Nước ngập giữa vùng… cao

Gò Vấp là một trong số ít quận nội thành có địa hình tương đối cao so với các quận khác ở TPHCM, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh và dân số tăng, địa phương này cũng chịu chung cảnh “sống chung với nước ngập”. 
Chính quyền địa phương đã nỗ lực “giải cứu” nhiều khu vực ngập nước trên mặt đường nhưng hiện đang “lực bất tòng tâm” trước một số tuyến hẻm; trong đó có hẻm 688 Lê Đức Thọ (phường 15) vì địa thế quá thấp so với cốt nền mới, nên trông chờ vào sự hỗ trợ của thành phố.
Trở thành ao chứa nước
Tuyến hẻm 688 thuộc phường 15, quận Gò Vấp dài khoảng 450m, hình thành cách đây hơn 20 năm; đầu hẻm giáp đường Lê Đức Thọ, cuối hẻm là khoảnh đất trống (trước đó trồng lúa) có diện tích vài hécta; từ đầu đường Lê Đức Thọ xuống cuối hẻm có độ dốc đến 2m để nước thoát nhanh theo hệ thống cống ra rạch Bà Miên và một phần chảy vào khoảnh đất trống trên. Thế nhưng, từ khi một đơn vị kinh doanh bất động sản mua lại khoảnh đất trên và triển khai dự án xây chung cư cao cấp cùng khu nhà phố để kinh doanh thì khu dân cư ở hẻm 688 bắt đầu bị nước mưa “bao vây” cả 4 hướng. Với cốt nền mới, dự án xây dựng của đơn vị trên đã trở thành bức tường bê tông “nhấn chìm” đoạn cuối tuyến hẻm 688 xuống sâu gần 2m, cộng thêm 2 tuyến hẻm song song 2 bên (hình thành sau đó) với cốt nền cao hơn đã “kẹp” hẻm 688 vào giữa và dồn tất cả nước mưa về đây, ngập nặng nhất là các tháng có kết hợp triều cường cao.
Nước ngập giữa vùng… cao ảnh 1 Mưa gây ngập nặng hẻm 688 vào đêm 18-5
 Chị Trần Thị Lệ Xuân, ở số 688/93 (một trong những hộ dân ở cuối hẻm), bức xúc: “Gia đình tôi về đây mua đất cất nhà từ năm 2004 vì cơ sở hạ tầng lúc đó khá tốt, hẻm rộng 8m (kể cả vỉa hè), được bê tông nhựa hóa, có hệ thống thoát nước nội bộ. Nhưng từ năm 2015, khi dự án xây dựng bắt đầu san lấp, đổ đất vượt cao hơn nền đường hẻm gần 2m, cộng với hệ thống cống thoát nước xuống cấp, con hẻm bắt đầu ngập nặng vào mùa mưa, nước tràn tới sân. Sang năm 2016 và 2017, nước ngập vào tận trong nhà, cao lần lượt 20cm rồi 40cm, nhiều vật dụng ở phòng khách, nhà bếp hư hết; những cơn mưa lớn cùng thời điểm triều cường cao, càng ngập nặng”. Mùa mưa năm 2017 kết hợp triều cường, đa số nhà dân nơi đây, ít nhất cũng ngập 20cm. Tội nhất là mấy chục sinh viên và người lao động thuê ở các dãy nhà trọ. Đi học hoặc đi làm về phải gửi xe máy qua đêm bên ngoài, rồi lội nước gần tới… ngực mới vào được phòng trọ; sách vở, đồ dùng ướt hết. 
Cấp thiết có hệ thống thoát nước mưa Trước nỗi lo của người dân vào mùa mưa bão năm nay, lãnh đạo UBND phường 15 đã liên tục xuống khảo sát tình hình sau những cơn mưa trái mùa vào các ngày 31-3, 23-4, 6-5… và kết luận “lực bất tòng tâm” vì địa thế hẻm quá thấp so với cốt nền mới nên tốn rất nhiều kinh phí, phải khẩn cấp nhờ sự hỗ trợ của cấp quận và thành phố. Và với diễn biến thời tiết phức tạp như vài năm gần đây, mùa mưa năm nay và những năm tiếp theo, tuyến hẻm 688 sẽ còn ngập nặng hơn là điều không thể tránh khỏi. Cư ngụ khá lâu năm ở đây, anh Phan Hồng Hà nhận xét: “Hiện cư dân đang lo nhiều vì mới qua vài cơn mưa nhỏ trái mùa và triều cường kết hợp mưa vào đêm 18-5 mới đây, tuyến hẻm đã ngập sâu 0,5m, khiến nhiều công nhân đi làm về khuya không thể vào nhà được và phải chờ qua rạng sáng 19-5, nước mới cơ bản rút hết. Với độ thấp 2m so với đầu đường Lê Đức Thọ nên người dân trong hẻm không thể tự khắc phục được. Cư dân nơi đây rất mong lãnh đạo quận Gò Vấp và TPHCM sớm có giải pháp cấp thiết như lắp đặt khẩn cấp đường ống thoát nước mưa mới và nâng dần độ cao của tuyến hẻm để “giải cứu” người dân trước mùa mưa năm nay”. Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường 15, cho biết: “Tôi mới về nhận công tác tại địa phương vào đầu năm 2018 và đã nghe cư dân trong hẻm 688 kêu cứu. Qua khảo sát thực tế, đúng là con hẻm có độ dốc quá lớn, trở thành “ao” chứa nước vào mùa mưa. Giải pháp khẩn cấp trước mắt của phường và quận là kiến nghị Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM và Ban Quản lý dự án Thoát nước đô thị TP sớm quan tâm đầu tư hệ thống thoát nước mới tại một số khu vực tiếp giáp kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, trong đó có hẻm 688, trước mùa mưa năm 2018” . 

Tin cùng chuyên mục