Những cảnh đời gian khó ở Xóm Ổi

 
Cư dân Xóm Ổi thiếu nước sạch, phải tận dụng nước ô nhiễm
Cư dân Xóm Ổi thiếu nước sạch, phải tận dụng nước ô nhiễm

Xóm của người nghèo

Xóm Ổi đã có từ rất lâu, là một xóm nghèo với hầu hết cư dân là người từ các tỉnh miền Tây nhập cư. Để vào Xóm Ổi, phải băng qua cây cầu ván dài gần 100m, chỉ rộng 0,8m, gập ghềnh không tay vịn. Khu đất chưa xây dựng, nên một số chủ đất cũ trưng dụng, dựng lên những căn chòi ọp ẹp cho người nghèo thuê với giá từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng/tháng. Những căn chòi cất sơ sài, chỉ với mấy cây cột làm sườn nhà dựng lên trên mô đất hoặc cắm trên đống rác; mái lá dừa, vách tận dụng những vật dụng bỏ đi như tôn cũ, ván ép; nền nhà lót bằng những tấm ván ọp ẹp, kêu răng rắc, rung lắc. 

Chị N.T. Hồng (quê Bến Tre) dắt con gái 4 tuổi ra ngoài chòi để đánh răng, múc nước từ cái vại, nước ngả màu vàng, trên bề mặt lợn cợn bụi. Chị cho biết, đây không phải là nước máy, cũng không phải là nước giếng khoan, mà là nước mưa. Chị để cái vại này dưới máng xối hứng nước mưa, để lắng rồi dùng tắm giặt, cũng dùng nước này để nấu ăn luôn. Mùa khô, chủ trọ bơm nước dưới kênh lên, làm trong bằng mấy cục phèn cho người thuê xài đỡ. Muốn có nước sạch để nấu ăn phải mua với giá 5.000 đồng/can 20 lít. 

Hơn 30 phòng trọ, nằm lộn xộn, ngổn ngang, sử dụng chung nhà vệ sinh phía sau, thải ra kênh. Mà kênh bị ngập rác nên nước kênh ngày càng ô nhiễm. Chú Ba (quê Tiền Giang) bưng thau đồ ra giặt. Đặt cái thau xuống, chú thở dài: “Chờ 2 bữa nay, nước rút mới dám mang đồ ra giặt, chứ xả thêm nước xuống là ngập, rác trôi vô cả phòng trọ”. Môi trường nơi đây rất ô nhiễm, mùa mưa ẩm thấp tanh nồng, mùa nắng hơi nóng bốc lên hôi thối. Rác rến lềnh bềnh dưới kênh, trên bờ, nhiều đến mức không có chỗ cho cỏ mọc dù đang là mùa mưa. Rác thải cứ vứt xuống sông, nước cạn dần để lại thứ bùn nhão đen kịt.

Bác P. An (quê ở An Giang) nói: “Dân Xóm Ổi toàn là những người rất nghèo ở miền Tây, tìm lên thành phố kiếm sống, nhưng rồi cái nghèo vẫn không tha, đến nỗi phải sống cảnh này. Không ai quen được với môi trường ô nhiễm, nhưng vì không còn sự lựa chọn tốt hơn, buộc phải chịu đựng. Nhớ khi mới đến đây, nhìn những căn chòi kỳ dị này, tôi đã than trời. Ở quê nghèo khổ mới trôi giạt lên đây, ai dè ở đây còn khổ hơn. Cả nhà 6 người chen chúc nhau trong căn chòi rộng 10m2 này hơn 4 năm nay, ban đầu giá thuê 800.000 đồng/tháng, nay tăng lên 1 triệu đồng/tháng”. 

Chút tình sẻ chia

Đa số các gia đình đều có nam giới làm thợ hồ tại các công trình xây dựng quanh quận 2. Phụ nữ thì bán hàng rong, lượm ve chai, công việc bấp bênh, bữa làm bữa nghỉ; còn trẻ con nheo nhóc ở nhà, tự chăm nhau từ sáng đến tối. Ngày thường làm quần quật vẫn chưa đủ ăn, những ngày mưa gió nhiều hộ phải đi bắt cá, hái rau dại ăn. Anh N.V. Bằng (quê ở Đồng Tháp) kể: “Tôi hay tranh thủ mang lưới ra ao bắt cá. Ao nước đục ngầu, hôi rình, thường ngày phải nín thở khi đi ngang, vậy mà lại cứu đói cả gia đình tôi. Chỉ duy nhất giống cá trê mới sống nổi trong môi trường nước ô nhiễm này. Biết là không an toàn khi ăn cá sống trong nước bẩn, nhưng mọi người ở Xóm Ổi này cũng đang sống chung với nạn ô nhiễm mỗi ngày rồi, còn sợ mất vệ sinh gì nữa. Hàng năm vào mùa mưa, nhiều người dân Xóm Ổi bị bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng…”. 

Cuộc sống nghèo khó nên con đường đi tìm con chữ của hơn 20 trẻ ở đây cũng nhọc nhằn, đứt quãng, đa số đều thất học. Đây là mối lo ngại hàng đầu của chính quyền địa phương, bởi các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Một lớp học tình thương được lập ra để xóa mù chữ cho trẻ em Xóm Ổi. Đứng lớp là các bạn sinh viên tình nguyện và một số người dân phường An Phú, dạy cho các em từ lớp 1 đến lớp 5. Hàng năm, cũng có những nhà hảo tâm ghé thăm và tặng quà cho các em nhỏ và người dân nhân dịp lễ tết. Song tất cả sự hỗ trợ chỉ dừng lại ở mức độ từ thiện, chứ không thể căn cơ. 

Các chính sách xã hội của địa phương khó đi xa hơn trong việc hỗ trợ đời sống, bởi cư dân Xóm Ổi thuộc diện nhập cư trái phép. Chính quyền địa phương đã nhiều lần yêu cầu giải tỏa di dời khu nhà trọ xây cất bất hợp pháp ở Xóm Ổi nhưng bất thành. Chủ trọ vì không muốn mất khoản thu tiền cho thuê phòng hàng tháng nên cố ý làm lơ. Cư dân thuê trọ vẫn bám víu ở nơi ô nhiễm này vì giá thuê phòng trọ rẻ, quận 2 đang xây dựng đô thị mới nên có thể kiếm sống qua ngày. Giải tỏa di dời không được, chính quyền địa phương gắng hỗ trợ một số chính sách xã hội về y tế, giáo dục, môi trường giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục