Học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2017

Những điểm tựa cuộc đời…

Gia đình em Lê Thị Bích Nga, sinh viên lớp Y 16 Trường Đại học Y Dược TPHCM có 3 chị em gái... Dù gặp khó khăn trong cuộc sống, nhưng cha mẹ em vẫn cố gắng cho 3 con rất hiếu học được đến trường.

Chị Nguyễn Thị Tý, mẹ sinh viên Bích Nga
Chị Nguyễn Thị Tý, mẹ sinh viên Bích Nga

Hàng ngàn sinh viên ngành y được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng trong suốt 19 năm qua, cũng có nghĩa đã có hàng ngàn người cha, người mẹ là điểm tựa chắt chiu, gom góp công sức và cả nước mắt để tiếp sức cho con cái bước chân vào giảng đường đại học, thắp sáng ước mơ trở thành thầy thuốc chữa bệnh cứu người.

Vất vả đêm ngày cho con ăn học

Gia đình em Lê Thị Bích Nga, sinh viên lớp Y 16 Trường Đại học (ĐH) Y Dược TPHCM (ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) có 3 chị em gái; chị lớn đang học Trường ĐH Công nghiệp ở Quảng Ngãi, em gái út đang học lớp 2. Cha làm phụ hồ, tiền công khoảng 180.000 đồng/ngày (nếu có công trình), mẹ chăm lo 3 sào ruộng ngập nước của hợp tác xã, năng suất chẳng là bao. Cả hộ 6 nhân khẩu (bà nội gần 90 tuổi là mẹ liệt sĩ) cùng sống chung một nhà và chỉ sống bằng nguồn thu nhập ít ỏi của cha mẹ.

Dù gặp khó khăn trong cuộc sống, nhưng cha mẹ em vẫn cố gắng cho 3 con rất hiếu học được đến trường. Năm học cấp 2, thấy em Nga học quá giỏi, các thầy cô khuyên em thi vào lớp 10 Trường chuyên Lê Khiết ở thị xã Quảng Ngãi để có điều kiện phát triển tài năng. Em lo ngại vì không biết khi thi đậu vào trường chuyên rồi thì cha mẹ có đủ tiền để lo cho em vào thị xã ở trọ học không? Thấu nỗi âu lo của con, cha mẹ em đã động viên và nói con an tâm, cứ thi đi rồi tính. Năm đó, em thi đậu vào trường chuyên với điểm cao.

Chị Nguyễn Thị Tý (45 tuổi), mẹ Bích Nga, kể: “Thầy cô và bà con chòm xóm luôn động viên, chia sẻ để vợ chồng tôi có niềm tin, mạnh dạn cho con theo đuổi việc học. Rồi khó khăn cũng đã qua…”.

Người mẹ quê này rạng ngời đôi mắt, tự hào về con gái mình. Chị cho biết, 3 năm học ở trường chuyên em đều đứng nhất trường về kết quả học tập. Mẹ em khoe nhiều bằng khen, giấy khen treo trên tường về thành tích: Điểm cao kỳ thi vào lớp 10, hạng nhất toàn trường về kết quả các năm học 10, 11, 12… Chị nói, đó là niềm tự hào và là động lực để vợ chồng chị lao động vất vả đêm ngày để lo cho con ăn học.

Ngồi trong căn nhà đơn sơ của gia đình em Lê Thị Bích Nga ở Quảng Ngãi, tôi chợt nghĩ rằng, đây là trường hợp có hoàn cảnh rất đặc biệt: Gia đình lao động nghèo ở vùng quê nghèo của miền Đông huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Dù nghèo nhưng gia đình này vẫn cố gắng lo cho 3 con gái ăn học đàng hoàng, trong đó có 2 con đang học đại học. Cha mẹ lao động vất vả, thu nhập ít ỏi nhưng không vì cái thiếu, cái khó mà bỏ bê việc nuôi dạy con cái học hành nên người. Nhìn góc học tập của các chị em trong căn nhà không có gì đáng giá, ngoài nhiều giấy khen, bằng khen về thành tích học tập của các chị em. Cái bàn học còn chưa lành lặn bằng cái bàn nhựa các quán trà đá ven đường ở Sài Gòn. Không có điều kiện học thêm, không đủ sách vở, phương tiện, vậy mà các em vẫn phấn đấu trở thành những học sinh giỏi của địa phương, của những ngôi trường nổi tiếng của tỉnh. Đây thật sự là những gương hiếu học đáng trân trọng!

