Nông sản, thực phẩm, dệt may xuất khẩu sang châu Âu rất tốt

Tại buổi họp công bố tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019, ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Sở Công thương TPHCM, nhận định: “Có 3 nhóm ngành mà Việt Nam xuất sang châu Âu rất tốt, là nông sản, thực phẩm và dệt may”. 

Các kết quả nghiên cứu của Bộ Công thương và Bộ KH-ĐT cho thấy, nếu EVFTA có hiệu lực thì xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu đến năm 2020 sẽ tăng 20%, kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, việc ký kết còn chờ phê chuẩn nên sớm nhất thì cuối năm nay mới có hiệu lực. Các doanh nghiệp TPHCM cần nắm rõ những ngành nào mà Việt Nam thực sự có thế mạnh khi xuất qua châu Âu.

Thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp với Trung tâm Hội nhập quốc tế tổ chức các khóa phổ biến thông tin về cơ hội EVFTA, để làm sao giúp các doanh nghiệp của TP có được lợi thế.

Bên cạnh cơ hội là hàng loạt thách thức mà ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cảnh báo, châu Âu yêu cầu chất lượng hàng hóa rất cao, đòi hỏi truy xuất nguồn gốc sản phẩm rất kỹ. Nếu chúng ta không chuẩn bị, không thực hiện tốt những tiêu chuẩn để xuất khẩu hàng hóa vào EU thì hàng hóa của chúng ta không thể xuất được. Trong khi hàng của EU vào Việt Nam được giảm thuế, sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt hơn đối với hàng Việt. Như chúng ta đều biết, EU rút thẻ vàng cho hàng thủy sản của Việt Nam. Mặc dù Chính phủ, Bộ NN-PTNT, một số tỉnh ở vùng biển đánh bắt cá đang rất nỗ lực để gỡ bỏ thẻ này nhưng chưa được. Vừa rồi EU cảnh báo, nếu Việt Nam không chuyển biến tốt thì có khả năng sẽ rút thẻ đỏ. Để gỡ thẻ vàng trong xuất khẩu thủy sản, Thái Lan đã phải xử lý trong 5 năm.

Số liệu thống kê cho thấy, tại TPHCM, bất động sản vẫn là lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất với 26 dự án, tổng vốn khoảng 225 triệu USD, chiếm 42,7%. Trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 3,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP, tại sao trong thời gian qua, giá điện tăng mạnh gây nhiều tranh cãi, đồng thời giá bất động sản cũng tăng mạnh qua các cơn sốt đất; giá cao ốc mở bán tại trung tâm TP lập đỉnh 350 triệu đồng/m², nhưng kết quả thống kê “nhóm nhà ở, điện nước chất đốt tăng 0,12%”, thấp hơn so với hàng loạt nhóm khác, ông Võ Hồng Thái, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, giải thích: “Về giá điện, số liệu lấy từ Tổng công ty Điện lực. Chúng tôi lấy giá bình quân toàn TP, tổng doanh thu chia cho sản lượng, sẽ thấy tháng nắng giá cao vì sử dụng nhiều, tháng lạnh giá điện mềm hơn vì dùng ít đi, nên giá bình quân sẽ thấp. Về nhà ở, tính bằng giá thuê nhà ở chứ không bằng mua bán nhà. Việc mua bán nhà sẽ thể hiện qua chỉ số giá bất động sản, hiện nay Cục Thống kê đang điều tra thử nghiệm, vài năm nữa mới công bố…”.

Tin cùng chuyên mục