Những câu hỏi nhức nhối

Chưa bao giờ vấn đề xâm hại tình dục trẻ em (là học sinh) trong trường học lại nhiều và dồn dập như hiện nay. Có những vụ hành vi xâm hại đến mức phải xử lý hình sự và một số người đã bị kết án.

Dẫu bản án được tuyên, vụ án đã được khép lại, nhưng nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần của các em có lẽ rất khó phai nhạt. Câu hỏi đặt ra là tại sao gần đây có nhiều vụ xâm hại tình dục diễn ra trong trường học mà thủ phạm chính là giáo viên của các em?

Những câu hỏi nhức nhối ảnh 1 Giáo viên nên là tấm gương sáng về đạo đức để các em noi theo. Ảnh minh họa
Có thể đặt ra một số câu hỏi: Phải chăng công tác giáo dục đạo đức trong đội ngũ giáo viên chưa được quan tâm đúng mức nên không làm triệt tiêu ý nghĩ xấu, không kịp thời ngăn chặn những ý nghĩ mới manh nha, dẫn đến nhiều giáo viên (nhất là giáo viên nam) đã có hành vi xấu xa, đáng lên án? Phải chăng nhiều người vẫn tin tưởng gần như tuyệt đối vào người thầy của con cái nên mất đi cảnh giác? Phải chăng sự quản lý, giám sát của nhà trường đối với hành vi, thái độ của giáo viên bị buông lỏng, đến độ có những việc tày trời diễn ra ngay trong trường, trong lớp mà đến khi đã trở nên nghiêm trọng và vỡ lỡ thì lãnh đạo nhà trường mới biết? Phải chăng công tác tuyển chọn đầu vào và công tác đào tạo ở các trường sư phạm thực sự có vấn đề, nên đã đào tạo ra những người thầy thiếu tư cách như vậy? Phải chăng bản thân người thầy đã không tự giáo dục và đã đánh rơi phẩm cách một cách tệ hại, có hành vi sai trái đáng ghê tởm mà không chút băn khoăn, đến độ lặp đi lặp lại nhiều lần, với nhiều đối tượng khác nhau?...

Đó thực sự là những câu hỏi nhức nhối. Vì những câu hỏi đó không chỉ đặt ra vấn đề về tư cách, đạo đức, phẩm chất của người thầy, mà còn cả các lỗ hổng trong công tác quản lý, giáo dục, đào tạo những người thầy đó.

Như vậy, đã đến lúc gióng lên những tiếng chuông cảnh báo đanh thép về nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề liên quan đến việc giáo dục, xây dựng, bồi dưỡng tư cách, đạo đức của nhà giáo. Ngành giáo dục hiện đã có quy định về đạo đức nhà giáo, nhưng các quy định đó đã thực sự đủ điều chỉnh tất cả các vấn đề trong hoạt động sư phạm hiện nay chưa, việc chế tài đối với các hành vi vi phạm thực sự đã đủ răn đe chưa, những vấn đề này cần phải được trả lời thấu đáo.

Việc giáo dục, kiểm tra, đánh giá về tư cách, đạo đức của giáo viên để kịp thời uốn nắn những tư tưởng, suy nghĩ lệch lạc trong đội ngũ cũng cần được xem lại và điều chỉnh những hạn chế, khiếm khuyết. Việc chế tài, xử lý, kể cả loại khỏi ngành, những trường hợp vi phạm cần được thực hiện nghiêm hơn, chặt chẽ hơn, để môi trường giáo dục hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp giáo viên không đủ tư cách, dù chuyên môn có thể rất giỏi. Công tác đào tạo trong các trường sư phạm cũng phải được đổi mới theo hướng chú trọng cả mặt dạy kiến thức, dạy kỹ năng và rèn luyện đạo đức cho sinh viên, nhằm đào tạo ra được những giáo viên có năng lực chuyên môn tốt và có đạo đức trong sáng. Với các trường hợp giáo viên có hành vi xâm hại tình dục học sinh, đặc biệt là diễn ra ngay trong nhà trường, bên cạnh các biện pháp xử lý về mặt hành chính hay hình sự thì cần loại đối tượng khỏi môi trường sư phạm vĩnh viễn.

Nhìn tổng thể, trong khoảng gần 1,3 triệu giáo viên trong cả nước, số giáo viên có hành vi xâm hại tình dục học sinh có thể rất nhỏ, nhưng hậu quả đối với ngành giáo dục là không nhỏ, đặc biệt là về uy tín. Do đó, cần quyết liệt ngăn chặn và đẩy lùi, để góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tiến bộ, góp phần lấy lại niềm tin của người dân đối với một trong những ngành hoạt động quan trọng bậc nhất của một đất nước, một xã hội.

Tin cùng chuyên mục