Những thành tựu đổi mới đều có bàn tay và dấu ấn của đồng chí Đỗ Mười

Đồng chí Đỗ Mười là Tổng Bí thư thứ hai của Đảng ta thời kỳ đổi mới (Tổng Bí thư thứ nhất là đồng chí Nguyễn Văn Linh). Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư tại 2 đại hội VII và VIII của Đảng (Đại hội VI bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư). 
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm một hộ làm kinh tế giỏi ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (tháng 9/1994). Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm một hộ làm kinh tế giỏi ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (tháng 9/1994). Ảnh: TTXVN

Đồng chí Đỗ Mười giữ nhiệm vụ Tổng Bí thư cho đến giữa nhiệm kỳ khóa VIII, sau đó thì nghỉ và đồng chí Lê Khả Phiêu lên làm Tổng Bí thư. Tôi đã có thời gian dài làm việc với đồng chí Đỗ Mười và hiểu rất rõ con người ông.

Với tư cách người đứng đầu Đảng ta, đồng chí Đỗ Mười đã ghi đậm dấu ấn của mình trong việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và lãnh đạo tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách ấy, nhất là những quyết sách có ý nghĩa chiến lược. Sự thật là ngay trong nhiệm kỳ Đại hội VI của Đảng, với tư cách Thường trực Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười đã sát cánh cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có những đóng góp rất quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, nhất là về mặt kinh tế, đặc biệt là trong việc ngăn chặn, đẩy lùi cuộc khủng hoảng về kinh tế - xã hội bùng phát dữ dội lúc bấy giờ. Lúc đó đồng chí Đỗ Mười đã sát cánh cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để làm nhiều việc, đó là điều chúng ta cần ghi nhận. Ta nhớ lại việc thực hiện 4 giảm cũng như việc bố trí lại sản xuất và cơ cấu đầu tư, thực hiện 3 chương trình lớn và chuyển đổi mô hình quản lý kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang lấy kế hoạch làm trung tâm, thực hiện kinh doanh định hướng CNXH. Đó là sự chuyển đổi cơ chế rất lớn, có công lao to lớn của đồng chí Đỗ Mười.

Đến Đại hội VII, Đảng ta đã xây dựng được cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Theo đó, đi lên CNXH là một thời kỳ lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Nhiệm vụ Đại hội VII đề ra cho chặng đường đầu là phải đổi mới toàn diện, khắc phục bằng được khủng hoảng kinh tế - xã hội. Với nỗ lực hết mình, Đảng ta đã thực hiện được nhiệm vụ đề ra. Tại Đại hội VIII, Bộ Chính trị đã nêu rõ nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Cần nhớ khủng hoảng kinh tế - xã hội bắt đầu từ trước Đại hội VI, đến Đại hội VI còn nghiêm trọng, qua Đại hội VII và đến Đại hội VIII đã ra khỏi được khủng hoảng. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu quá độ đi lên CNXH là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chúng ta chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trong quá trình này có công lao của đồng chí Đỗ Mười, không chỉ ở 2 nhiệm kỳ đồng chí làm Tổng Bí thư mà còn cả ở nhiệm kỳ Đại hội VI khi sát cánh cùng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Tôi muốn nhấn mạnh đến sự kiện trong thời kỳ Đại hội VII, lần đầu tiên Đảng ta đề ra hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994). Đây là một sáng kiến lớn của Đảng ta về mặt sinh hoạt Đảng. Có 2 nội dung khi nói về hội nghị giữa nhiệm kỳ này. Một là bên cạnh khẳng định những thành tựu quan trọng bước đầu đạt được, hội nghị đã cảnh báo 4 nguy cơ mà Đảng ta cần nhận thức đúng: tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; chệch hướng XHCN; nạn tham nhũng và tệ quan liêu; diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Hơn 20 năm sau, Đại hội XII của Đảng vẫn nhận định về 4 nguy cơ mà hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII nêu lên đến nay vẫn còn tồn tại, dù nội hàm của những nguy cơ đó đã có những biến đổi nhất định. Hai là hội nghị giữa nhiệm kỳ này đã quyết định bầu bổ sung 20 đồng chí vào Trung ương, thêm nguồn nhân sự quý báu cho nhiệm vụ xây dựng Đảng, trong số đó có nhiều đồng chí sau này đã giữ chức vụ rất cao trong Đảng như đồng chí Phan Diễn, chỉ qua hơn 1 nhiệm kỳ tham gia Ban chấp hành Trung ương đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư của Đảng; đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đảm đương rất tốt 2 nhiệm kỳ Tổng Bí thư của Đảng (nhiệm kỳ XI, XII).

Có thể khẳng định, nói đến đồng chí Đỗ Mười là nói đến vai trò của đồng chí đối với hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII với 2 nội dung rất quan trọng đó. Tất nhiên, không phải đồng chí Đỗ Mười lúc đó là Tổng Bí thư quyết định tất cả, nhưng đồng chí đã cùng Bộ Chính trị, Trung ương làm tất cả công việc này. Trong những thành tựu đổi mới mà chúng ta đã đạt được, có thể nói đều có bàn tay và dấu ấn của Tổng Bí thư Đỗ Mười. Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng để lại rất nhiều dấu ấn trong công tác lãnh đạo. Ông là người đứng đầu Đảng ta đã nêu một tấm gương lớn về sự trung thành tuyệt đối với Đảng và chế độ, về sự trung thực, liêm khiết và hành động gần dân, sát dân, chăm lo cho đời sống của nhân dân. Khi thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tôi cùng đồng chí Đỗ Mười đi về rất nhiều nơi. Cho đến tận bây giờ, những nguyên tắc và cách làm vẫn đúng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thời kỳ đồng chí Đỗ Mười làm Tổng Bí thư, tôi nhận thấy không một cuộc hội nghị Trung ương nào, hay họp của Ban Bí thư, Bộ Chính trị trong thời kỳ đó mà Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương không được dự. Không có một chuyến đi cơ sở nào từ Nam chí Bắc mà không có Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương tham gia. Tôi đi cùng với Tổng Bí thư rất nhiều. Đồng chí không chỉ sát trong công việc mà còn rất sát cuộc sống. Tôi lấy vài ví dụ để thấy đồng chí sát việc, sát cuộc sống như thế nào. Có lần tôi đang ăn cơm thì có điện thoại của đồng chí Đỗ Mười gọi và hỏi: “Anh có xem ti vi hôm nay không?”. Tôi trả lời: “Có ạ”. Đồng chí Đỗ Mười nói tiếp: “Tại sao họ lại bôi nhọ văn nghệ sĩ đến như vậy?”. Hóa ra là hôm đó truyền hình phát quảng cáo xà phòng Omo đã đưa hình ảnh nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đang đi vào một trại gà để xem trứng, bị gà làm bẩn vai áo, dùng Omo giặt thì sạch. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là con của cụ Đỗ Nhuận, lúc đó đang làm Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nên Tổng Bí thư tỏ ra không hài lòng về hình ảnh quảng cáo đó. Hay trong thời gian chuẩn bị văn kiện cho Đại hội VIII, khi tôi đang đi công tác cơ sở ở Phú Yên thì giữa chuyến công tác, đồng chí Đỗ Mười gọi điện cho tôi yêu cầu về thay đồng chí Đào Duy Tùng lo cho việc chuẩn bị văn kiện, vì lúc đó đồng chí Đào Duy Tùng bị ốm. Nói thế để thấy đồng chí luôn sâu sát mọi việc. Con người đồng chí Đỗ Mười là như thế.

Tin cùng chuyên mục