Nỗi lo thực phẩm bẩn trước cổng trường

Phớt lờ các quy định của pháp luật, những chiếc xe lưu động, gánh hàng rong bày bán các loại đồ ăn nhanh hàng ngày vẫn bủa vây các cổng trường học. Do được bán với giá tương đối rẻ, trong khi nguyên liệu đầu vào thiếu kiểm soát khiến nhiều phụ huynh học sinh lo lắng về độ an toàn đối với sức khỏe của con em mình.
Thức ăn nhanh bày bán trước cổng trường
Thức ăn nhanh bày bán trước cổng trường
Tiện nhưng không lợi 

Trước các cổng bệnh viện, trường học luôn là nơi tụ tập khá nhiều các quán hàng rong với đầy đủ các loại thức ăn, nước uống… rất hấp dẫn và có giá khá rẻ, dao động từ 5.000 - 15.000 đồng/món. Có thể kể ra như khu vực cổng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (quận 1),  Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp)… luôn xuất hiện những xe hàng rong bán đủ các món ăn thức uống gồm xôi, bánh mì, hủ tiếu, các loại bánh tráng trộn, cá viên chiên, trà sữa, trái cây gọt sẵn. Điểm chung của những quán hàng rong ở đây là việc che đậy, bảo quản không hợp vệ sinh. Thế nhưng, những món ăn 3 không (không nguồn gốc, không xuất xứ, không hạn sử dụng) vẫn cuốn hút học sinh và trở thành mối nguy hại cho sức khỏe của lứa tuổi học trò.

Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Thống Nhất (quận Gò Vấp) có tới 2 trường học là Trường Tiểu học Phan Chu Trinh và Trường THCS Phan Tây Hồ. Mỗi giờ tan học là thời điểm những quán hàng nằm sát cổng trường hay những gánh hàng rong xung quanh bắt đầu hoạt động náo nhiệt. Nguyễn Thị Mỹ Vân, học sinh Trường THCS Phan Tây Hồ, cho biết vào khoảng 16 giờ hàng ngày xung quanh trường có rất nhiều xe bán đồ ăn như bột chiên, bánh mì, hủ tiếu hay các loại nước trà sữa với giá cũng chỉ khoảng 10.000 đồng/món nhưng ăn no. Sau khi học xong ở trường và chờ đi học thêm, học sinh thường ra đây ăn vặt chống đói. Khi được hỏi về việc có lo lắng vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các thức ăn bán trước trước cổng trường, Mỹ Vân nhanh nhảu trả lời: “Đồ ăn ở đây rẻ lại ngon, tụi con ăn thường xuyên có sao đâu”. 

Theo các chuyên gia y tế, chưa nói đến việc sử dụng nguồn nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, cách bảo quản các loại thực phẩm ở đây cũng rất dễ nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, người bán hàng rong tại đây thường không có giấy chứng nhận đảm bảo về sức khỏe, nếu chẳng may họ mắc bệnh truyền nhiễm thì nguy cơ lây lan bệnh cho học sinh là rất cao. Khi sử dụng các loại thực phẩm tại các quán hàng rong, học sinh không chỉ bị ngộ độc cấp tính mà còn dẫn đến ngộ độc mãn tính. Bên cạnh đó, việc sử dụng thực phẩm không an toàn như các món nướng, rán được chiên đi chiên lại qua dầu mỡ không đảm bảo, hay việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong thời gian dài, tích lũy dần trong cơ thể sẽ gây bệnh. 

Khó quản lý?

Nhiều năm nay ngành giáo dục TPHCM đã tăng cường phối hợp với các địa phương để kiên quyết chấn chỉnh hàng rong trước cổng trường. Tuy nhiên, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh chia sẻ, việc dẹp những quán hàng rong trước trường học không hề đơn giản, bởi trường chỉ có thể quản lý được chất lượng thực phẩm trong khuôn viên trường, còn bên ngoài thì… thuộc về trách nhiệm của địa phương. Trường chỉ nhắc nhở, tuyên truyền để học sinh hạn chế ăn uống tại những gánh hàng rong. Nhà trường cũng phối hợp với chính quyền địa phương để dẹp những quán hàng rong bày bán trước cổng trường, khi thấy lực lượng chức năng đến thì những quán hàng rong này lại đẩy xe đi chỗ khác, qua địa bàn khác. Nhưng được vài ngày rồi… đâu lại vào đấy. 

Đề cập đến vấn đề quản lý hàng rong nơi cổng trường học, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, cho rằng thức ăn đường phố cũng như hàng quán bày bán tại cổng các trường học là những loại thức ăn nhanh, thuộc trách nhiệm quản lý của UBND phường, xã, thị trấn sở tại. Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn, chính quyền các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện hàng rong vi phạm ATTP phải lập tức xử lý. 

Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thời gian qua, một số quận huyện trên địa bàn TP đã kiểm tra, giải tỏa các điểm bán đồ ăn vặt tại cổng trường. Tuy nhiên, một số vẫn bán hàng theo hình thức “du kích”. Tại nhiều trường học, cứ gần giờ ra chơi hoặc giờ tan học khoảng 30 phút là những chiếc xe bán hàng lưu động với đầy các đồ ăn lại xuất hiện. Những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, nhận thức pháp luật còn kém nên xử phạt cũng rất khó. Do đó, việc kiểm tra, phát hiện sai phạm chủ yếu dừng lại ở nhắc nhở.  

Gần đây, Ban Quản lý ATTP TPHCM đã triển khai phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM và các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát. “Tuy nhiên, để giải quyết triệt để các quán hàng rong bủa vây cổng các trường học, đòi hỏi chính quyền nơi trường cư trú cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Ngoài ra, các bậc phụ huynh phải tuyên truyền, giáo dục con em gìn giữ, bảo vệ sức khỏe của chính mình và kiên quyết tẩy chay các loại thực phẩm bẩn này”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục