Những bông hoa sống tốt đời, đẹp đạo

“Một cuộc đời không đi cũng mỏi/ Chữ “Nhân” viết mãi cũng run tay”, nữ tu Trần Thị Giồng trong cuộc giao lưu tại một hội nghị của Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM đã lấy câu châm ngôn của nhà văn hóa Minh Đức dẫn giải cho câu chuyện kể về những giáo dân - con Chúa - đã làm được hàng ngàn việc tốt, tôn lên vẻ đẹp của đồng bào Công giáo ở TPHCM những năm qua…
Những bông hoa sống tốt đời, đẹp đạo

“Một cuộc đời không đi cũng mỏi/ Chữ “Nhân” viết mãi cũng run tay”, nữ tu Trần Thị Giồng trong cuộc giao lưu tại một hội nghị của Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM đã lấy câu châm ngôn của nhà văn hóa Minh Đức dẫn giải cho câu chuyện kể về những giáo dân - con Chúa - đã làm được hàng ngàn việc tốt, tôn lên vẻ đẹp của đồng bào Công giáo ở TPHCM những năm qua…

Các bạn trẻ trong “Gánh ve chai bác ái” tham gia gom ve chai làm từ thiện

Gánh ve chai bác ái

“Ve chai bác ái từ thiện đây”, “Ai có ve chai cho không?”… Vào buổi sáng chủ nhật hàng tuần, người dân xóm đạo ở các con hẻm đường Độc Lập, Tây Sơn, Tân Hương… lại nghe tiếng rao của nhóm bạn trẻ trong Ban Mục vụ giới trẻ Giáo xứ Tân Hương (quận Tân Phú). Nhóm có tên “Gánh ve chai bác ái”, gồm 15 bạn trẻ do Nguyễn Hoàng Vũ phụ trách. Mỗi tuần, nhóm của Vũ đặt mục tiêu thu gom ít nhất 200kg ve chai, bao gồm các loại giấy vụn, bìa carton, can nhựa, lon bia, nhôm, sắt… “Nếu đạt được số đó, về phân loại rồi bán cho vựa ve chai chúng tôi thu được ít nhất hơn 1 triệu đồng”, một thành viên trong nhóm vui vẻ nói. Biết mục đích của nhóm làm từ thiện, nên người dân trong các khu xóm khi nghe tiếng rao là gom đồ ve chai, rồi cả quần áo cũ, vật dụng, máy móc còn sử dụng được mang ra cho các bạn đem bán lấy tiền làm từ thiện. Mỗi tháng, như Phó Ban Mục vụ giới trẻ Giáo xứ Tân Hương Trần Văn Thuận nói, cũng thu về được 4 - 5 triệu đồng. Mỗi năm nhóm chia làm 3 đợt đi làm từ thiện giúp người nghèo, trẻ em đường phố kém may mắn. “Mỗi phần quà có khi chỉ là tấm áo mới, món tiền nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm, lòng bác ái, sự sẻ chia, trách nhiệm của mọi người với những người khốn khó”, anh Thuận tâm sự.

Ở Giáo xứ Tân Hương còn có chương trình “Cà phê chuyên đề”, cũng do các bạn ở Ban Mục vụ giới trẻ lập nên với mục đích trang bị cho người trẻ Công giáo kỹ năng sống tốt đời, đẹp đạo. Mỗi tuần, chương trình sinh hoạt một chuyên đề hướng đến các nội dung về làm việc tốt, tham gia các hoạt động xã hội, thi đua yêu nước bằng những công việc hữu ích hàng ngày ở nơi ở, nơi làm việc. Số lượng người tham gia lúc đầu chỉ vài ba chục, còn bây giờ, như anh Trần Văn Thuận cho biết, đã lên tới gần 300 người. “Mỗi năm có hàng trăm việc tốt được thực hiện xuất phát từ các hoạt động của chương trình “Cà phê chuyên đề”. Năm 2015, tổng giá trị các đợt hoạt động từ thiện mà các bạn trẻ trong chương trình tham gia là hơn 200 triệu đồng; qua đó góp phần tôn vinh, giới thiệu tinh thần bác ái đến với xã hội được nhiều hơn, ý nghĩa hơn”, anh Thuận chia sẻ. 

Mái ấm của những người khiếm thị

Đến cơ sở bảo trợ xã hội Mái ấm Thiên Ân (số 122 Nguyễn Ngọc Nhựt, phường Tân Quý, quận Tân Phú), chúng tôi rất ấn tượng khi thấy nơi đây vừa là trường học, vừa là cơ sở sản xuất của gần 50 em khiếm thị, trong đó có nhiều em mồ côi, ở tỉnh xa đến. Chủ cơ sở là một giáo dân - anh Nguyễn Quốc Phong, cũng đồng cảnh ngộ với những em tật nguyền, khốn khó. Anh kể về bước ngoặt cuộc đời cách nay hơn 30 năm, từ người bình thường, bỗng chốc trong một tai nạn giao thông, anh trở thành người mù lòa. Những tưởng cuộc đời sẽ đóng chặt trong bóng đêm tật nguyền. Nhưng bằng nghị lực và đôi tay, đôi bàn chân còn lại, anh Phong đã đứng dậy, làm đủ công việc để học hành và nuôi sống bản thân. Khi cuộc sống đã bớt cơ cực, anh nghĩ đến làm từ thiện giúp những em nhỏ tật nguyền, kém may mắn. Lúc đầu, anh thu nhận về vài ba em dạy học theo phương pháp ghi chép âm nhạc bằng chữ Braille, sau tăng lên gần 50 em. Anh là người nghiên cứu thành công và phổ biến rộng rãi phương pháp dạy học cho trẻ khiếm thị ở mọi lứa tuổi bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt theo hệ thống chữ Braille quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Khi các em nhỏ đã biết chữ, đã học lên các cấp học cao, anh bắt đầu dạy nghề tại xưởng sản xuất chuyên làm sách chữ nổi Braille, sách nói (audio), sách chữ phóng lớn và gậy xếp định hướng cho người khiếm thị. Mỗi năm, xưởng sản xuất của anh Phong tạo ra giá trị hàng tỷ đồng, đều do bàn tay của những người khiếm thị, trong đó sản phẩm gậy xếp định hướng cho người khiếm thị không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Hơn 10 năm hoạt động, giờ đây có hàng trăm người khiếm thị đã trưởng thành lên từ Mái ấm Thiên Ân và tỏa đi khắp nơi, đem ánh sáng con chữ, nghề nghiệp của người khiếm thị đến với những người tật nguyền, kém may mắn, giúp họ hội nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Trên đây là hai trong rất nhiều câu chuyện về gương người tốt, việc tốt ở TPHCM được nữ tu Trần Thị Giồng và linh mục Phan Khắc Từ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM nhiều lần nhắc đến. Đó cũng là một trong hơn 2.000 gương người tốt, việc tốt được tuyên dương năm qua. Họ là những bông hoa đẹp đang ngày đêm lan tỏa tấm lòng bác ái đến với xã hội, góp vào những việc làm ý nghĩa trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo TPHCM.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục