Nông thôn mới còn vướng trường học, môi trường

Dân số tăng nhanh đã khiến nhiều địa phương tại TPHCM khó hoàn thành các tiêu chí về trường học, môi trường... trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn nâng chất. Để giải quyết bài toán này, nhiều sở ngành, địa phương phải cùng nhau phối hợp tháo gỡ từng điểm nghẽn để sớm về “đích”.
Nhiều trường học tại huyện Cần Giờ dù được xây dựng khang trang, nhưng do thiếu nhiều trang thiết bị nên chưa thể hoàn thành tiêu chí NTM
Nhiều trường học tại huyện Cần Giờ dù được xây dựng khang trang, nhưng do thiếu nhiều trang thiết bị nên chưa thể hoàn thành tiêu chí NTM

Áp lực dân số tăng

Theo Văn phòng Điều phối NTM TPHCM, tính đến tháng 6-2019, số tiêu chí đạt bình quân trên địa bàn thành phố là 17,07/19 tiêu chí, tăng 1,67 tiêu chí so với cuối năm 2018 là 15,4 tiêu chí. Lũy tiến thực hiện đến tháng 6-2019, UBND TPHCM đã phê duyệt đầu tư 1.384 công trình từ nguồn vốn ngân sách thành phố và nguồn huy động chung sức xây dựng NTM. Tuy thế, nhiều huyện vẫn chưa thể hoàn thành tiêu chí về trường học, môi trường... nguyên nhân chủ yếu là do dân số tăng nên chưa đáp ứng kịp thời.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, TPHCM chỉ hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng 29 công trình trường học. Tại một trong những địa phương chưa đạt tiêu chí trường học, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho hay trường mới tuy được xây dựng nhưng chưa “phủ” đủ các lớp, thiếu nhiều trang thiết bị nên không công nhận đạt chuẩn quốc gia để hoàn thành tiêu chí NTM. Thậm chí, có xã như An Thới Đông trường học đã xuống cấp nhưng học sinh vẫn tạm thời học. Đồng cảnh ngộ, UBND huyện Củ Chi còn 6 xã chưa đạt tiêu chí trường học do chưa đạt chuẩn theo quy định, thiếu cơ sở vật chất, thiết bị, chưa có phòng chức năng, nhà tập đa năng, hội trường… Tương tự, huyện Hóc Môn còn 5 xã chưa đạt tiêu chí này. 

Hiện chỉ có 24 xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm; số xã còn lại chưa đạt bởi việc kiểm soát và quản lý xả thải tại các lưu vực kênh rạch còn khó khăn; cùng với đó quá trình đô thị hóa nhanh, cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Điển hình như huyện Bình Chánh, địa bàn có nhiều kênh rạch chảy qua, nên khó kiểm soát được tình trạng ô nhiễm kênh rạch, đó là lý do đến nay huyện Bình Chánh vẫn chưa đạt tiêu chí về môi trường. Ông Nguyễn Văn Phụng, Bí thư huyện Bình Chánh, cho hay: “Đầu năm 2016, trên địa bàn huyện có 497 cơ sở sản xuất được xác định gây ô nhiễm môi trường và trong 3 năm qua đã thực hiện di dời được 155 cơ sở. Tuy nhiên, qua tái rà soát mới đây, phát sinh thêm 124 cơ sở gây ô nhiễm. Huyện đang xây dựng mẫu hóa phương án bảo vệ môi trường để triển khai hướng dẫn UBND các xã làm việc đơn vị gây ô nhiễm. Phòng TN-MT huyện Bình Chánh có nhiệm vụ giám sát việc xả thải chưa qua xử lý ra ra kênh rạch. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện có nhiều dòng chảy mang nguồn ô nhiễm từ địa phương khác như quận 8, quận Bình Tân và tỉnh Long An chảy qua nên khó kiểm soát”. 

Ngoài huyện Bình Chánh, còn có huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ cũng chưa đạt tiêu chí về môi trường.

Sở ngành phối hợp thực hiện

Theo Văn phòng Điều phối NTM, giai đoạn 2011-2015 quy định mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở phải có một trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, sang giai đoạn 2016-2020, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM quy định tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở phải đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất mới đạt chuẩn NTM. Trong khi đó, nhiều xã có lượng người nhập cư đông, dẫn đến số lượng học sinh tăng nhanh, sĩ số lớp đông nên không đạt diện tích bình quân/học sinh. Cùng với đó, nhiều dự án xây dựng các trường mới chưa triển khai do đang vướng công tác bồi thường thu hồi đất.

Vấn đề ô nhiễm môi trường ở địa bàn mỗi huyện khác nhau nên cần vận dụng đặc thù riêng để xử lý. Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho hay, đối với huyện Bình Chánh có địa bàn rộng, nhiều cơ sở sản xuất, ngành nghề còn ô nhiễm, nhiều kênh rạch giáp ranh với các tỉnh và địa phương lân cận nên từ năm 2018, Sở TN-MT TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bên liên quan để giám sát nguồn thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Sở TN-MT cũng thường xuyên có báo cáo đánh giá tác động môi trường để nắm bắt, xử lý ô nhiễm môi trường nước và bụi khí thải trong không khí. 

Đưa ra các giải pháp để hoàn thành tiêu chí NTM, ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo của Thành ủy về NTM, cho biết Sở GD-ĐT TPHCM đã xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND các huyện tổ chức thực hiện hoàn thành tiêu chí trường học theo tiến độ đã ký kết. Song song đó, UBND TPHCM cũng thành lập tổ công tác theo dõi kết quả thực hiện theo cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian trong các khâu bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nói chung và xây dựng trường học mới, cải tạo trường cũ đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình đề ra, nói riêng. Ngoài nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường khu vực nông thôn, các sở ngành tại TPHCM đang cố gắng hoàn thành đề án đầu tư “Xây dựng khu xử lý chất thải tại chỗ và giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường tại khu vực chôn lấp tại huyện Cần Giờ” và đề án “Nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất, xử lý chất thải chăn nuôi và cung cấp nước sạch giai đoạn 2016-2020” tại huyện Bình Chánh.

Tin cùng chuyên mục