Những chất vấn đang chờ Thủ tướng

Gần cuối phiên họp sáng, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, nêu câu hỏi gửi đích danh Thủ tướng về mức độ tín nhiệm cao thấp khác nhau giữa các thành viên Chính phủ. 

“Thủ tướng có giải pháp gì để hoạt động của các thành viên chính phủ đều tay hơn?”, ĐB Quyết Tâm chất vấn.  

Những chất vấn đang chờ Thủ tướng ảnh 1 ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) 
Theo chương trình chi tiết của hoạt động chất vấn, chiều nay từ 15 giờ 50 đến 16 giờ 35, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của ĐBQH. 

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua đã cho thấy ĐBQH ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và đánh giá tín nhiệm cao đối với Thủ tướng và một số Bộ trưởng. Nhưng kết quả lấy phiếu cũng cho thấy hoạt động của nhiều bộ trưởng hiệu quả chưa cao, là cơ sở quan trọng cho thấy vẫn tồn tại tình trạng thiếu đồng bộ trong hoạt động của Chính phủ. “Chính phủ có giải pháp gì để CP hoạt động đều tay, hiệu quả cao hơn trong nửa nhiệm kỳ còn lại?”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn đặt câu hỏi.

ĐB Quyết Tâm không phải là ĐBQH duy nhất đặt câu hỏi cho người đứng đầu Chính phủ. Trong các phiên chất vấn trước, nhiều ĐB khác cũng đã gửi đến Thủ tướng những băn khoăn không nhỏ về công tác cán bộ, hiệu quả sử dụng tài nguyên, các chính sách về nhà ở, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Đó là ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) với đề nghị “Thủ tướng chia sẻ quan điểm về thực tế trong thời gian qua một số ngành, địa phương để xảy ra rất nhiều sai phạm trong công tác cán bộ nhưng không có một trưởng ngành, Bộ trưởng, người đứng đầu địa phương nào bị xử lý”; là ĐB Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) với chất vấn về tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, phá rừng trái phép là vấn đề mà nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, bức xúc.

“Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, trong đó đã 6 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, XIV từ năm 2013 đến năm 2018. Tình trạng này vẫn chưa chấm dứt”, bà Linh cung cấp thông tin và yêu cầu Thủ tướng nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và những giải pháp đột phá của Thủ tướng để xử lý triệt để thực trạng này.

ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) thì bày tỏ sự quan tâm đối với việc thực hiện kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ về quản lý đất đai tại Đà Nẵng. Theo đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng thu hồi để sửa lại về thời hạn sử dụng đất trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền Đà Nẵng đã cấp phát sai; thu hồi số tiền 5% và 10% mà chính quyền đã giảm trong cấp giấy chứng nhận trong một số các dự án đền bù, giải tỏa.

Tuy nhiên, để thực hiện kết luận này, chính quyền Đà Nẵng buộc phải hạn chế quyền của người sử dụng đất bằng cách tạm thời không cho giao dịch chuyển nhượng, xây dựng trên đất. Điều này đã gây ra những ách tắc lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp cũng như phản ứng quyết liệt trong các buổi tiếp xúc cử tri của đoàn. Bởi lẽ hầu hết những trường hợp này là những người đã nhận chuyển nhượng, họ không phải là những người đã được giảm 5,10% đó và đây đang là vấn đề rất nóng của địa phương.

“Tháng 6-2018, Đoàn ĐBQH Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Thủ tướng cho biết phương án xử lý vấn đề này như thế nào để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp”, ĐB Võ Thị Như Hoa đề nghị. 

Tin cùng chuyên mục