Những nhà hát nổi tiếng thế giới

Những nhà hát nổi tiếng thế giới

Nhà hát luôn là tâm điểm chú ý của du khách khi đặt chân tới mỗi thành phố, mỗi quốc gia xa lạ. Bất kể tầm vóc, quy mô nhỏ hay lớn, nhà hát không chỉ là trung tâm văn hóa quan trọng phục vụ biểu diễn nghệ thuật đơn thuần, mà còn là công trình kiến trúc ý nghĩa, mang đậm dấu ấn lịch sử qua nhiều thời kỳ của mỗi địa danh. Xin giới thiệu với bạn đọc một vài nhà hát nổi bật trên thế giới bởi tính độc đáo của nó.
Nhà hát luôn là tâm điểm chú ý của du khách khi đặt chân tới mỗi thành phố, mỗi quốc gia xa lạ. Bất kể tầm vóc, quy mô nhỏ hay lớn, nhà hát không chỉ là trung tâm văn hóa quan trọng phục vụ biểu diễn nghệ thuật đơn thuần, mà còn là công trình kiến trúc ý nghĩa, mang đậm dấu ấn lịch sử qua nhiều thời kỳ của mỗi địa danh. Xin giới thiệu với bạn đọc một vài nhà hát nổi bật trên thế giới bởi tính độc đáo của nó.

Vào năm 1858, sau khi thoát chết trong một vụ tấn công bằng bom nhắm vào nhà hát opéra Le Peletier tại Paris, hoàng đế Napoléon III nảy ra ý định cho xây dựng một nhà hát an toàn và lộng lẫy. Dự án được chọn để xây nhà hát mới rộng 12.000m2 được giao cho nam tước Georges Eugène Haussmann, tỉnh trưởng Paris. Nam tước Haussmann chính là người phụ trách dự án tái quy hoạch và hiện đại hóa kinh đô Paris dưới thời Napoléon III.

Cuộc thi thiết kế nhà hát được nam tước Haussmann tổ chức vào năm 1860. Đây cũng là một trong những cuộc thi thiết kế kiến trúc đầu tiên thời đó. Tổng cộng, có 171 kiến trúc sư gửi bản thiết kế dự thi, trong đó có nhiều kiến trúc sư tài ba, danh tiếng và có quan hệ mật thiết với chính quyền. Đặc biệt phải kể tới Eugène Viollet-le-Duc, một bậc thầy về trùng tu, tôn tạo các công trình Trung cổ nổi tiếng (pháo đài Carcassonne ở miền Tây Nam nước Pháp, nhà thờ Đức Bà Notre-Dame de Paris, lâu đài Pierrefonds…). Ban giám khảo phải mất gần một năm để xem xét các bản thiết kế.

Kết quả cuối cùng khá bất ngờ, chiến thắng thuộc về một kiến trúc sư trẻ tuổi người Paris, chưa có tiếng tăm, tên là Charles Garnier. Garnier chính là học trò của kiến trúc sư tài ba Viollet-le-Duc. Ở tuổi 35, mới thiết kế được một công trình, nhưng kiến trúc sư Charles Garnier lại có rất nhiều hiểu biết về kiến trúc sau những chuyến đi tới Italy và Hy Lạp.

Nhà hát mới theo bản vẽ của Garnier dài 173m, rộng 125m, nổi bật ở sự cân xứng tuyệt hảo và được đánh giá là có bố cục chặt chẽ và vô cùng hợp lý từ sảnh vào, khu vực lễ tân, cầu thang lớn, các phòng hòa nhạc, sân khấu, cho tới khu vực hành chính… Điểm độc đáo của nhà hát Garnier nằm ở sự cách tân, đó là sự pha trộn giữa nhiều phong cách kiến trúc, sự sáng tạo trong cách thể hiện nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc thiết kế. 

Nhà hát được khởi công xây dựng năm 1861. Ngay khi thi công phần móng, một vấn đề phát sinh, đó là địa hình đất sình lầy khiến Garnier phải mất 8 tháng khắc phục. Đến năm 1870, chiến tranh Pháp - Phổ nổ ra, rồi hoàng đế Napoléon III đầu hàng, bị giam lỏng, việc thi công công trình bị đình lại. Nhà hát trở thành kho chứa lương thực, thực phẩm cho quân đội. Tới năm 1873, nhà hát Le Peletier bị hỏa hoạn, vì thế chính quyền Paris đã khẩn trương cho hoàn thiện nhà hát mới. Sau 15 năm kể từ ngày khởi công, nhà hát chính thức được khánh thành vào ngày 5-1-1875, dưới thời Tổng thống Mac-Mahon, thuộc nền Đệ tam Cộng hòa Pháp. 

