100 ngày cầm quyền của Tổng thống Donald Trump

Nước Mỹ rối ren, khó đoán định

Truyền thông Mỹ và quốc tế nhận định, 100 ngày sau khi nhậm chức, ông Donald Trump là vị Tổng thống Mỹ ít được lòng dân nhất trong lịch sử hiện đại.
Người Mỹ biểu tình phản đối chính sách môi trường của Tổng thống Donald Trump
Người Mỹ biểu tình phản đối chính sách môi trường của Tổng thống Donald Trump

Ngày 30-4 (giờ Việt Nam), hàng chục ngàn người đã tuần hành từ Quốc hội Mỹ tới Nhà Trắng để phản đối Tổng thống Donald Trump hủy bỏ các chính sách bảo vệ môi trường đúng dịp 100 ngày cầm quyền của ông Trump. Truyền thông Mỹ và quốc tế nhận định, 100 ngày sau khi nhậm chức, ông Donald Trump là vị Tổng thống Mỹ ít được lòng dân nhất trong lịch sử hiện đại.

Tỷ lệ ủng hộ thấp

Theo các kết quả thăm dò dư luận mới nhất, chỉ có khoảng 44% số người được hỏi ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong khi số người không ủng hộ lên tới 54%. Đây cũng là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất đối với một tổng thống đắc cử trong vòng 100 ngày cầm quyền đầu tiên kể từ khi các cuộc thăm dò được tổ chức trong nhiệm kỳ của Tổng thống Dwight Eisenhower những năm 1950-1960.

Truyền thông Mỹ tổng kết trong số gần 40 cam kết quan trọng, ông Trump mới thực hiện được 10 vấn đề và chủ yếu là bằng các sắc lệnh hành pháp không cần Quốc hội thông qua. Trong các cam kết còn lại, một số không được nhắc đến, trong khi số khác thì vấp phải sự phản đối từ phía Quốc hội cũng như Tòa án nước này. Các chính sách bị phản đối của Tổng thống Donald Trump bị cho là nguyên nhân gây hỗn loạn, phá bỏ các trật tự ổn định, đẩy nước Mỹ và thế giới vào tình trạng rối ren, khó đoán định.

Về đối ngoại, ông Trump có hàng loạt hành động mạnh mẽ tại nhiều điểm nóng trên thế giới như Syria, Afghanistan, Triều Tiên…; phát đi tín hiệu sẵn sàng răn đe sử dụng hoặc sử dụng sức mạnh quân sự, thậm chí xem đây là giải pháp đầu tiên chứ không phải là cuối cùng để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, với các vấn đề lớn hơn, sức nặng quyết định của ông Trump có xu hướng đang giảm dần. Trong chính sách đối với Nga, mặc dù Tổng thống Trump từng cam kết thúc đẩy hợp tác, giảm bớt căng thẳng nhưng việc tấn công Syria cũng như các cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử gần như đóng sập mọi cánh cửa cải thiện quan hệ hai nước.

Với vấn đề châu Á, tờ South China Morning Post số ra ngày 30-4 cho rằng chính sách của ông Trump vẫn rối và ông Trump vẫn chưa thể thiết lập một “nhóm phụ trách vấn đề châu Á”, vốn giám sát các hoạt động hàng ngày của Hội đồng An ninh quốc  gia, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao trong khu vực này. Ngoài ra, việc sa thải đột ngột các đại sứ Mỹ ở khu vực châu Á được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống Obama đã tạo ra khoảng trống ngoại giao lớn ở khu vực này, khiến Ngoại trưởng Tillerson bị “vô hiệu hóa”, không thể tác động trực tiếp đến quá trình định hình chính sách ngoại giao của Mỹ.

Nhiều thay đổi khó lường

Về đối nội, dường như ông Trump chưa vượt qua được bất cứ trở ngại nào. Tuyên bố việc đầu tiên làm là loại bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare và cho đến giờ cả ông lẫn đảng Cộng hòa vẫn đang bế tắc trong việc tìm một giải pháp thay thế. Bức tường dọc biên giới với Mexico để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp cũng khó có thể được thông qua trong thời gian tới vì Mỹ sẽ phải chi một khoản ngân sách khổng lồ.

Ngay cả về Chính phủ, tính đến nay, ông Trump mới đệ trình bổ nhiệm 24/554 vị trí nội các cần Quốc hội phê chuẩn và cũng mới chỉ có 20 vị trí được thông qua. So sánh với các chính phủ tiền nhiệm thì tiến trình hoàn thiện nội các quá chậm chạp và có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạch định và thực thi các chính sách đề ra.

100 ngày đầu cầm quyền của Tổng thống Trump đang chứng kiến nhiều thay đổi liên tục, chưa thể đánh giá ngay 100 ngày vừa qua của ông Trump là thành công hay thất bại. Các chính sách này sẽ đưa nước Mỹ đến đâu, tác động toàn cầu của chúng như thế nào có lẽ phụ thuộc vào việc Tổng thống Donald Trump hóa giải đến đâu các vấn đề mâu thuẫn nội bộ với các ngành lập pháp và tư pháp cũng như trong một thế giới với các mối quan hệ ràng buộc và kiềm chế lẫn nhau.

Tin cùng chuyên mục