Giúp việc nhà nuôi con ăn học

Theo đường Cách Mạng Tháng Tám đến địa phận phường 12, quận Tân Bình (TPHCM) tìm địa chỉ nhà nằm trên đường Châu Vĩnh Tế, tôi gặp chị Dương Thị Ánh Nguyệt (50 tuổi), mẹ em Phan Ngọc Phượng (sinh viên lớp Y 2016A, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch). Đây là nơi chị Nguyệt giúp việc nhà, kiếm tiền nuôi Phượng theo đuổi ước mơ vào đại học. Chủ ngôi nhà, ông Nguyễn Văn Hiếu, cho biết, chị Nguyệt giúp việc cho gia đình ông toàn thời gian và được vợ chồng ông cho ở lại nhà. Cảm thông hoàn cảnh mẹ góa con côi nên gia đình ông Hiếu cho em Phượng về ở cùng mẹ để đi học. Hàng ngày, em đi học, ăn uống bên ngoài, tối về đây ngủ, nghỉ, học bài, tắm giặt…

Chị Dương Thị Ánh Nguyệt, mẹ sinh viên Phan Ngọc Phượng

Trước đây, mẹ con Phượng ở bên nhà phía nội và hộ khẩu vẫn còn ở phường 5, quận Bình Thạnh (TPHCM). Nhà này của ông bà nội, cô chú cùng ở. Sau khi ba mất, mẹ con em Phượng phải ra ngoài thuê nhà ở, mẹ làm thợ may nuôi em ăn học. Ông Hiếu trước đây cũng ở gần nhà này nên rất hiểu hoàn cảnh hai mẹ con. Vì thế, ông đã có nhã ý mời bà Nguyệt về giúp việc từ khi bà nghỉ làm thợ may do lớn tuổi, mắt yếu không phù hợp việc may vá.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết Phượng học giỏi từ nhỏ. Hồi cấp 1 và cấp 2, em học ở Trường Hà Huy Tập (Bình Thạnh), lên cấp 3 học Trường THPT Phú Nhuận. 12 năm liền, em đều là học sinh giỏi. Giờ về các trường này hỏi thầy cô đều biết em Phượng với gương nỗ lực vượt khó, học giỏi. Những năm học phổ thông, các trường đều dành học bổng giúp em duy trì việc học tập. Chị Nguyệt tự hào khi nói về con mình: “Cháu rất ham học và rất muốn được trở thành bác sĩ nên bằng mọi giá phải cho cháu học. Giúp việc nhà thu nhập không nhiều, nhưng mình cố dành dụm, tiết kiệm tối đa để khi con cần tiền mua sách vở, đóng tiền học… là phải có để con nó yên tâm học tập”.

Dẫu biết mỗi cảnh đời một số phận, nhưng hoàn cảnh của Phan Ngọc Phượng sao vẫn cứ lẩn quanh trong suy nghĩ của tôi: Khó khăn từ nhỏ, mồ côi cha từ lúc chuẩn bị vào lớp 1, mẹ góa con côi nương nhau sống với bao nỗi lo cơm áo gạo tiền. Vậy mà em vẫn luôn là học sinh giỏi trong hoàn cảnh thiếu thốn. Phấn đấu vươn lên trong học tập để thi đậu vào đại học y khoa bằng sự chăm lo, dạy dỗ của người mẹ nghèo, không nơi nương tựa. Người mẹ thì luôn yêu thương, chăm lo và tự hào về con mình, một đứa con gái mồ côi cha, thiếu thốn từ nhỏ, vẫn ung dung bước vào giảng đường đại học không phụ công lao động bằng mồ hôi, nước mắt khổ nhọc của mẹ.

