Nỗ lực tiếp cận 17 bản bị chia cắt

Ngày 4-8, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, miền Bắc và miền Trung vẫn xảy ra mưa rất lớn do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 3.
Quốc lộ 15C đoạn qua bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn đi lên trung tâm huyện Mường Lát bị đứt gãy làm đôi khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Ảnh: TTXVN
Quốc lộ 15C đoạn qua bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn đi lên trung tâm huyện Mường Lát bị đứt gãy làm đôi khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Ảnh: TTXVN

 Mưa khiến lũ trên sông Thao ở miền Bắc đang lên nhanh; thượng lưu sông Mã và sông Bưởi ở Bắc Trung bộ đã đạt đỉnh và đang xuống, hạ lưu sông Mã và sông Bưởi đang lên. 

Dự báo ngày 5-8, lũ trên sông Thao tại Yên Bái sẽ đạt đỉnh ở mức 30,6m (dưới báo động 2 là 0,4m). Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng tại nhiều tỉnh miền núi Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An. Sau khi áp thấp suy yếu, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua giữa khu vực Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ lại xuất hiện.

Do tác động của dải hội tụ này, đêm 4 và ngày 5-8, ở Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to; riêng khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ còn chịu ảnh hưởng kết hợp của đới gió Đông Nam của rìa Tây Nam áp cao cận nhiệt đới nên có mưa vừa đến mưa to, đêm có nơi mưa rất to, có nơi trên 120mm. Tình hình mưa, thời tiết xấu còn kéo dài tới ngày 6-8. 

Tại miền Nam, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh. Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh nên ngày 5-8 trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao 2-4m. Biển động mạnh. 

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày 4-8 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay nhiệm vụ trọng tâm là tập trung tìm kiếm người mất tích ở vùng bị mưa lũ cô lập, không để thiếu lương thực và nước uống đối với người dân. Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, nguy cơ lũ quét tại một số huyện ở 4 tỉnh gồm Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên và Thanh Hóa còn rất cao, đề nghị chỉ đạo chính quyền địa phương rà soát sẵn sàng sơ tán dân tại những vùng có nguy cơ cao. Theo dự báo, có nơi mưa sẽ kéo dài đến hết ngày 5-8, lưu lượng 200-400mm, nên phải chủ động sơ tán dân.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết đã cử thêm một đoàn công tác do Thứ trưởng NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu vào tỉnh Thanh Hóa để trực tiếp chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn tại đây. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo an toàn tính mạng người dân, tìm kiếm người mất tích, trong thời gian sớm nhất phải tiếp cận vùng bị chia cắt, đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động sẵn sàng các phương án để cứu hộ, cứu nạn, không để người dân thiếu lương thực và nước uống. Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, lực lượng quân đội hiện nay đã đưa các trang thiết bị vào Thanh Hóa để hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn tại vùng bị chia cắt, đảm bảo thông tin liên lạc và tiếp cận được 17 bản, trong đó có 7 bản đang bị chia cắt của huyện Quan Sơn. 

* Ngày 4-8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các dịch bệnh truyền nhiễm thường xảy mùa mưa bão, gồm: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm. Theo đó, người dân cần thiết phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; đồng thời tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Nhằm phòng tránh các dịch bệnh nguy hiểm sau mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện ăn uống bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt; sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất…

Bộ Y tế cũng đề nghị y tế các địa phương hỗ trợ cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng chloramin B, aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng bị mưa lũ, ngập lụt và sạt lở đất.

Tin cùng chuyên mục