Khi khánh thành, nhà hát được gọi là Opéra de Paris. Chi phí xây dựng nhà hát là 36 triệu đồng franc vàng, số tiền khủng này đã làm tốn nhiều giấy mực của báo chí và giới chính trị.

Lễ khánh thành Opéra de Paris là một sự kiện trọng đại thời đó, với sự tham dự của nhà vua và thái hậu Tây Ban Nha, đô trưởng London, khoảng 2.000 khách mời cao cấp tới từ khắp châu Âu. Tuy nhiên, kiến trúc sư Charles Garnier lại không được mời, ông đã phải tự bỏ tiền mua vé hạng hai tới dự. Quả là một điều đáng tiếc và vô cùng khó hiểu.

Năm 1923, Opéra de Paris được xếp hạng công trình lịch sử của Pháp. Năm 1989 Opéra de Paris được đổi tên thành Opéra Garnier để vinh danh kiến trúc sư Charles Garnier.

Sân khấu tại khán phòng lớn của nhà hát Garnier được thiết kế theo phong cách sân khấu của Italy - là sân khấu lớn nhất thế giới: dài 49m, sâu 26m, cao 72m, với tổng diện tích 1.350m2 và có chỗ cho 450 nghệ sĩ biểu diễn cùng lúc. Khán phòng gồm 5 tầng, có sức chứa hơn 2.200 khán giả, nổi bật với sắc đỏ và vàng. Mái vòm của khán phòng lớn được trang trí bằng bức bích họa do danh họa Marc Chagall vẽ, giữa mái vòm có treo một chùm đèn khổng lồ bằng đồng và pha lê với trọng lượng 8 tấn, cao 8m, tương đương độ cao của tòa nhà hai tầng.

Một trong những điểm nhấn khác bên trong nhà hát là cầu thang lớn dài 30m bằng đá cẩm thạch trắng và tay vịn nhiều màu. Không chỉ đẹp kiêu sa, nhà hát Garnier còn được trang bị rất hiện đại với nhiều phòng tập rộng, thư viện và bảo tàng… Sau gần 150 năm tồn tại, Nhà hát Opéra Garnier vẫn là một trong những công trình lộng lẫy, xa hoa nhất của Pháp.

Những nhà hát nổi tiếng thế giới ảnh 2
Năm 1776, quận công của Moscow Peter Vasilievich Urusov đã được Nữ hoàng Ekaterina II ký một sắc lệnh ban cho đặc quyền tổ chức các buổi biểu diễn nhà hát, hòa nhạc, lễ hội hóa trang và các hoạt động giải trí khác tại Moscow trong 10 năm. Để thực hiện đặc quyền này, quận công lên kế hoạch và cho xây dựng nhà hát riêng của mình bên bờ phải của sông Neglinka, nhìn ra phố Petrovka, do đó nhà hát có tên ban đầu là nhà hát Petrovskiy.
Nhà hát Petrovskiy, được xây dựng trong thời gian kỷ lục chưa tới nửa năm, là nhà hát đầu tiên tại Moscow dành cho công chúng có được sự hoành tráng, vẻ đẹp và sự tiện lợi. Lễ khai trương nhà hát được tổ chức vào ngày 30-12-1780. Các tiết mục được biểu diễn tại đây chủ yếu là những vở hài kịch opera kết hợp ballet hoặc những vở ballet đơn thuần của Nga và Italy, do những nghệ sĩ đủ mọi tầng lớp từ nông nô tới những ngôi sao hàng đầu thế giới biểu diễn.
Những nhà hát nổi tiếng thế giới ảnh 3

Sau khi nhà hát khai trương, quận công Urusov đã chia sẻ đặc quyền với người bạn Anh của mình là Michael Maddox. Sau đó, vì vấn đề tài chính, nhà hát được chuyển giao qua nhiều chủ sở hữu khác nhau. Năm 1805, dự án xây dựng lại nhà hát được tiến hành, tuy nhiên trong quá trình xây dựng, nhà hát đã bị cháy và xây dựng lại vài lần. Đến những năm 1821 - 1824, theo dự án của hai kiến trúc sư Andrei Mikhailov và Joseph Bové, tiếp nối dự án của quận công Urusov, nhà hát đã được xây dựng thành tòa nhà tráng lệ mà chúng ta được thấy và ngưỡng mộ ngày nay.

