Niềm tin bị đánh mất

Nguyên tắc “thuận ý thì mua; thuận mua vừa bán” ngỡ chỉ có trong kinh doanh, nay được đem ra sử dụng triệt để trong lĩnh vực giáo dục.
Sau nỗi buồn về tình trạng lạm thu đầu năm học kéo theo đề xuất của một phụ huynh ở quận 1 (TPHCM) là giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh trong trường học, mấy ngày qua ngành giáo dục lại liên tiếp gặp những chuyện buồn khác về mặt trái của mối quan hệ giáo viên - phụ huynh, những người có chung sứ mạng nuôi nấng, dạy dỗ học sinh nhưng cũng vì chính sứ mạng đó mà trở thành hai chiến tuyến đối lập.
Câu chuyện một đơn vị ngoài công lập đột ngột thông báo tăng học phí kèm lời phát biểu “không đồng ý phụ huynh có thể cho con chuyển trường” của người đứng đầu đơn vị chưa lắng xuống thì mới đây, bức tâm thư “chưa vơi nụ cười, đã rơi nước mắt” của một phụ huynh có con đang học Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) lại khiến dư luận xót xa đặt câu hỏi: “Đâu rồi niềm tin cho mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình?”.
Điều dễ thấy nhất qua các sự việc là khi đứng trước những bất đồng về mặt quan điểm, cả hai phía đều có những căn cứ, lý lẽ biện minh cho suy nghĩ và hành động của mình.
Nguyên tắc “thuận ý thì mua; thuận mua vừa bán” ngỡ chỉ có trong kinh doanh, nay được đem ra sử dụng triệt để trong lĩnh vực giáo dục.
Ở câu chuyện thứ nhất về thông báo tăng học phí của một trường ngoài công lập, giá như phụ huynh đủ bình tĩnh đọc kỹ thông báo “học phí mới sẽ áp dụng từ năm học 2018-2019” (tức không phải tăng ngay trong năm học này) cùng những mô tả cụ thể, chi tiết về kế hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, tăng thời lượng môn tiếng Anh và một số môn học khác của chương trình Cambridge… thì sẽ không có những lời chất vấn vội vàng như sao trường tăng học phí đột ngột khiến học sinh phải tháo chạy.
Tương tự, ở câu chuyện thứ hai về bức tâm thư phụ huynh tố cáo giáo viên chủ nhiệm lớp con mình đang theo học có phương pháp dạy bảo hà khắc, thiếu thông cảm và chia sẻ với học sinh, đã khiến hàng trăm phụ huynh khác có con học cùng trường cảm thấy hoang mang. Nhà trường liên tục tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến, giáo viên suy sụp, trong khi bản thân học sinh cũng không tránh khỏi việc bị bạn bè hoài nghi, trêu chọc. 
Có ý kiến cho rằng môi trường mạng hiện nay thật đáng sợ. Chỉ vài dòng chia sẻ ngắn ngủi, những cảm xúc (dù chỉ bộc phát nhất thời) có thể giết chết một mối quan hệ, khiến con người trở nên hoài nghi, mất niềm tin vào chính môi trường mình từng lựa chọn.
Song, suy cho cùng lỗi không phải ở hành động chia sẻ tâm tư, tình cảm lên mạng xã hội, mà bắt nguồn từ việc phụ huynh thiếu tin tưởng vào sự lèo lái của nhà trường.
Trong khi đó, trường học với những áp lực vô hình như uy tín, danh dự lại “bỏ ngoài tai” nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của phụ huynh. Cứ như thế, từ chỗ lẽ ra phải đồng hành, ba mẹ và thầy cô giáo lại đứng trên hai lập trường, quan điểm trái ngược, khiến người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là học sinh.
Nhưng làm sao để nối lại sự tin tưởng đó lại là chuyện dài nhiều tập mà nếu không có lòng tin và sự thiện chí, những người trong cuộc sẽ rất khó cảm thông… 

Tin cùng chuyên mục