Nỗi khổ đường sách

Đường sách Vũng Tàu lâm vào cảnh khó khăn khi số lượng bạn đọc đến quá thấp so với dự kiến. Một đơn vị tham gia Đường sách Vũng Tàu than rằng do lượng khách quá ít dẫn đến số sách bán ra cũng quá thấp, không đủ khả năng duy trì. 
Đơn vị “chủ quản” Đường sách Vũng Tàu đã đề xuất nhiều thay đổi để thu hút du khách đến với… sách nhưng xem ra chẳng mấy bạn đọc mặn mà. Và, chẳng mấy ai bất ngờ khi dấu chấm hết cho Đường sách Vũng Tàu dường như đã được báo trước.

Thực ra, ngay trước khi Đường sách ở TP biển Vũng Tàu đi vào hoạt động đã có một số đơn vị xuất bản tham gia kinh doanh ở Phố sách Hà Nội kêu cứu vì có quá ít người đến với phố sách, các đơn vị xuất bản vốn cũng không mấy giàu có nên không còn đủ khả năng duy trì hoạt động. Có một điều đáng chú ý là cả Đường sách Vũng Tàu và Phố sách Hà Nội về tổ chức đều có nhiều điểm tương đồng: Tọa lạc ở vị trí trung tâm nhất TP, nhận được sự nhiệt tình và hỗ trợ của chính quyền các địa phương  những điều kiện về kinh tế, các hỗ trợ về công tác xã hội, công an, cứu hỏa, hỗ trợ công tác tổ chức, bố trí các bãi xe, trật tự….
Thế nhưng, những đường sách này vẫn vắng trong khi Đường sách TPHCM, hình mẫu của các đường sách cả nước hiện nay lại rất thành công. Đâu là điểm khác biệt? Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sách, các nhà tổ chức đường sách đã hiểu nhầm một chuyện khi cho rằng đường sách thu hút bạn đọc là nhờ sách và chỉ cần có sách thì sẽ có bạn đọc. Suy nghĩ đó không hẳn là sai, chỉ là không nhìn thấy bản chất sự thành công của “hình mẫu” Đường sách TPHCM.

Ngay khi thành lập Đường sách TPHCM, những người tham gia sáng lập, các chuyên gia về sách, về thị trường sách đã thống nhất với nhau một điểm: Đường sách nếu chỉ có sách không thể cạnh tranh với nhà sách. Nếu chỉ đến tìm sách thì bạn đọc vào nhà sách hay hơn, ở đó có nhiều sách, không khí mát mẻ, không sợ mưa nắng… Do đó, đường sách phải khác với nhà sách.

Đường sách TPHCM tập trung tạo một sân chơi cho người yêu sách hơn là chỗ để bán sách. Đường sách TPHCM năm đầu tiên hoạt động (2016) có hơn 100 sự kiện, năm thứ hai (2017) có trên 150 sự kiện và đến đầu tháng 6-2018 đã có hơn 100 sự kiện diễn ra. Đến giờ phút này có thể nói Đường sách TPHCM thậm chí đã có dấu hiệu quá tải, cả về sự kiện lẫn bạn đọc, trung bình mỗi ngày có từ 2.000 - 3.000 bạn đọc đến đường sách, trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật, con số này lên đến từ 5.000 - 7.000 người.

Bạn đọc đến đông mang lại sự tích cực, các tác giả, các đơn vị nô nức xếp hàng để tổ chức sự kiện. Ai chẳng muốn chương trình ra mắt sách hay tọa đàm, giao lưu của mình có đông bạn đọc và tổ chức ở Đường sách TPHCM là sự bảo đảm, ít nhất là thành công về lượng bạn đọc tham dự. Đông bạn đọc cũng đồng nghĩa đông người mua. Trong khi các gian sách ở các đường sách khác kêu cứu, tìm cách rút thì các gian sách tại Đường sách TPHCM lại hồ hởi lạc quan, kể cả những đơn vị vốn mạnh cũng hào hứng bởi không chỉ đủ doanh thu cho hoạt động mà còn đảm bảo đủ nguồn thu để tổ chức các sự kiện đa dạng tại đây. Một số đơn vị xuất bản, làm sách vốn trước nghi ngờ, e dè thì giờ lại tìm mọi cách chen chân vào.

Thành công dẫn đến thương hiệu Đường sách TPHCM tăng cao, nhiều đơn vị, các nhóm cộng đồng trẻ yêu sách cũng nhiệt tình tham gia cùng đường sách. Như việc Sở GTVT TPHCM cùng đường sách tổ chức mô hình xe buýt sách, vừa tạo nét lạ cho việc đọc sách vừa quảng bá cho giao thông công cộng, rồi Tập đoàn McDonald cùng chung tay tổ chức chương trình Vui hè cùng bóng đá cho thiếu nhi tại đường sách, nơi các em có thể đọc sách, vui chơi xung quanh các thông tin về World Cup hay mua sách giảm giá mua thức ăn…
Uy tín của đường sách cũng kéo các nhà sưu tầm cùng về chung tay tổ chức các buổi triển lãm sách quý, hiếm, điều mà vốn dĩ rất khó do các nhà sưu tầm thường e dè. Sắp tới đây, Công ty Honda cũng đưa vào chương trình giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em tại đường sách… Thậm chí, vừa qua có một công ty bia lớn đề nghị tham gia quảng bá thương hiệu tại đường sách nhưng bị từ chối do không phù hợp.

Đường sách TPHCM cũng đã từng chật vật, có lúc mấy tháng liền vắng khách, phải nhờ sự chung tay của những con người am hiểu về sách, về thị trường, về cả văn hóa đọc để tìm tòi chất riêng cho đường sách. Cũng vì vậy, ngay các chuyên gia góp phần làm nên thành công của Đường sách TPHCM cũng cho rằng nếu bê nguyên xi mô hình đường sách đi các nơi cũng khó có thể thành công bởi ở mỗi địa phương sẽ có những đặc điểm riêng mà chỉ những người am hiểu về văn hóa, về thị trường sách ở đó mới có thể mang đến thành công cho đường sách.

Tin cùng chuyên mục