Mặt tiền nhà hát được trang trí bởi 8 cột trụ vĩ đại, bên trên là bức tượng cỗ xe ngựa của thần Apollo, biểu tượng cho sự chuyển động vĩnh cửu của nghệ thuật và cuộc sống luôn tiếp diễn. Khán phòng nhà hát có tới 5 tầng, trang bị dàn âm thanh tuyệt vời, được trang trí bằng các đường gờ mạ vàng, tranh tường trên trần, những chùm đèn pha lê nhiều lớp. Chiều cao của khán phòng là 21m, dài 25m, rộng 26m, có 2.153 chỗ ngồi. Trước Nhà hát Bolshoi là đài phun nước.

Nhà hát đã trải qua 3 vụ hỏa hoạn và một vụ ném bom trong Thế chiến II. Tòa nhà hiện nay được xây dựng vào năm 1825 thay thế cho tòa nhà cũ bị hủy hoại bởi một trận hỏa hoạn năm 1805. Ngày 18-1-1825, tòa nhà mới được đặt tên là Bolshoi Petrovsky. Trong quá trình 200 năm lịch sử tồn tại, nhà hát Bolshoi là nơi đã từng gắn với tên tuổi những nghệ sĩ nổi tiếng trong giới âm nhạc cũng như múa ballet. Sau 2 cuộc chiến tranh thế giới, Bolshoi có thời điểm đã trở thành kinh đô nghệ thuật ballet không chỉ của Nga mà còn của toàn châu Âu.

Nhà hát là một công trình nổi bật của thủ đô Moscow. Ngày 28-10-2011, Nhà hát Bolshoi đã được khai trương trở lại sau một thời kỳ trùng tu dài 6 năm với chi phí 500 triệu bảng Anh (700 triệu USD). Việc cải tạo bao gồm cải tiến hệ thống âm thanh như chất lượng ban đầu, cũng như quay trở lại các đồ trang trí hoàng gia ban đầu của nhà hát.

Việc cải tạo có dự toán chi phí 610 triệu USD, nhưng các kỹ sư thấy rằng hơn 75% cấu trúc không ổn định nên ước tính chi phí trùng tu lên tới 850 triệu USD. Tuy nhiên, khi hoàn thành, số chi phí được công bố chỉ có 700 triệu USD được chính phủ liên bang chi trả hoàn toàn.

Có những nhà hát, ngay từ khi hoàn thành đã giữ vai trò quan trọng - là nơi tôn vinh nhiều loại hình sân khấu, nghệ thuật, âm nhạc. Nhưng cũng có những nhà hát, sau nhiều năm tồn tại rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng, đòi hỏi phải có những dự án trùng tu tương xứng để mang lại hiệu quả bất ngờ. 
Những nhà hát nổi tiếng thế giới ảnh 4

Nhà hát Opera Sydney không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, di sản của quốc gia Australia, mà còn là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ 20, được UNESSO công nhận là di sản thế giới vào tháng 6-2007. Tuy nhiên, công trình lịch sử này đã có một quá trình xây dựng không “xuôi chèo mát mái”, có một không hai trên thế giới. 

Tòa nhà dài 185m và rộng 120m, xây trên nền đất 1,8ha, toàn bộ khu vực xung quanh nhà hát có tổng diện tích hơn 5,7ha - đây là một công trình phức hợp với nhiều khu như: Concert Hall - phòng biểu diễn lớn nhất, có sức chứa 2.679 chỗ ngồi; Nhà hát kịch với 544 ghế; Nhà hát giao hưởng chuyên dành cho opera và ballet có sức chứa 1.507 khách, phòng nhỏ nhất - Utzon khoảng 210 chỗ... Bên trong tổ hợp còn có phòng thu âm, quán cà phê, nhà hàng, quán bar.

