Nông sản sạch vẫn còn “sạn”

Nhìn chung, chuyến giám sát của Hội Nông dân TPHCM về điều kiện thực hiện sản xuất, kinh doanh rau, quả bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đến với người tiêu dùng cho thấy nông dân thực hiện khá tốt.

Tuy nhiên, những điều kiện môi trường (đất, nước) hay lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đâu đó vẫn còn bỏ ngỏ, nên khâu kiểm soát cần chặt chẽ hơn.

Khó phân biệt đâu là an toàn

Ghi nhận thực tế tại khu vực trồng rau ở xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh, TPHCM), phần lớn nguồn nước tưới được bơm từ giếng rồi trữ trong ao.

Theo nông dân, nước sông tại khu vực này đã ô nhiễm và do thường xuyên bị triều cường nên họ phải làm bờ đê xung quanh ruộng để ngăn nước sông không tràn vào. Tuy nhiên, thành viên trong đoàn lo ngại nếu như nước sông ô nhiễm thấm qua đất liệu có ảnh hưởng đến chất lượng nước bơm. Đồng thời, nông dân tận dụng thời gian canh tác đã dùng thuốc cải tạo đất liên tục để tiếp tục mùa vụ thay vì để thời gian cho đất “phục hồi”.

Tại xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn), nhiều ruộng rau muống nước đạt tiêu chuẩn VietGAP nằm đan xen cài trong khu dân cư. Thậm chí có cả ngôi mộ nằm chính giữa ruộng hay nhà xưởng sản xuất nằm kế bên. Ngoài ra, hệ thống thoát nước chưa có nên nước trong khu đô thị thoát xuống ruộng, nếu nước bị ô nhiễm, khu vực trồng rau có thể ảnh hưởng.

Điều lo lắng nhất là tình trạng lạm dụng thuốc BVTV khiến nhiều thành viên trong đoàn đặt dấu chấm hỏi. Tại cửa hàng bán vật tư nông nghiệp tại xã Nhị Bình có bày bán thuốc diệt rầy, thuốc tăng trưởng cọng, giúp lá xanh… Khi phóng viên hỏi chủ cửa hàng có người mua không? Chủ cửa hàng cho biết những thuốc này vẫn bán “chạy”.

Tương tự, cửa hàng tại thị trấn Hóc Môn, thuốc tăng trưởng cọng, giúp lá xanh hay phun diệt rầy được đựng trong túi ni lông màu đen đặt dưới bàn! Tại cửa hàng ở huyện Bình Chánh các loại thuốc trên cũng bày bán công khai, trưng bày ngay mặt tiền. Theo lý giải của chủ cửa hàng, sở dĩ trưng ra là do nhiều người mua.

Đặc biệt, tâm lý nông dân không mặn mà trồng rau tiêu chuẩn VietGAP do trồng tiêu chuẩn an toàn dễ hơn, không theo bất kỳ quy định, có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật miễn sao đủ thời gian cách ly theo quy định và dễ tiêu thụ.

Theo tìm hiểu thì sản lượng rau VietGAP rất hạn chế do trồng khó mà giá bán cũng bằng rau an toàn nên nông dân không mặn mà. Lo ngại nhất là đoàn giám sát cũng không thể phân biệt đâu là rau VietGAP, đâu là rau an toàn.

Điều này không loại trừ có khả năng xảy ra tình trạng trộn rau an toàn với rau VietGAP. Bởi đơn vị thu mua VietGAP chỉ kiểm tra nhanh ngẫu nhiên, nếu đủ điều kiện an toàn vẫn cho nhập vào và cũng không thể phân biệt được VietGAP hay an toàn.

Nông sản sạch vẫn còn “sạn” ảnh 1 Kiểm tra công tác sơ chế tại nhà xưởng của HTX Phú Lộc (huyện Bình Chánh, TPHCM)
Tăng kiểm tra, bảo vệ người tiêu dùng

Theo giải thích của chuyên viên Sở NN-PTNT trong đoàn giám sát, thực tế tác động môi trường (nước, đất) được kiểm tra định kỳ nhiều lần trong năm. Nếu đạt chất lượng mới cho tiếp tục trồng trọt. Theo quy định hiện nay không thể ép nông dân chỉ trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP mà vẫn cho trồng rau an toàn, rau VietGAP song song.

Theo lãnh đạo HTX Mai Hoa, mỗi ngày nhân viên HTX đều phối hợp công ty thu mua đi kiểm tra sổ nhật ký ghi chép đồng ruộng và kiểm tra đột xuất nông dân trồng trọt hoặc lấy mẫu ngẫu nhiên để về phân tích. Nếu như nông dân sản xuất không đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX sẽ ngưng hợp đồng vĩnh viễn.

Ghi nhận tại HTX Phú Lộc, nhân viên kiểm soát rau mua của từng nông dân qua mã số. Những mã số được dán trên bao bì sản phẩm trước khi đến người tiêu dùng, nếu sản phẩm xảy ra vấn đề an toàn thực phẩm thì dễ dàng truy được nguồn nông dân sản xuất. Tương tự, HTX Phú Lộc cũng thường xuyên kiểm tra mẫu nước, đất và sản phẩm.

Theo đại diện Saigon Co.op, quy trình kiểm soát nông sản chia thành 3 giai đoạn: kiểm tra đầu vào, khảo sát nhà cung cấp và kiểm soát trong quá trình kinh doanh. Ưu tiên chọn hàng của HTX có chứng nhận quy trình sản xuất rau an toàn VietGAP, GlobalGAP.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op còn hợp tác với dự án Xây dựng kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm nhằm cải thiện chất lượng nông sản theo phương pháp tiếp cận tổng thể trong chuỗi giá trị ngành hàng từ “trang trại đến bàn ăn”. Đồng thời tại mỗi siêu thị, các chuyên viên chất lượng được trang bị những thiết bị, dụng cụ chuyên dụng để kiểm tra nhiệt độ, quy cách bảo quản, test nhanh hàng hóa…

Ngoài ra, thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên sản phẩm đang kinh doanh để kiểm định, phân tích chất lượng tại trung tâm kiểm nghiệm của Nhà nước. Trong năm 2017, Saigon Co.op đưa vào hoạt động xe kiểm nghiệm lưu động với thiết kế đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ như một trung tâm kiểm nghiệm thu nhỏ nhằm kiểm soát hàng hóa tại nguồn.

Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM đánh giá, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP tăng dần lên nhờ vào các hoạt động tập huấn thực hành trồng rau an toàn. Tuy nhiên, rau đạt tiêu chuẩn VietGAP chưa được tiêu thụ nhiều nên vẫn còn xảy ra thực trạng nông dân trồng rau an toàn. Để làm được điều này cần có thêm nhiều đơn vị (HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp) kết nối tiêu thụ sản phẩm nhằm xây dựng được vùng rau VietGAP. Hướng đến tương lai đưa công nghệ cao vào nông nghiệp như trồng trong nhà màn, kỹ thuật trồng… nhằm giảm thiểu tác động môi trường nhờ vậy mà rau phát triển tốt tránh lạm dụng thuốc BVTV .

Tin cùng chuyên mục