Nơi cơn bão đã tràn qua

Phóng viên Báo SGGP cùng nhóm từ thiện của bác sĩ Cao Xuân Minh (Giám đốc Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh, TPHCM) vừa có mặt tại huyện Vạn Ninh, chuyển đến các nạn nhân trong vùng tâm bão cơn bão số 12 số tiền 300 triệu đồng và quà cứu trợ do các doanh nhân cùng bạn đọc Báo SGGP đóng góp.
Căn nhà của chị Võ Thị Liên chỉ còn là đống gạch vụn. Cụ Lại (mẹ chị Liên) lập bàn thờ con giữa nền nhà trơ trọi
Căn nhà của chị Võ Thị Liên chỉ còn là đống gạch vụn. Cụ Lại (mẹ chị Liên) lập bàn thờ con giữa nền nhà trơ trọi
Đến thăm và thấu hiểu
Dọc quốc lộ 1A qua địa phận xã Ninh Ích (huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) - nơi rìa của vùng tâm bão và người dân đã dọn dẹp hơn 2 tuần - vậy mà nhiều ngôi nhà tốc mái vẫn chưa kịp lợp lại. Từ huyện Ninh Hòa, đoàn xe trực chỉ về huyện Vạn Ninh. Anh Võ Hữu Lộc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Vạn Ninh, đưa nhóm chúng tôi đến thôn Đầm Môn, thôn Ninh Tân và thôn Khải Lương (xã Vạn Thạnh) cách đó 40km. Dọc đường đi, cảnh tượng đổ nát vẫn còn ngổn ngang. Các vườn dừa đổ ngã xiêu vẹo thảm thương. Anh Lộc cho biết, thiệt hại của huyện trong cơn bão vừa qua rất nặng nề, nhà cửa đổ sập, các đầm, hồ, bè nuôi tôm hùm... cũng theo bão lũ ra biển. Tại các xã Vạn Long, Đại Lãnh, Vạn Thọ, Vạn Khánh, Vạn Thắng, Vạn Phước, 20 ngày sau bão, hạ tầng điện, viễn thông vẫn chưa thể khắc phục hết. Nhiều nhà dân đổ nát, chỉ có thể dựng lều che tạm, tránh nắng, trú mưa. 
Anh Lê Anh Kiệt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vạn Thạnh, đưa chúng tôi đi ra gò cát để đến xóm biển. Anh cho biết, xã có tổng cộng 161 nhà sập hoàn toàn, trên 400 nhà tốc mái, nhiều hộ nuôi tôm hùm và ốc hương bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng, có hộ bị trắng tay. Ghé thăm nhà của vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Ánh  (30 tuổi, ở thôn Đầm Môn, có 2 con nhỏ), ai cũng xót xa khi thấy ngôi nhà chỉ còn nền cát chơ vơ. Chồng chị đang đi biển đánh cá. Bác sĩ Minh hỏi thăm về mức chi phí dựng lại nhà, rồi trao đổi nhanh với cả nhóm để cùng hỗ trợ gia đình chị Ánh 8 triệu đồng. Chị Ánh cầm viết ký tên nhận tiền mà xúc động rưng rưng nước mắt. 
Đến xã Vạn Phước, chúng tôi được đưa đến thăm nhà bà Phan Thụ Lắc (63 tuổi, ở thôn Tân Phước Đông). Lội qua khúc đường lầy lội, đến nơi chỉ thấy một nền nhà trơ trọi và một bà lão ngồi bệt, gương mặt buồn thiu. Bà Lắc kể trong nước mắt: “Hai bà cháu tui sống nương tựa nhau, đi bắt ốc, mót cá, kiếm sống qua ngày. Dành dụm bao năm mới được ít tiền xây căn nhà nhỏ, chi phí 38 triệu đồng, mong có thể ở cho đến cuối đời. Vậy mà nhà mới xây xong hồi tháng 5, chưa kịp cười đã phải khóc”. Nhận 10 triệu đồng của đoàn giúp đỡ, bà run run chân thành cảm ơn. 
