Nước lũ ở Nam bộ vượt báo động 3, miền Bắc vào đợt mưa rét

Chiều 8-10, Trung tâm Dự báo khí tượng - Thủy văn quốc gia dự báo, nước lũ ở hạ lưu sông Cửu Long và sông Sài Gòn sẽ tiếp tục lên theo triều và đạt cao nhất vào ngày 10 và 11-10.

Theo đó, lũ tại các trạm ở hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn sẽ lên trên báo động 3 khoảng 0,1 - 0,3m sau đó hạ xuống vì hiện mực nước lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long đang xuống. Đến ngày 18-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 3,3m; tại Châu Đốc xuống mức 3,10m; còn tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn xuống dưới mức báo động 1. Do trước mắt lũ ở hạ lưu sông Sài Gòn lên nên cảnh báo tình trạng triều cường gây ngập lụt sâu ở các vùng trũng thấp thuộc TPHCM, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Còn tại miền Bắc, hiện đang có một bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống, dự báo khoảng chiều tối và đêm 9-10 sẽ bắt đầu gây ảnh hưởng đến Bắc bộ; từ ngày 10-10 sẽ ảnh hưởng đến Bắc Trung bộ và một số nơi ở Trung Trung bộ. 

Từ ngày 10-10 ở các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa trời chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19°C-22°C, ở vùng núi phía Bắc có nơi chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16°C-19°C. 

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp, ở Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông nhiều nơi; riêng vùng núi có mưa vừa, có nơi mưa to và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. 

Từ ngày 10 đến 13-10, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có mưa, mưa vừa, riêng các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa to (lượng mưa phổ biến 30-60mm/24 giờ).

Hiện nay lũ đổ về và triều cường lên cao gây ngập hàng ngàn héc ta mía nguyên liệu ở Hậu Giang. Giá mía mà thương lái thu mua chỉ 650-700 đồng/kg, trong khi chi phí giá thành là 715 đồng/kg, tính ra nông dân lỗ trắng… 

Chiều 8-10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay ở khu vực hạ lưu sông Cửu Long mực nước đang lên theo kỳ triều cường, gây ngập nhiều nơi...

Ghi nhận tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp), nơi có hơn 6.700ha vườn cây ăn trái, trong đó khoảng 3.100ha quýt hồng và quýt đường đang cho trái, nông dân đang vất vả ứng phó lũ. Ở Tiền Giang hàng loạt nhà vườn cũng túc trực bơm rút nước bảo vệ khoảng 70.000ha vườn cây ăn trái. 

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Tiền Giang, cho biết, qua ghi nhận thì triều cường có làm ngập tràn ở một số nơi gần sông, cù lao… Nhưng do ngành nông nghiệp và nông dân đã chủ động gia cố đê bao từ trước, vì vậy diện tích vườn cây chưa bị ảnh hưởng nhiều. Hiện các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước… tiếp tục theo dõi chặt diễn biến nước lũ và triều cường, để bảo vệ vườn cây và hàng chục ngàn héc ta khóm, không để ngập lũ làm thiệt hại. 

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào chiều 8-10, ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: “Toàn huyện có khoảng 7.500ha mía, trong đó có khoảng 2.300ha chưa có đê bao an toàn. Do ảnh hưởng lũ và triều cường lên cao nên hầu hết diện tích mía ngoài đê bao hiện bị ngập lũ từ 2-3 tấc. Tình hình này kéo dài thì nông dân sẽ bị thiệt hại lớn. Mấy ngày qua nông dân cố gắng thu hoạch được khoảng 1.000ha…”. 

Cũng do lũ và triều cường dâng cao đã làm vỡ một số cống ở cù lao Long Hồ (Vĩnh Long) gây ngập những diện tích vườn cây ăn trái, ao cá… của người dân. Ngành chức năng khẩn trương gia cố bảo vệ và trực xuyên suốt để bơm rút nước, do dự báo mực nước còn lên trong vài ngày tới… 

Tại Cần Thơ, triều cường lên cao cũng gây tràn đê và ngập một số nhà dân, vườn cây ở khu vực Cồn Khương (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều)...

Tin cùng chuyên mục