Nỗi lo khủng bố phủ bóng Hội nghị ngoại trưởng EU

Hôm nay, 18-7, Hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra ở Brussels, Bỉ với nội dung chính là cuộc chiến chống khủng bố. Công ty phân tích tình báo tư nhân Stratfor (Mỹ) cho rằng vụ khủng bố ở Nice (Pháp) sẽ là tác nhân đáng kể tác động đến 2 vấn đề đang được tranh cãi gay gắt tại EU: đề xuất tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh và kế hoạch tăng cường phối hợp về quân sự tại châu Âu
Nỗi lo khủng bố phủ bóng Hội nghị ngoại trưởng EU

Hôm nay, 18-7, Hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra ở Brussels, Bỉ với nội dung chính là cuộc chiến chống khủng bố. Công ty phân tích tình báo tư nhân Stratfor (Mỹ) cho rằng vụ khủng bố ở Nice (Pháp) sẽ là tác nhân đáng kể tác động đến 2 vấn đề đang được tranh cãi gay gắt tại EU: đề xuất tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh và kế hoạch tăng cường phối hợp về quân sự tại châu Âu.

An ninh tại biên giới Pháp được thắt chặt sau các vụ tấn công khủng bố tại nước này

Cơ hội xích lại gần nhau

Theo chương trình nghị sự, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry-hiện đang có chuyến công du châu Âu-sẽ cùng ngoại trưởng 28 nước thành viên thảo luận cụ thể về vụ khủng bố tại Nice.

Vào thời điểm Anh chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi châu Âu (Brexit), Pháp và Đức đã bắt đầu thảo luận về các đề xuất thống nhất châu Âu. Trong bối cảnh sức mạnh của phe hoài nghi về EU ngày một tăng lên, Paris và Berlin đã quyết định không tập trung vào những vấn đề gây tranh cãi như tăng cường hội nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Thay vào đó, họ thảo luận về cải thiện kiểm soát biên giới bên ngoài EU và tăng cường kiểm soát các vấn đề an ninh. Cuộc khủng bố ở Nice có thể sẽ là cơ hội giúp EU xích lại để cùng nỗ lực hướng tới một mục tiêu chung thay vì các chủ đề gây chia rẽ khối này.

Ngoài ra, dư luận cũng sẽ tập trung theo dõi liệu Pháp có một lần nữa yêu cầu kích hoạt điều khoản tự vệ trong Hiệp ước EU, theo đó các quốc gia thành viên của khối cam kết sẽ hỗ trợ một thành viên khi nước đó là nạn nhân của xâm lược vũ trang. Sau vụ khủng bố tại Paris hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã yêu cầu EU thực hiện điều khoản trên và đó là lần đầu tiên điều khoản này được kích hoạt. Hiện chưa có bất cứ phản ứng nào từ phía Paris cho thấy Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault sẽ đưa ra yêu cầu trên tại cuộc họp ở Brussels hôm nay.

Mục tiêu ưu tiên

 

* Ngày 17-7, cảnh sát Pháp đã bắt giữ một người đàn ông và một người phụ nữ tình nghi có mối liên hệ với kẻ thực hiện vụ khủng bố tại Nice. Trước đó, nhà chức trách Pháp đã bắt giữ 5 đối tượng, bao gồm cả người vợ đã ly thân của hung thủ Mohamed Lahouaiej-Bouhlel.

 

Nội dung chống khủng bố được đưa vào chương trình nghị sự theo yêu cầu của phía Pháp khi mà nhiều cảnh báo cho thấy Pháp vẫn là mục tiêu ưu tiên của bọn khủng bố. Trong một cuộc điều trần trước ủy ban quốc phòng của Hạ viện Pháp vào tháng 5 vừa qua, ông Patrick Calvar, Giám đốc Tổng cục An ninh nội địa Pháp (DGSI), cho biết Pháp nay đã trở thành mục tiêu tấn công khủng bố hàng đầu không chỉ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo ông Calvar, IS đang lên kế hoạch cho những cuộc tấn công mới, sử dụng những chiến binh tại chỗ, dùng những con đường dễ xâm nhập vào lãnh thổ Pháp. Ngày càng có nhiều quân thánh chiến người Pháp muốn trở về nước nhưng bị IS ngăn cản. Đối với tổ chức này, những người muốn rời Syria là những kẻ phản bội, cần phải xử tử ngay lập tức. Giám đốc DGSI cho hay có một số người bị IS xem là phản bội nay muốn đoái công chuộc tội bằng cách trở về tấn công khủng bố nước Pháp. Ngoài ra, còn có nhiều trẻ em trở về nước cùng với các chiến binh người Pháp và DGSI sợ rằng IS đã huấn luyện những em này thành khủng bố tương lai.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội Vụ Bernard Cazeneuve thông báo trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp (được ban hành sau loạt tấn công khủng bố ở Paris ngày 13-11-2015) từ đầu năm đến nay, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ 101 người có liên quan đến khủng bố, trong đó có 45 người bị truy tố, 33 người bị tống giam. Theo ông Cazeneuve, con số này đủ cho thấy mức độ đe dọa khủng bố đối với nước Pháp.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

- Vụ tấn công tại Pháp: IS nhận là thủ phạm

Tin cùng chuyên mục