Nông nghiệp TPHCM phát triển theo mô hình nào? - Bài 2: Ưu tiên phát triển kinh tế tập thể

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp TPHCM không thể thiếu sự tham gia của các mô hình sản xuất nông nghiệp cơ bản: kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN), cũng như sự liên kết sản xuất giữa DN với hộ nông dân, với HTX. Vấn đề đặt ra là lựa chọn mô hình nào để ưu tiên tập trung đầu tư trong thời gian tới, giúp nông nghiệp TP tiếp tục phát triển?
3 thất bại của kinh tế hộ
Với trên 25.400 hộ, hơn 72.000 lao động nông nghiệp, kinh tế hộ nông dân được xem là lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp TP, chiếm hơn 77% tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phù hợp với nông nghiệp đô thị như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa…
Tuy nhiên, do đa phần các hộ nông dân quy mô sản xuất nhỏ, thiếu liên kết (chiếm 65% hộ nông nghiệp), xét về sức mạnh kinh tế là rất nhỏ, khả năng chịu rủi ro không cao.
Năng suất lao động sản xuất nông nghiệp năm 2015 chỉ đạt 88,1 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều so với các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng (bình quân gần 230 triệu đồng/người/năm).
Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, phụ thuộc nguồn vốn vay nên khó mở rộng sản xuất hay đầu tư khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm. Vì vậy, sản phẩm của hộ nông dân không có thương hiệu, dễ dàng bị ép giá trên thị trường. 
Nông nghiệp TPHCM phát triển theo mô hình nào? - Bài 2: Ưu tiên phát triển kinh tế tập thể ảnh 1 Sản xuất tại bánh tráng tại HTX Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi). Ảnh: PHIÊU NHIÊN
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế (Đại học Kinh tế TPHCM), điệp khúc “được mùa, mất giá” và “được giá, mất mùa” thể hiện sự thất bại của hộ nông dân sản xuất nhỏ, rõ nét nhất trong 3 khâu.
Thứ nhất là khâu đầu vào. Nông dân không thể tiếp nhận phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá thấp, chất lượng. Việc mua vật tư nhỏ lẻ luôn phải chấp nhận giá cao, khó kiểm soát chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; khi thiếu vốn phải mua trả sau với giá cao, hoặc chấp nhận “bán lúa non”.
Thứ hai là khâu sản xuất. Nông dân khó tiếp cận và áp dụng công nghệ mới hay kỹ thuật mới (giống, phương thức canh tác...) do năng lực cá nhân (sự hiểu biết, vốn) hạn chế. Nếu tiếp cận thì cũng khó thực hiện vì quy mô nhỏ, không thể cơ giới hóa được với vài công đất.
Thứ ba, khâu tiêu thụ sản phẩm luôn bị ám ảnh vì phần lớn bán qua thương lái hoặc bán lẻ chợ truyền thống, vừa không ổn định vừa giá thấp. Việc xây dựng thương hiệu nông sản, bảo quản và chế biến sau thu hoạch vượt quá năng lực của hộ dân sản xuất nhỏ.
Nông dân nhỏ cũng thất bại trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, không thể xuất khẩu với quy mô nhỏ, chất lượng và tiêu chuẩn không đồng đều.  
Về lâu dài phải là kinh tế tập thể
Đến nay đã có vài hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp nhằm khắc phục nhược điểm của nông hộ sản xuất nhỏ, như tích tụ ruộng đất thành mô hình sản xuất lớn như trang trại, hay DN nông nghiệp, hợp tác của nông dân với các DN theo hình thức hợp đồng liên kết, xây dựng tổ hợp tác...
Mỗi hình thức tổ chức đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, nhưng HTX là hình thức có thể giải quyết căn cơ những thất bại của nông hộ nhỏ lẻ. 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo mô hình đơn vị sản xuất cơ bản nông nghiệp TPHCM đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh: Theo khảo sát, 77% doanh số nông nghiệp TP là từ hộ cá thể, 15% từ mô hình nông dân liên kết với DN, 5% từ HTX và 3% từ trang trại.
Với nền kinh tế thị trường và hội nhập, hộ cá thể không phải là mô hình tối ưu. Việc nông hộ liên kết với DN để sản xuất, tiêu thụ nông sản được khuyến khích và trân trọng, nhưng không phải là cứu cánh.
Bài học từ các nước cho thấy, để tồn tại trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tập thể - nhất là HTX - mới là hướng phát triển chủ yếu. Nông dân vẫn làm chủ đất đai, nhưng thông qua HTX để giải quyết bài toán thị trường. Hộ cá thể không biết thị trường cần gì, như thế nào, chất lượng ra sao, trong khi thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có lượng hàng hóa nhất định, có xuất xứ, có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Những điều này, chỉ HTX mới có khả năng và điều kiện đáp ứng. Đối với việc tìm kiếm nguồn vốn nhằm mở rộng sản xuất, HTX cũng sẽ dễ dàng tiếp cận hơn hộ cá thể nhờ có kế hoạch sản xuất, đầu ra sản phẩm. Với các tiến bộ kỹ thuật mà cơ quan nhà nước hay DN chuyển giao, thông qua HTX sẽ thuận lợi rất nhiều.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho rằng, HTX là mô hình tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của nền kinh tế thị trường. Khảo sát của TP vừa qua cho thấy, lợi ích sau khi gia nhập HTX là doanh thu tăng 1,1 lần nhưng lợi nhuận tăng 1,35 lần. TPHCM hiện có 230 tổ hợp tác, cần tập trung nâng cấp 10% - 20% trong số này lên HTX.
TP đã có chính sách hỗ trợ cho HTX mới thành lập, nhưng cũng cần thận trọng, đảm bảo sự hoạt động lâu dài và hiệu quả của HTX. Muốn vậy cần tăng cường vận động để nông dân hiểu được lợi ích thiết thực và có mô hình chứng minh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, chợ đầu mối tiêu thụ khoảng 85% tổng sản lượng nông sản TP; khi các chợ đầu mối quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thì hộ cá thể buộc phải tổ chức lại sản xuất, phải vào HTX mới có thể đáp ứng các yêu cầu này.
Thế mạnh của HTX không chỉ là đầu mối tiêu thụ nông sản, mà còn là lưu kho, sơ chế, chế biến trước khi tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; cung cấp đầu vào về vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) với giá thấp hơn thị trường không dưới 10%, để nâng cao lợi nhuận cho từng thành viên HTX. 
Như vậy, nếu muốn duy trì sự phát triển ổn định, nông nghiệp TP phải chuyển đổi mô hình từ hộ cá thể sang HTX. Nhưng cần khẳng định, HTX không làm thay việc của các thành viên nông dân. HTX chỉ giải quyết những vướng mắc của hộ cá thể là tiêu thụ, thông tin thị trường, cung cấp vật tư đầu vào giá thấp; đồng thời khẳng định, sản xuất tập thể nhưng không sở hữu tập thể.

Tin cùng chuyên mục