Nước lũ cuồn cuộn đổ về sông Hồng

Hàng loạt hồ thủy điện phía Bắc xả lũ khiến cho mực nước sông Hồng ngày một dâng cao và còn tiếp tục lên nhanh trong vài ngày tới. 
Người dân sống ở bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) chạy lũ Ảnh: LÃ ANH
Người dân sống ở bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) chạy lũ Ảnh: LÃ ANH
Cùng với hồ thủy điện Sơn La và hồ thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, ngày 22-7, hồ thủy điện Tuyên Quang trên sông Na Hang cũng phải mở cửa xả đáy, nước lũ theo đó đổ về sông Lô rồi vào sông Hồng; trong khi ở phía thượng nguồn sông Hồng thuộc tỉnh Lào Cai cũng đang có lũ lớn… 
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, ngày 22-7 trên địa bàn vẫn có mưa lớn. Nước sông Chảy (đổ về hồ thủy điện Thác Bà) lên cao và xuất hiện lũ. Đặc biệt, lũ ở thượng nguồn sông Hồng đổ về mạnh đã cuốn trôi nhiều tàu, thuyền ở huyện Bát Xát và TP Lào Cai, 127 nhà dân các xã ven sông bị nước lũ tràn vào phải di chuyển tài sản.
Từ sáng 22-7, thủy điện Hòa Bình trên sông Đà bắt đầu mở thêm cửa xả đáy thứ 3 nên có hiện tượng cá nuôi trong lồng bè của bà con ở hạ lưu đập thủy điện bị chết trắng. Theo ông Lê Văn Bảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông lâm thủy sản Kỳ Sơn (Hòa Bình), do thời gian xả lũ gấp nên nhiều lồng bè nuôi cá của bà con không di dời kịp, cá lớn chết rất nhiều, phải vớt lên bán cho các chủ vườn cam làm phân bón. Nguyên nhân, khi xả lũ cửa đáy, nước tích tụ nhiều khí độc làm cá ngạt khí và bị nhiễm độc. Ngoài ra, tại khu vực xã Đồng Luận (Thanh Thủy-Phú Thọ) cũng có hàng tấn cá lồng bè bị chết nổi trắng. 
Trên sông Hồng từ ngày 20-7, nước lũ ở thượng nguồn bắt đầu đổ về. Đến ngày 22-7, mặc dù mực nước vẫn ở mức dưới báo động 1, bãi giữa chưa chìm hẳn nhưng rất nhiều hoa màu, vườn cây ăn trái và lều lán của người dân trên các bãi đã ngập nước, ước thiệt hại lớn. 
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, ngày 22-7, mực nước sông Hồng tại Hà Nội ở mức 6,5m và còn tiếp tục lên nhanh trong vài ngày tới. hiện nay, có 4 cửa xả lũ đang đưa nước về sông Hồng (gồm 3 cửa xả ở thủy điện Hòa Bình và 1 cửa ở thủy điện Tuyên Quang). Dự kiến nước lũ sông Hồng tại Hà Nội sẽ đạt 7,8m vào ngày 23-7. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cảnh báo có nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp ven sông các tỉnh Yên Bái (đặc biệt là tại TP Yên Bái), Phú Thọ (đặc biệt trên địa phận huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ).
Ngày 22-7, UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã huy động bộ đội, công an, đoàn thanh niên… vào giúp dân một số bản ở xã Tà Cạ khắc phục lũ ống, lũ quét. Trước đó, trong đêm 20 và rạng sáng 21-7, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có mưa rất lớn đã khiến nước từ thượng nguồn theo khe, suối đổ về các vùng thấp trũng. Lũ ống đã quét qua địa bàn các bản Nhãn Lỳ, Nhãn Cù, Cánh… cuốn đi 9 ngôi nhà cùng nhiều tài sản. Lũ ống cũng đã khiến 2 ngôi nhà bên suối có nguy cơ đổ ập. Lũ cũng đã gây sạt lở đường, chia cắt cục bộ tại các xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải, Hữu Kiệm, Nậm Cắn,… Rất may, không có thiệt hại về người.
Ngày 22-7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, chiều cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (hình thành ngày 21-7) đã di chuyển tới tọa độ khoảng 17,8 độ vĩ Bắc - 111,9 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120km về phía Bắc. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây - Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh lên thành bão số 3 trong ngày 23-7.  
Trong khi đó, một cơn bão khác có tên quốc tế là Roke phát triển từ một áp thấp nhiệt đới vừa hình thành ở khu vực Đông Bắc biển Đông vào chiều 22-7. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc, đi vào đất liền phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Không tạo tâm lý chủ quan trong ứng phó mưa lũ 
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ tại miền Bắc, hiện nay cũng đã bắt đầu thời kỳ mưa lũ chính vụ ở Bắc bộ, cộng với trên khu vực Bắc biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến nước ta trong thời gian tới…, Thủ tướng Chính phủ vừa tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT chỉ đạo cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, đặc biệt là diễn biến của áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên biển Đông, bão và các hình thái thời tiết nguy hiểm có thể gây mưa lũ trên lưu vực sông Hồng; dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương và nhân dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó. Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; quyết định ban hành lệnh vận hành các hồ chứa thủy điện lớn theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, an toàn vùng hạ du, nâng cao hiệu quả phát điện, đồng thời chủ động tích đủ nước vào cuối mùa lũ để phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô tới.  
Thủ tướng yêu cầu các phương tiện truyền thông làm tốt công tác thông tin, truyền thông, bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác, tránh tạo tâm lý chủ quan, đồng thời tránh gây hoang mang trong nhân dân.
LÂM NGUYÊN 

Tin cùng chuyên mục