám cháy phát sinh là “thời gian vàng”, có ý nghĩa quyết định về khả năng phát triển của đám cháy, cũng như mức độ thiệt hại do cháy gây ra, kể cả kết quả chữa cháy…

Trên thực tế, nếu phát hiện ra cháy, chỉ cần gọi 114 thông báo địa chỉ thì trong vòng 1 phút, lực lượng Cảnh sát PCCC phải điều động lực lượng, phương tiện ra khỏi cổng đơn vị lên đường đến hiện trường vụ cháy.

Nước xa không cứu được lửa gần ảnh 1
Lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ phải lựa chọn đoạn đường ngắn nhất, thuận lợi nhất để đến nơi, ưu tiên điều động các đơn vị ở vị trí gần nhất, không nhất thiết là thuộc phạm vi quản lý của đơn vị nào mà ưu tiên cho việc đến nơi nhanh nhất, chữa cháy hiệu quả nhất. Việc thông báo địa chỉ cần rõ ràng, ngắn gọn: số nhà, đường, phường, quận…

Sau khi gọi 114, mọi người tập trung vào việc chữa cháy, hướng dẫn thoát nạn, di chuyển tài sản, bảo vệ hiện trường… Nếu lực lượng tại chỗ xử lý không được thì lực lượng Cảnh sát PCCC đã có mặt để ứng cứu kịp thời.

Trường hợp lực lượng tại chỗ đã dập tắt được đám cháy thì chỉ cần gọi lại số 114 thông báo đám cháy đã được dập tắt, lúc đó lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ quay xe về; thậm chí, xe chữa cháy đã đến hiện trường, chúng ta chỉ cần thông báo đám cháy tắt rồi, lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ kiểm tra lại hiện trường trước khi ra về.

Cảnh sát PCCC chỉ tiến hành xử lý nghiêm khắc, răn đe các trường hợp gọi 114 để phá rối làm nhiễu thông tin hoặc báo cháy giả. Các trường hợp báo cháy kịp thời (kể cả đám cháy đã được dập tắt) đều được trân trọng ghi nhận, biểu dương, khen thưởng xứng đáng.

Trong các trường hợp đi đường phát hiện cháy hoặc nghi ngờ có nguy cơ cháy nổ như: sang chiết gas trái phép, hàn cắt kim loại không đảm bảo an toàn, tàng trữ xăng dầu bên trong hộ gia đình… lực lượng Cảnh sát PCCC cũng rất mong nhân dân phản ánh kịp thời qua số điện thoại 114 để có giải pháp ngăn chặn, xử lý; mọi sự chậm trễ có thể gây nên hậu quả thảm khốc về người và tài sản. Thông tin về người cung cấp luôn được giữ bí mật tuyệt đối.

Cũng có không ít người tranh luận “Tại sao không chữa cháy khi đám cháy mới phát sinh, gọi 114 là mất thêm thời gian”. Xin thưa rằng, theo quy định, khi mọi người gọi điện thoại 114, chỉ một hồi chuông đã có kết nối vì tổng đài có đến 2 cán bộ trực 24/24 giờ; việc thông báo số nhà, đường, phường, quận… chưa đầy 5 giây.

Nếu có một người tại hiện trường thì phải gọi 114 trước khi chữa cháy; nếu có nhiều người thì phải chắc chắn có người đã gọi 114, tránh trường hợp người này nghĩ người kia đã gọi, dẫn đến kết quả không ai gọi. 

Và cũng khuyến cáo mọi người khi chứng kiến, đi ngang qua khu vực có cháy, nếu đã có xe chữa cháy thì hãy di chuyển nhanh ra khỏi khu vực đó, tránh tập trung đông, hiếu kỳ, quay phim, chụp ảnh… cản trở lực lượng chữa cháy, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng hôi của. Khi đi đường nghe xe chữa cháy hú còi hay bất cứ phương tiện gì có còi ưu tiên, xin hãy nhường đường, chậm 1 giây thôi, rất có thể có một hoặc nhiều người phải gánh lấy hậu quả lớn về tính mạng và tài sản.

Với phương châm “Thà lầm hơn sót”, chúng ta phải khẳng định với nhau, khi phát hiện có cháy, hãy gọi đến tổng đài 114 trước khi chữa cháy. 

Tin cùng chuyên mục