Những vụ nổi cộm ở Công an tỉnh Đồng Nai

Cùng bị UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật theo thẩm quyền với ông Hồ Văn Năm là Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai), người chịu trách nhiệm chính và cao nhất với những sai phạm được đánh giá rất nghiêm trọng liên quan đến nhiều vụ việc. 

Kể từ sau vụ giám đốc công an tỉnh này bị xử tử vì tổ chức đưa người vượt biên trái phép cách đây 40 năm, đây là người tiếp theo dính sai phạm bị kỷ luật. Sự việc đau lòng này cho thấy công tác kiểm soát quyền lực ở các cơ quan thực thi pháp luật càng trở nên cấp thiết. 

Những vụ nổi cộm ở Công an tỉnh Đồng Nai ảnh 1 Khu dân cư tự phát phường Trảng Dài có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà nghi can đã bỏ trốn
Tội phạm bỏ trốn khi đang bị điều tra

Vụ việc gây ồn ào thời gian gần đây liên quan đến trách nhiệm của Công an tỉnh Đồng Nai là vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa. Theo đơn tố cáo của bà Lê Thị Tưởng và tập thể hộ dân (ngụ khu phố 3, phường Trảng Dài), vào ngày 2-3-2011, bà Nguyễn Thị Lan (ngụ khu phố 4, phường Trảng Dài) nhận chuyển nhượng hơn 1,5ha đất trồng cây lâu năm thuộc thửa đất số 46, tờ bản đồ số 12 (khu phố 3, phường Trảng Dài) từ ông Lê Thanh Hải và bà Nguyễn Thị Mai.

Sau đó, bà Lan phân thành 152 lô, vừa xây nhà bán, vừa bán đất. Đến ngày 19-11-2015, bà Lan đem thửa đất trên tiếp tục bán cho vợ chồng bà Đoàn Thị Huệ (TP Biên Hòa), được Văn phòng Đăng ký đất đai Đồng Nai Chi nhánh Biên Hòa điền tên vào sổ đỏ. Đầu năm 2018, thửa đất trên lại được vợ chồng bà Huệ chuyển nhượng một lần nữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (TP Biên Hòa). Khi ông Tuấn yêu cầu những người sinh sống trên thửa đất bàn giao mặt bằng và cho người rào lại các lô đất còn trống đã khiến người dân hết sức hoang mang. 

Đầu tháng 6-2018, trước nguy cơ bị mất trắng nhà cửa, hơn 70 hộ dân đang sinh sống trên thửa đất đã gửi đơn tố cáo tập thể đến nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Cơ quan CSĐT (PC03) Công an tỉnh Đồng Nai, đề nghị điều tra làm rõ hành vi lừa đảo bán một thửa đất cho nhiều người của bà Lan. Đến ngày 15-10-2018, PC03 Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 97/CQĐT-PC03 về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” để tiếp tục điều tra làm rõ, nhưng bà Lan đã bỏ trốn. 

Theo điều tra của phóng viên Báo SGGP, vào năm 2015, sau khi trả tiền xong, bà Huệ mới biết lô đất trên đã được phân lô bán nền, không phải đất trống như bà Lan nói, nên đã tố cáo bà Lan có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhận được đơn tố cáo của bà Huệ, ngày 8-12, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46, nay là PC03), thời điểm 2015 này Thượng tá Phan Trọng Lộc giữ chức Trưởng phòng PC46 Công an Đồng Nai, tiến hành kiểm tra hiện trạng đất. Theo biên bản, khu đất trên được phân làm 92 ô, trong đó 77 ô đã xây dựng xong nhà cấp 4, hiện đang được các hộ dân sử dụng và 15 ô là đất trống. Lúc này, bà Lan cho biết, 15 ô đất trống là đất chung của bà và 4 cá nhân khác, chưa bán cho ai. Phòng PC46 đề nghị UBND phường Trảng Dài kiểm tra giám sát, giữ nguyên hiện trạng của khu đất chờ kết quả điều tra, xác minh của cơ quan công an.  

Hành vi phân lô bán nền trên đất nông nghiệp và một mảnh đất bán cho nhiều người có dấu hiệu của tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người, gây bất ổn an ninh chính trị cho địa phương của bà Lan là rất rõ ràng, nhưng do sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng, không ngăn chặn kịp thời, dẫn đến việc bà Lan đi khỏi nơi cư trú, gây khó khăn cho việc điều tra xử lý. Dù người dân đã nhiều lần có đơn kêu cứu khắp nơi, nhưng phải đến khi thay đổi Trưởng phòng PC46, vụ án mới được khởi tố. 