Những nhà hát nổi tiếng thế giới ảnh 5

Trung bình 1 năm, nơi đây tổ chức 1.500 chương trình, lượng khán giả hơn 1,2 triệu người, nhà hát từng là nơi biểu diễn của những tên tuổi lớn như Karen O, The Drones, Neil Finn và Paul Kelly, Royal Headache... Mỗi năm có khoảng 350.000 khách du lịch tới tham quan vì nhà hát đã trở thành một biểu tượng đáng nhớ của xứ sở chuột túi.  

Tuy nhiên, công trình này đã từng gây nhiều tranh cãi. Tiến độ hoàn thành mất hơn 10 năm (từ 1957 - 1973), ngoài ra công trình còn có tổng chi phí 102 triệu USD, bị đội lên 1.357% so với ước tính ban đầu. Công trình kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ bầu cử tiểu bang, vượt qua hàng loạt những vấn đề về vốn, khó khăn trong kỹ thuật xây dựng... nhưng đây có lẽ còn là một công trình có một không hai trên thế giới, khi kiến trúc sư thiết kế chính là Jorn Utzon không theo đuổi dự án của mình tới cùng vì những bất đồng trong giai đoạn triển khai xây dựng, khiến cho tiến độ xây dựng bị chậm lại. Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm cao, sự tin tưởng vào tầm quan trọng của biểu tượng này, Australia quyết tâm biến phác thảo ban đầu của ông Jorn Utzon thành sự thật. Cho đến nay, kiến trúc sư Utzon vẫn chưa quay trở lại nơi có lẽ đã ghi dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp của ông. 

Không chỉ có quá khứ xây dựng gây nhiều tranh cãi, những cánh buồm của nhà hát Con Sò, di sản văn hóa nổi tiếng nhất của Australia, còn được sử dụng như những tấm biển quảng cáo dành cho cuộc đua ngựa thường niên Everest của bang New South Wales hồi đầu tháng này. Đây là lần đầu tiên biểu tượng nổi tiếng thế giới của Australia được sử dụng cho mục đích quảng cáo thương mại. Mặc dù được sự ủng hộ nhiệt tình từ chính quyền bang New South Wales, nhưng màn quảng cáo này đã tạo ra những cuộc tranh luận gay gắt trên khắp các phương tiện truyền thông và trong cộng đồng người dân Australia. Những người phản đối cho rằng, việc gắn kết giữa một cuộc đua (có tính chất cá cược), với một di sản văn hóa nổi tiếng nhất của đất nước, là một quyết định sai lầm. 

Những nhà hát nổi tiếng thế giới ảnh 6
Xây dựng vào năm 1869, nhà hát Vienna State Opera House hơn 150 tuổi tại Vienna (Áo) được ghi nhận là một trong những nhà hát cổ xưa nhất vẫn còn hoạt động, đồng thời sở hữu một diện tích khổng lồ so với bất kỳ nhà hát opera nào trên thế giới. Nhà hát này được khánh thành với màn trình diễn vở opera nổi tiếng Don Giovanni do thiên tài Mozart soạn nhạc. Từ đó, nơi đây nổi danh như “trái tim” của đời sống âm nhạc tại thủ đô Vienna nước Áo. 

Ngoài tên tiếng Anh Vienna State Opera House (Nhà hát Opera thành phố Vienna), nhà hát còn có tên gọi bằng tiếng Đức là Wiener Staatsoper. Công trình có 1.709 ghế và các phòng đứng chứa được hơn 567 người. Hiện nhà hát vẫn là một trong những nhà hát opera hàng đầu thế giới, thuộc nhóm các nhà hát bận rộn với lịch diễn lên tới 350 buổi/năm. Vienna State Opera House được khởi công từ năm 1861 và mất 8 năm để hoàn thành. Trái với sự nổi tiếng và nhộn nhịp hiện nay, lúc nhà hát này mới xuất hiện lại khá mờ nhạt với công chúng. Mặt khác, nó còn bị lấn át bởi những công trình to lớn hơn như Heinrichshof - một khách sạn nổi tiếng, từng bị phá hủy vào thời kỳ Thế chiến II. 

Sau đó, với sự xuất hiện của nhạc trưởng tài năng Gustav Mahler và các thế hệ nhạc trưởng kế tiếp, nhà hát lịch sử này đã dần khẳng định được dấu ấn trong lòng mọi người, đồng thời không ngừng thay đổi cho phù hợp với các xu hướng hiện đại hơn.