Trở lại con lộ chính để ra hướng quốc lộ, điểm lại danh sách dự kiến đoàn đến cứu trợ thì còn hơn chục hộ, anh em bàn với nhau dù mệt cũng sẽ gắng đến thăm đủ các hộ, và cũng cần cân nhắc khoản tiền hỗ trợ sao cho công bằng, tránh trường hợp người khó ít được giúp nhiều, người khó nhiều lại được giúp ít vì hết quỹ. Và rồi đoàn đã đến thăm được tất cả các hộ trong danh sách cứu trợ. Nhóm đi các xã phía Bắc đã thăm 19 hộ, trao tổng cộng 112 triệu đồng. Nhóm đi phía Nam đã thăm 15 hộ, trao 92 triệu đồng. 
Nhiều hoàn cảnh rất cần giúp
Còn 96 triệu đồng cứu trợ, chúng tôi quay về huyện Ninh Hòa, tìm đến các địa chỉ hộ dân đang rất cần giúp đỡ mà đoàn được người dân phản ánh. Chị Võ Thị Liên (50 tuổi,  ở thôn Hòa Thiện 1, xã Ninh An) tử vong khi bão làm sập nhà. Ngôi nhà tường mà bây giờ chỉ còn là đống gạch nát. Cụ bà Huỳnh Thị Lại (75 tuổi, mẹ chị Liên) ngồi co ro than khóc bên bàn thờ con nghi ngút khói hương. Bà nghẹn ngào kể: “Liên là con gái lớn, chồng nó mất cũng đã 10 năm, nó một mình tần tảo kiếm tiền nuôi 4 con khôn lớn. Cháu nào cũng học hành đàng hoàng. Hai cháu lớn đã tốt nghiệp đại học, một cháu sắp ra trường và một cháu mới vào Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải ở TPHCM. Hôm bão, Liên ở nhà một mình, nhà sập, tường đổ đè nó chết không kịp trối lời nào. Hôm sau mọi người mới bới gạch lôi xác nó ra. Các con nó thật sự bơ vơ, tui già rồi cũng không biết làm sao”. Nói rồi cụ khóc nức nở.
Hàng xóm cho biết thêm, cháu gái của cụ sắp tốt nghiệp đại học vừa bị bệnh thận, phải nghỉ học để chạy thận hàng tuần; cháu trai đang học năm nhất, bây giờ không biết nương tựa vào ai để có tiền trang trải, tiếp tục việc học. Nghe chuyện, cả đoàn ai cũng bùi ngùi. Sau khi trao đổi nhanh cùng cả đoàn, bác sĩ Minh quyết định hỗ trợ cháu gái của cụ Lại đang điều trị thận 20 triệu đồng. Bác sĩ Minh cũng cho biết, anh sẽ lập quỹ hỗ trợ để giúp cháu Chương có thêm điều kiện học đến khi tốt nghiệp. 
Trời về chiều, chỉ còn khoảng 2 giờ nữa là chúng tôi phải ra ga để kịp chuyến tàu đêm về lại TPHCM. Anh chủ quán tạp hóa ở xã Ninh An (huyện Ninh Hòa) nhờ vợ coi quán, lấy xe đưa chúng tôi đến thăm 4 hộ khác ở thôn Gia Mỹ và thôn Lạc Hòa bị sập nhà hoàn toàn trong cơn bão. Bác sĩ Minh đã trao hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng. Còn 36 triệu đồng, bác sĩ Minh cho biết sẽ dành hỗ trợ hàng tháng cho cháu Phạm Văn Chương, sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TPHCM, cháu của cụ Lại.
        Gần 600 triệu đồng giúp nạn nhân thiên tai ở Quảng Nam
Hội đồng hương Quảng Nam tại TPHCM vừa đến thăm các nạn nhân thiên tai ở Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Tây Giang và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Hội đã trao 660 suất quà, gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm, trị giá tổng cộng hơn 200 triệu đồng. 
Tính chung sau 2 đợt phát động, Hội đồng hương Quảng Nam tại TPHCM đã nhận được gần 600 triệu đồng từ các doanh nghiệp, cộng đồng người dân quê hương Quảng Nam đang sống tại TP quyên góp giúp đồng bào bị thiên tai vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống. Giữa tháng 11, hội đã kịp thời ủng hộ, cứu trợ khẩn cấp hơn 300 triệu đồng cho gần 100 gia đình có người chết, bị thương và nhà bị sập. Riêng với những gia đình có người tử vong hay sập nhà, hội đã trích quỹ giúp đỡ mỗi gia đình 4 triệu đồng tiền mặt, 1 thùng mì tôm, 10kg gạo.
                                                                                                             NGỌC PHÚC

Tin cùng chuyên mục