Nỗ lực xanh hóa trường học

Năm học 2018-2019, huyện Bình Chánh là địa phương đầu tiên của TPHCM thí điểm xây dựng mô hình “Xây dựng môi trường thiên nhiên trong tổ chức hoạt động và tăng cường vận động cho trẻ”.

 Bước đầu, mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong cải tạo môi trường sống và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Dự kiến, năm học 2019-2020, mô hình sẽ nhân rộng ở các quận 9, 12, các huyện Cần Giờ và Nhà Bè.     

Nỗ lực xanh hóa trường học ảnh 1 Học sinh Trường Mầm non Hoa Phượng Hồng (huyện Bình Chánh) tham gia thu hoạch rau xanh ở vườn trường
Sân chơi đa năng

Có mặt tại Trường Mầm non Hoa Anh Đào (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) vào một ngày cuối tháng 7, ghi nhận cho thấy toàn bộ khu vực sân chơi với diện tích hơn 3.600m² đều được phủ cỏ xanh mướt và thiết kế giống như một công viên thu nhỏ với đồi trượt ván, sân chơi cát, khu trò chơi vận động, cầu thăng bằng, vườn hoa, khu vực trồng cây ăn trái…

Cô Nguyễn Kim Ngân, giáo viên lớp Chồi 1, cho biết tất cả ngày học trong tuần, học sinh đều được luân phiên ra sân chơi.

“Các con được tự do chọn góc chơi theo sở thích. Giáo viên chỉ đứng ở các trạm, quan sát, hướng dẫn và giúp đỡ khi cần thiết. Tất cả trò chơi đều đòi hỏi kỹ năng vận động ở nhiều mức độ, qua đó giúp các con phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần”, cô Ngân nói.

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Hương, Hiệu trưởng nhà trường, kinh phí thực hiện sân chơi trích một phần từ nguồn phân bổ ngân sách nhà nước, kết hợp vận động từ phía phụ huynh. Nhà trường kêu gọi phụ huynh và học sinh tặng lại cho trường những vật dụng đã qua sử dụng như vỏ chai nước, dây thừng, tấm ván, bao bố, vỏ xe hỏng… Qua bàn tay sắp đặt khéo léo của các giáo viên, trẻ đã có sân chơi mở với nhiều trò chơi hấp dẫn.

Trường Mầm non Hoa Phượng Hồng (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh) cũng tận dụng nền sân cỏ tổ chức nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn cho học sinh như kéo co, cướp cờ, nhảy sạp, lùa vịt, nhảy lò cò… Bên cạnh đó, nhà trường còn tận dụng khu vực đường đi nội bộ trải thêm cỏ nhân tạo, thiết kế thành những “tiểu khu sinh thái” như khu vực trồng rau xanh, trồng lúa, hồ nước nhân tạo cho học sinh bắt cá.

Cô Nguyễn Thanh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ sân chơi được thiết kế theo hướng “xanh hóa”, ngoài tạo không gian vui chơi lành mạnh, giúp học sinh phát triển các kỹ năng vận động, còn giúp các em tăng cường khả năng giao tiếp, trở nên mạnh dạn, tự tin hơn trong các hoạt động nhóm, giúp quan hệ giữa giáo viên và học sinh trở nên gần gũi, thân thiết.

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết ngoài yêu cầu về diện tích, sân chơi mở đòi hỏi sự chủ động và sáng tạo rất lớn của các đơn vị.

“Trường nào may mắn có sân chơi rộng, chưa bị bê tông hóa, có thể trồng cỏ. Những trường có diện tích sân bãi hạn chế hoặc bị bê tông hóa có thể linh hoạt trải thảm cỏ nhân tạo, tận dụng không gian trống hợp lý, phân bổ thời gian ra sân chơi phù hợp yêu cầu thể lực của từng khối lớp”, bà Điệp phân tích. 

Phát huy lợi ích của “trường học xanh”

Ở bậc tiểu học, nhiều năm trở lại đây, nhiều trường đã phát triển mô hình trồng rau sạch trên sân thượng. Ngoài ý nghĩa giáo dục cho học sinh kỹ năng trồng trọt, việc chăm sóc rau còn giúp các em biết quý trọng thành quả lao động do chính mình và người khác làm ra. Nguồn rau sạch do chính tay học sinh vun trồng còn được đưa vào sử dụng trong bữa ăn bán trú.

Riêng ở 2 bậc THCS và THPT, hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học của học sinh đã ra đời dựa trên ý tưởng trồng cây xanh như thiết kế vườn thực vật bằng vật liệu tái chế của học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), trồng cây xanh cải tạo không khí ở hầm giữ xe của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3)…

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), công trình trồng rau sạch trên sân thượng nhận được sự tài trợ kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ học sinh về kỹ năng và kiến thức gieo trồng.

Tương tự, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) cũng đưa vào hoạt động mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá trong nhà kính. Trước đó, học sinh đã được trải nghiệm mô hình trồng rau sạch trên sân thượng bằng các phương pháp nuôi trồng tự nhiên và thủ công. 

Trước đây, Sở GD-ĐT TPHCM từng kiến nghị Bộ GD-ĐT đưa “trường học xanh” vào một trong những tiêu chí đánh giá, kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục để hoạt động trở nên thường xuyên, liên tục.

Hiện nay, trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu giáo dục toàn diện năng lực và phẩm chất cho người học, mô hình xây dựng “trường học xanh” càng cần được triển khai nhân rộng. Tuy nhiên, trước áp lực gia tăng dân số, năm học 2019-2020, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đã phải tính đến các giải pháp xây chen thêm phòng học, cải tạo phòng chức năng, khu vực sân chơi để tăng thêm phòng học cho học sinh. Do đó, muốn thực hiện được mục tiêu “xanh hóa” không gian trường học, cần sự chung tay của nhiều nguồn lực trong xã hội như doanh nghiệp, các hội đoàn và quan trọng nhất là vai trò đồng hành của phụ huynh.

Tin cùng chuyên mục