Tuy nhiên, nhà hát Vienna State Opera House có một số phận không may vì chịu sự tàn phá nặng nề trong suốt thời kỳ diễn ra Thế chiến II và phải mất 10 năm để sửa chữa. Cổng chính, cầu thang và các bức họa trên tường vẫn còn nguyên vẹn, nhưng đổi lại, khán phòng, sân khấu và hàng ngàn đạo cụ lẫn phục trang đều bị hư hỏng hoàn toàn. Vì vậy, các vở opera của nhà hát đã phải chuyển sang một địa điểm tạm thời trong suốt 10 năm chờ tu sửa. Khi mở cửa trở lại vào năm 1955, nhà hát Vienna State Opera House đã lại sở hữu diện tích lớn hơn rất nhiều so với trước. Vở diễn đầu tiên tại nhà hát mới là Fidelio của Beethoven và đây cũng là vở đầu tiên được phát sóng truyền hình.

Những nhà hát nổi tiếng thế giới ảnh 7
Những nhà hát nổi tiếng thế giới ảnh 8
Nếu như Hamburg là nhà hát opera đầu tiên ở Đức được xây dựng tại Hamburg vào thế kỷ 17 và 18, được tài trợ bởi tầng lớp quý tộc và giàu có, thì biểu tượng nổi lên của giai cấp tư sản và hệ thống tư bản chủ nghĩa trong thế kỷ 19 là nhà hát Elbphilharmonie, cũng tại Hamburg. Nhà hát này là đại diện cho nền văn hóa châu Âu chuyển từ bảo trợ sang hệ thống công và phục vụ đông đảo công chúng. 

Nhà hát Elbphilharmonie là một công trình kiến trúc biểu tượng của thế kỷ 21, một trong những biểu tượng của kiến trúc đương đại. Nó là nhà hát giao hưởng trong khu vực Hafen City của Hamburg, Đức, bên sông Elbe. Công trình xây dựng mới nằm trên nóc của một tòa nhà kho cũ (Kaispeicher A) gần khu nhà kho cổ và lớn nhất thế giới. Đây là tòa nhà cao nhất có người ở tại Hamburg, với chiều cao là 110m, nước bao quanh 3 mặt. Đây cũng là một trong những phòng hòa nhạc lớn nhất và có hệ thống âm thanh tiên tiến nhất trên thế giới.

Ngày 2-4-2007, tòa nhà được bắt đầu xây tại nhà kho Kaispeicher A thuộc cảng Hamburg. Lúc đó, công trình kiến trúc dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2010 với chi phí ước tính 241 triệu EUR. Đến tháng 11-2008, sau khi hợp đồng ban đầu được sửa đổi, chi phí cho dự án ước tính là 450 triệu EUR. Vào tháng 8-2012, các chi phí đã được tái ước tính khoảng trên 500 triệu EUR, bao gồm thêm các chi phí gia tăng cho một mái xây vững chắc hơn. Công trình xây dựng chính thức kết thúc vào ngày 31-10-2016 với chi phí 789 triệu EUR, mở cửa và đi vào hoạt động sau 16 năm thiết kế và thi công. 

Khi còn là nhà kho, địa điểm quen thuộc này không hề đặc sắc với người dân Hamburg. Nhưng với sự ra đời của Elbphilharmonie, nhà kho đã trở thành một trung tâm văn hóa, xã hội mới của người dân Hamburg và là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch. Hiện nay, nhà hát này được xem là sự kết tinh giữa kiến trúc hiện đại và những giá trị xưa cũ.

Không chỉ là địa điểm trình diễn âm nhạc đơn thuần, công trình còn gồm các căn hộ, tổ hợp về văn hóa. Khán phòng 2.100 chỗ cùng với phòng hòa nhạc giao hưởng 550 chỗ được lồng ghép giữa những căn hộ cao cấp và một khách sạn 5 sao cùng với nhà hàng, phòng tập gym, phòng hội thảo… Vốn là một công trình bình thường thuộc giai đoạn hậu chiến, chỉ có một vài sự kiện bên lề nhỏ lẻ được tổ chức, nhà kho Kaispeicher giờ đây đã trở thành điểm nhấn của đô thị Hamburg và nước Đức, thu hút rất nhiều công chúng yêu nhạc, khách du lịch và cả những nhà đầu tư kinh doanh. 

Tin cùng chuyên mục