Những phát súng oan nghiệt

Trong thời gian 2013 - 2018, tại Đồng Nai đã xảy ra 2 vụ án liên quan đến việc sử dụng súng bừa bãi trong ngành công an, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngày 22-9-2013, một vụ việc gây chấn động dư luận khi Đại úy Ngô Văn Vinh dùng súng bắn tử vong cấp trên là Thiếu tá Trần Ngọc Sơn (Trạm phó Trạm CSGT Suối Tre) do trước đó trong lúc đi ăn nhậu và hát ở quán karaoke tại thị xã Long Khánh, ông Vinh mâu thuẫn với một người trong phòng hát của ông Sơn và bị người này cầm ly đập vào mặt.

Ông Vinh và ông Sơn đã tranh cãi, sau đó ông Vinh bỏ về cơ quan, mang súng tìm cấp trên để “nói chuyện” nhưng không gặp. Chiều cùng ngày, ông Sơn tìm đến quát tháo, la mắng và đấm vào mặt ông Vinh. Ông Vinh vớ khẩu súng, giằng co với ông Sơn, đạn đã trúng vào một thượng úy đang can ngăn và liên tiếp 2 phát súng vào ông Sơn, khiến ông này tử vong. Tháng 6-2015, vụ án được đưa ra xét xử, Ngô Văn Vinh bị tuyên án 9 năm tù với tội danh “Giết người”, đồng thời 8 cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo, tước quân tịch. Đáng lưu ý là cũng trong năm 2013, Công an tỉnh Đồng Nai đã xử lý kỷ luật 65 cán bộ chiến sĩ vi phạm kỷ luật của ngành.  

Vụ án mới nhất xảy ra ngày 6-1-2018, ở phường Trung Dũng (TP Biên Hòa) liên quan đến Trung úy Nguyễn Tấn Phước, cán bộ thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67), Công an tỉnh Đồng Nai. Ông Phước dùng súng bắn chết một người có quan hệ tình cảm với mẹ của bạn gái ông này. Ông Phước nguyên là lái xe của Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai). Khẩu súng được cấp cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh vào năm 2010 khi đang là giám đốc, ông Phước được giao khẩu súng để kiêm nhiệm vụ cận vệ. Sau khi ông Khánh nghỉ hưu vào cuối năm 2015, khẩu súng không được giao lại cho đơn vị, mặc dù đã được bộ phận chức năng nhắc nhở. 

Bổ nhiệm giám đốc chưa đủ tiêu chuẩn?

Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh xuất thân là một CSGT từng có nhiều năm công tác ở Đội Tuần tra kiểm soát giao thông quốc lộ 51, sau đó làm đội trưởng, lên phó phòng, rồi Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an tỉnh Đồng Nai. Ít năm sau đó, ông Mạnh được cất nhắc lên chức Phó giám đốc phụ trách khối cảnh sát và gây bất ngờ lớn khi được trao quyết định bổ nhiệm chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai vào tháng 9-2015. Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo SGGP, ông Mạnh chưa đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm giám đốc do chưa từng làm trưởng công an cấp huyện, thị, thành và chưa từng giữ chức phó hay trưởng phòng khối an ninh. 

Trong thời gian ông Mạnh giữ cương vị Phó giám đốc, rồi Giám đốc Công an Đồng Nai, đã để xảy ra một loạt vụ việc sai phạm của cán bộ dưới quyền, như vụ đối tượng trốn lệnh truy nã “len lỏi” vào lực lượng, thành trung úy công an công tác tại Công an tỉnh Biên Hòa; vụ 2 nữ sĩ quan công tác ở Phòng Công tác chính trị và công tác quần chúng, và Phòng Hậu cần kỹ thuật đã tham ô tài sản, bị truy tố với mức án rất nặng; vụ ông Võ Đình Thường từng bị cách chức Đội trưởng tuần tra kiểm soát giao thông, nhưng sau đó lại được cất nhắc, bổ nhiệm làm Phó phòng PC67, gây xôn xao dư luận.

Đỉnh điểm của việc thiếu tinh thần trách nhiệm, chính là vụ giang hồ vây, chặn xe công an ở TP Biên Hòa vào chiều 12-6-2019. Đây là minh chứng về sự tha hóa của một bộ phận cán bộ ngành công an, góp phần làm cho hình ảnh lực lượng công an xấu đi trong mắt người dân.

Ông Hồ Văn Năm xin thôi làm đại biểu Quốc hội

Ông Hồ Văn Năm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai, vừa có đơn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Trưởng ban Công tác đại biểu về việc xin thôi nhiệm vụ ĐBQH khóa XIV. Lý do ông Năm đưa ra là “do sức khỏe không tốt và hoàn cảnh gia đình khó khăn nên xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XIV, đơn vị tỉnh Đồng Nai”. 

Theo thông cáo báo chí kỳ họp thứ 37 và 38 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Năm đã mắc sai phạm rất nghiêm trọng từ khi còn làm lãnh đạo Viện KSND khi giữ cương vị Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, đến mức phải bị kỷ luật, nhưng do ông Năm là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Hồ Văn Năm.

TIẾN MINH

Tin cùng chuyên mục