Những chuyến xe nghĩa tình

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, nhiều chuyến xe đã lăn bánh từ Sở Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM về 4 tỉnh Tây Nguyên, đến với cán bộ, chiến sĩ biên phòng và bà con vùng biên giới. Đó là những chuyến đi khám chữa bệnh, cấp thuốc, trao quà, tặng nhà, tặng công trình nước sạch, tặng phương tiện làm kế sinh nhai... Các anh trao đi và nhận lại niềm tin yêu của nhân dân dành cho người lính bộ đội Cụ Hồ.
Bà H’Nhêr (dân tộc M’Rông) và con cháu bên dòng nước sạch được kéo về tận nhà
Bà H’Nhêr (dân tộc M’Rông) và con cháu bên dòng nước sạch được kéo về tận nhà

Đi dân nhớ, ở dân thương

“Tôi và các thành viên khởi hành từ 4 giờ sáng, 5 giờ chiều cùng ngày mới tới Đồn biên phòng Suối Cát (Đồn 711), xã Ta Dal, Kon Tum. Vượt qua quãng đường xa, ai cũng thấm mệt. Thế nhưng khi tới nơi, thấy nhiều bà con còn bụi đỏ lấm lem kiên nhẫn đợi, dường như cái mệt của các thành viên trong đoàn tan biến. Trao quà xong là 1 giờ sáng, đoàn mới ra tới TP Pleiku (Gia Lai). 5 giờ sáng đó, đoàn lại tiếp tục khởi hành đến tỉnh khác”. Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng TPHCM, mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng chuyến công tác anh vừa thực hiện. 

Anh kể tiếp, ở chuyến đi Tây Nguyên, nhiệm vụ chính là trao tặng công trình nước sạch, hành trình kéo dài 3 ngày, vượt chặng đường gần 1.000km để tới địa bàn các buôn, xã khó khăn nhất của các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk. Vượt qua những cung đường trắc trở, nguy hiểm, các anh lại đối diện với không khí oi bức, khô rang. Mọi người phải tiếp nước liên tục nhưng cổ họng lúc nào cũng có cảm giác khô khát. “Vậy mới thấu hiểu được, nước sạch quan trọng như thế nào với bà con và bộ đội nơi biên giới”, đại tá Nguyễn Văn Tiến sẻ chia.  

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng TPHCM, nhớ mãi những nóc nhà xơ xác của bà con khi đi tiền trạm khảo sát ở Đắk Nông, Đắk Lắk. Thượng tá Nguyễn Thanh Hải cho biết: Điều kiện bà con dân tộc thiểu số ở đó rất khó khăn, nhà cửa lụp xụp, thiếu nước sạch. Có xã, buôn làng nằm kề bên những dòng sông lớn, như xã Krông Na (Đắk Lắk) nằm bên sông Sêrêpôk, nhưng nước sạch để dùng lại thiếu trầm trọng. Trước đây, nước sông Sêrêpôk trong xanh, mát ngọt, người dân xã Krông Na không lo thiếu nước. Thế rồi, sông bị ô nhiễm nặng. Ai cũng biết sử dụng nguồn nước này lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không có nước sạch thì cũng đành phải dùng nguồn nước sông. 

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải nhớ lại: “Hôm khánh thành 3 công trình nước sạch tại xã Krông Na và huyện Buôn Đôn, bà con ai cũng hồ hởi, vui mừng. Bà H’Nhêr (dân tộc M’Rông), buôn Săng Lành cứ nắm chặt tay tôi và các thành viên trong đoàn liên tục cám ơn, rồi nói: Có nước sạch, không lo bệnh tật nữa. Mừng quá mấy chú bộ đội ơi!”.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, khi tham gia những chuyến công tác xã hội, những người lính quân hàm xanh luôn đầy ắp kỷ niệm, có vui, có khó khăn. Các chuyến đi thường vào dịp cuối tuần, vì thế người lính không có thời gian dành cho gia đình. Một tháng có khi đi 3-4 chuyến, có chuyến đi tới vài ngày. “Đi các tỉnh, tuyến biên giới, tuyến biển thì xa xôi, đường sá khó đi. Riết vợ con cũng buồn nhưng tôi chỉ biết động viên gia đình thông cảm. Bà xã lúc đầu còn giận hờn, sau hiểu được công việc của chồng... động viên ngược lại chồng phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải cười hiền.

Chất keo gắn bó tình quân, dân

Chỉ tính riêng chương trình “Nước sạch vùng biên”, trong 2 năm (2017-2018), Bộ đội Biên phòng TPHCM đã triển khai tại 14 tỉnh thành. Theo kế hoạch, năm 2019, chương trình tiếp tục đầu tư tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc gồm: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng. Cũng tại những nơi đây sẽ xây dựng 60 mái ấm chiến sĩ, mái ấm cho người nghèo nơi biên giới và 6 công trình nước sạch vùng biên. Tổng kinh phí cho đợt này dự kiến khoảng 5,4 tỷ đồng.

Không dừng lại ở chương trình nước sạch, khám bệnh, phát thuốc, tặng quà mà có rất nhiều chương trình khác như hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác trồng trọt, tặng bò giống, tặng phương tiện sinh kế như máy khâu, xe máy đến xây dựng mái ấm chiến sĩ, mái ấm người nghèo biên giới... được các anh triển khai đều đặn. Người nhận vui vì đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; còn với các anh, đó còn là “sợi dây” giúp quân và dân ngày càng gắn bó hơn. 

Trong 2 năm qua, Bộ đội Biên phòng TPHCM còn mở được 3 lớp học tình thương, xóa mù chữ với 72 học viên tham gia; nhận đỡ đầu 52 em học sinh với số tiền 500.000 đồng/tháng cho đến khi các em 18 tuổi. Đơn vị đã phối hợp với các sở ban ngành, đoàn thể cấp thuốc miễn phí, tặng gần 14.000 phần quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, khó khăn; trao tặng 9 nhà tình nghĩa, 16 mái ấm tình thương, 20 mái ấm chiến sĩ nơi biên giới, 20 con bò giống, 48 phương tiện sinh kế, 180 suất học bổng cho học sinh nghèo học giỏi ở TPHCM và các tỉnh. Tổng trị giá hơn 15,4 tỷ đồng.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tiến, thông qua công tác an sinh xã hội, bộ đội biên phòng còn tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về tình hình biên giới, chủ quyền biển đảo, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm để cùng bộ đội biên phòng giữ gìn an ninh trật tự đường biên cột mốc, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục