Nổi lên tình trạng móc ngoặc công - tư trong án kinh tế

Tình trạng thông đồng móc ngoặc giữa các đối tượng thoái hoá, biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư thành lập các công ty "sân sau", "công ty gia đình" dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án; thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc...

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về kinh tế và tội phạm về chức vụ cũng là một nội dung quan trọng trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên họp của UBTVQH chiều 13-8.

Theo báo cáo, chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, đã phát hiện 26.599 vụ vi phạm, tội phạm về kinh tế và 363 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Khởi tố mới 2.410 vụ/3.159 bị can về án kinh tế và 327 vụ/617 bị can về án tham nhũng. Thu hồi tài sản án kinh tế gần 24.000 tỷ đồng (đạt 44,84%) và tài sản án tham nhũng gần 2.700 tỷ đồng (đạt 38,76%).

Đáng lưu ý là tình trạng thông đồng móc ngoặc giữa các đối tượng thoái hoá, biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư dưới các hình thức như thành lập các công ty "sân sau", "công ty gia đình" dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án; thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước...

Nổi lên tình trạng móc ngoặc công - tư trong án kinh tế ảnh 1 Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phải trả lại hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần
Trong đó, chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng đã có tới 170 vụ án được lực lượng công an thụ lý điều tra tội phạm xảy ra phổ biến là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội danh liên quan đến cố ý làm trái, vi phạm quy định cho vay...

Thủ đoạn phổ biến là cán bộ ngân hàng lợi dụng vị trí, nhiệm vụ được giao, lợi dụng các chính sách ưu đãi của ngân hàng, sự tin tưởng của khách hàng và công tác quản lý, giám sát lỏng lẻo, thông đồng trong nội bộ làm giả chứng từ hoặc đưa vào hạch toán vào hệ thống ngân hàng để chiếm đoạt; lợi dụng chức vụ được giao trục lợi tiền lãi suất ngoài từ các hợp đồng tiền gửi…

Trong khi đó, việc đánh giá về chứng cứ, xác định tội danh trong các vụ án kinh tế và tham nhũng có liên quan đến nhiều quy định mới của Nhà nước về quản lý kinh tế, nhiều nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, nên việc áp dụng của các cơ quan tiến hành tố tụng đôi lúc còn khác nhau, ảnh hưởng đến kết quả xử lý vụ án.

Điển hỉnh, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như trả lại hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, qua 4 năm cùng với quá trình xét xử với 38 lần họp mới thống nhất tội danh của Như là lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải phạm tội tham ô tài sản. 

Trong khi đó, công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài, nhất là đối với các nước mà Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp hết sức khó khăn; việc thu thập thông tin, tài liệu ở nước ngoài qua hoạt động tương trợ tư pháp hình sự liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, dẫn đến thời gian kéo dài, nhiều vụ không có trả lời của phía nước ngoài, ảnh hưởng đến thời hạn và kết quả điều tra vụ án.

Ngoài ra, những vướng mắc trong công tác giám định mặc dù đã được tập trung chỉ đạo nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra các vụ án.

Nổi lên tình trạng móc ngoặc công - tư trong án kinh tế ảnh 2 Bị cáo Phạm Công Danh trong phiên tòa xét xử “đại án” 6.127 tỷ đồng
Trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng nội dung khối lượng trưng cầu giám định nhiều, kỹ thuật phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhưng trình độ chuyên môn của một số giám định viên chưa đáp ứng được yêu cầu, kết luận giám định chung chung, không trả lời đúng nội dung yêu cầu giám định, thậm chí có trường hợp còn "né tránh", trách nhiệm chưa cao, phải giám định nhiều lần.

Chẳng hạn vụ án Phạm Công Danh phải giám định 5 lần, kéo dài gần 2 năm mới được kết luận.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tuy đã được quan tâm hơn và tỷ lệ thu hồi ngày càng cao, song vẫn chưa đạt được mục tiêu yêu cầu đặt ra…

Tin cùng chuyên mục