Chắt chiu từng đồng từ sức lao động ở quê nghèo

Từ ngã tư Gò Găng (tỉnh Bình Định) rẽ về hướng biển, đi hơn 30km đến thôn Kim Tây, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước tìm nhà em Văn Trình Ngọc Khánh, sinh viên lớp Y 16 Trường Đại học Y Dược TPHCM. Liên lạc qua điện thoại, chị Lê Thu Hằng (49 tuổi), mẹ em Ngọc Khánh hướng dẫn tôi lối đi đến nhà. Anh Nhuận, cha em, ngồi chờ bên bình nước chè nấu sẵn đón khách. Khi được nói về lý do khách đến nhà, cha mẹ Ngọc Khánh chân chất chuyện trò. Chị Hằng cho biết, anh chị có 4 cháu (3 gái, 1 trai); con gái lớn đang làm công nhân; con gái kế hiện đang học năm thứ 3 Trường Đại học Quy Nhơn; con trai út học lớp 5. Anh chị đều làm nông, thu nhập trông vào mùa vụ, chủ yếu từ tiền công chăm thuê mai vườn cho chủ bán tết. Nhưng vài ba năm nay, mai đều bị hư, thất mùa. Năm rồi, anh chị phải vét hết tiền bạc tích cóp từ lâu để lo đóng tiền trường cho Ngọc Khánh vào TPHCM học, gần 9 triệu đồng. Mời khách ly nước chè xanh, anh Nhuận cười vui lạc quan, tin rằng đồng tiền lo cho con sẽ có thành quả sau này khi con ra trường. Con gái lớn của anh chị là Văn Trình Cẩm Thi, đang học năm thứ 3 Trường Đại học Quy Nhơn, cũng hết sức tiết kiệm để cha mẹ dành tiền lo cho em Khánh. “Còn tới 6 năm nữa, không biết cha mẹ có cam nổi không” - hôm gặp em ở nhà, Văn Trình Cẩm Thi đã lo lắng như vậy. Em trai út đang học lớp 5 cũng rất siêng việc nhà, phụ cha mẹ dành dụm kiếm tiền tập trung cho chị để mai sau trở thành bác sĩ.

Cha mẹ sinh viên Văn Trình Ngọc Khánh 

Chia tay hai vợ chồng nông dân nghèo, tôi thầm cảm phục đức tính hy sinh, tần tảo vì tương lai con cái của họ. Ở vùng quê nghèo khu Gò Bồi - một địa danh nổi tiếng - thuộc vùng giáp biển Bình Định này, lo cái ăn cái mặc đã khó, lo cho một đứa con đi học càng khó hơn. Vậy mà, anh chị đã chắt chiu từng đồng từ sức lao động, mồ hôi nước mắt để lo cho hai con gái vào đại học. Cảm phục hơn, vùng quê này từ trước đến giờ chưa ai dám nghĩ tới chuyện con mình sẽ đậu vào ngành y của một trường đại học nào!

Người hàng xóm dẫn đường tôi ra hướng đường lớn trầm trồ: “Bà con lối xóm đều yêu quý cháu Khánh vì đức tính ngoan hiền và chịu khó học hành, có tiếng về học giỏi ở địa phương. Gia đình cháu Khánh cũng được địa phương yêu quý, kính trọng vì biết đầu tư, quan tâm đến việc học hành của con cái”.

* * *

Những điểm - tựa - cuộc - đời, trân quý nhất là hình ảnh những bà mẹ quê nghèo khó, vẫn như cánh cò lặn lội từng ngày kiếm cái ăn, cái mặc cho gia đình; tần tảo một nắng hai sương giúp con đến trường đi tìm con chữ. Không chỉ vậy, những điểm tựa ấy còn khát khao cháy bỏng, không muốn cuộc đời con mình phải khổ vì ít học như chính mình ngày trước. Nước mắt, mồ hôi lao động chẳng sá gì, miễn con cái họ được ăn học thành tài, được chạm đích bến bờ tri thức… Đáng quý biết bao, những “thân cò” người mẹ Việt Nam!

Tin cùng chuyên mục