Nhộn nhịp kịch tết

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là tết, các sân khấu kịch vẫn đang ráo riết, tất bật hoàn chỉnh và công diễn một số tác phẩm mới. Mùa tết năm nay, thị trường sân khấu kịch TP nhộn nhịp với hơn 20 vở kịch tết được đầu tư dàn dựng đa dạng và hấp dẫn từ nội dung đến hình thức trình diễn. 
Một cảnh trong vở Sài Gòn có một ngã tư của sân khấu Hoàng Thái Thanh ​
Một cảnh trong vở Sài Gòn có một ngã tư của sân khấu Hoàng Thái Thanh ​

Hầu hết các vở kịch tết được giới chuyên môn đánh giá có chất lượng, có sự đầu tư chăm chút kỹ lưỡng, khẳng định sự thay đổi ngày một tốt hơn của loại hình sân khấu kịch nói tại TPHCM.

Đa dạng, hấp dẫn

Tết này, đến với các sân khấu kịch, khán giả sẽ được thư giãn, giải trí với hàng loạt vở kịch mới, ý nghĩa, vừa đạt chất lượng về nội dung, thẩm mỹ, vừa mang tính giải trí cao. Sân khấu Thế Giới Trẻ tiếp tục ghi điểm với Bao giờ mẹ lấy chồng, Tình kỹ nữ, Thiên thần? Cân luôn!, Sao đại chiến, là những vở kịch giải trí vui tươi, nhẹ nhàng, lồng ghép những câu chuyện ý nghĩa về các mối quan hệ xã hội, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, sự thủy chung trong đời sống xã hội hiện đại.

Sân khấu Idecaf đã lên sàn vở Thám tử si tình và chuẩn bị hoàn tất vở Bởi vì ta yêu nhau. Với dàn nghệ sĩ, diễn viên tài năng, hai vở kịch tết của Idecaf đầy những mảng miếng hài kịch vui tươi, rộn ràng, ẩn phía sau những tiếng cười sảng khoái là các câu chuyện nhiều kịch tính, mang đậm giá trị nhân văn về tình người, tình đời.

Sân khấu Hồng Vân lần lượt hoàn thành các vở Ngọc lan trong gió, Con trai của chồng tôi, Công chúa sao hỏa... với những câu chuyện kịch tính, tạo sự hồi hộp, gay cấn cho người xem, đan xen với nhiều tình huống hài kịch mang đậm phong cách kịch Hồng Vân.

Sân khấu Trịnh Kim Chi cũng dựng bốn vở mới với nhiều thể loại, từ tâm lý xã hội đến hài kịch, kinh dị, liêu trai: Game ơi là show, Thầy giáo ma, Hồn nữ mơ hoang, Chuyến đi tử thần. Sân khấu kịch Nụ Cười Mới cũng góp mặt trong mùa tết 2018 với sự tất bật chạy nước rút hai vở kịch Ai sợ ai, Trăm năm bia đá cũng mòn cùng một số tiểu phẩm hài. 

Trong khi đó, sân khấu chính kịch Hoàng Thái Thanh tạo dấu ấn với hai tác phẩm mới: Giấc mộng vàng son của tác giả Quang Thảo và Sài Gòn có một ngã tư, cảm tác từ truyện ngắn Ừ đi, Ừ! của nhà văn Trần Kim Trắc, nhóm tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh chung tay viết kịch bản, NSƯT Thành Hội đảm nhận vai trò đạo diễn.

Vở kịch khắc họa nét đẹp của những con người tứ xứ đang sống trên mảnh đất Sài Gòn hiền hòa. Để ngợi ca tình người, tình đất, tình đời của thành phố năng động, Nhà hát kịch Thành phố đã chọn kịch bản Hẻm nhỏ Sài Gòn của tác giả Vương Huyền Cơ để đầu tư dàn dựng.

Qua bàn tay đạo diễn tài hoa của NSND Trần Ngọc Giàu, Hẻm nhỏ Sài Gòn chuyển tải đến người xem một câu chuyện chất đầy tình người của những con người Sài Gòn, luôn sống bằng tất cả nhiệt huyết, tình yêu thương và trái tim nồng hậu.

Nâng chất và giữ lửa

Không thể phủ nhận, trong thời gian qua, sân khấu kịch thành phố đã có những chuyển biến, tiến bộ rất rõ rệt. Thị trường tổ chức biểu diễn đang giảm dần những vở kịch hài nhảm, vô bổ, thay đổi cách khai thác quá đà yếu tố kinh dị, rùng rợn, để lôi kéo khán giả đến với các sân khấu.

Từng câu chuyện kịch nhiều kịch tính được các sân khấu chú trọng chọn lựa đầu tư dàn dựng, đáp ứng được yêu cầu vừa mang tính giải trí cao, vừa có ý nghĩa đối với đời sống xã hội, với công chúng. Sự thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp ấy đang dần níu chân các khán giả đã và đang yêu thích loại hình giải trí kịch nói tại TPHCM.

Sức hấp dẫn của các sàn diễn, lượng khán giả đến với các sân khấu ổn định, có những vở diễn liên tục “cháy” vé, các suất diễn chật kín khán giả... chính là những ngọn lửa ấm áp cùng góp sức tạo nên niềm vui cho những người làm nghệ thuật, từ các ông bà “bầu” đến các tác giả, đạo diễn, diễn viên kịch nói.

NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận định: “Trong năm 2017 và đầu năm 2018, việc chọn đầu tư dàn dựng các vở kịch ở các sân khấu đã có nhiều thay đổi, ngày một tử tế hơn, giảm dần các yếu tố hài nhảm, phản cảm. Các sân khấu có sự nghe ngóng nhau và có những bước chuyển mình. Khán giả cũng đang bắt đầu chịu xem những vở kịch tử tế, chính kịch, chính luận, miễn là trong cách thức dàn dựng làm sao cho hay, hấp dẫn.

Một khi nội dung chạm tới trái tim người xem, vở kịch sẽ dễ dàng được khán giả yêu thích, ủng hộ. Từ đây cho thấy vai trò của tác giả kịch bản rất quan trọng. Nhưng hiện nay, chúng ta còn quá thiếu tác giả giỏi nghề, nhiều kinh nghiệm, nhiều vốn sống, dám mạnh dạn phản ánh những vấn đề nóng của xã hội đang được mọi người quan tâm...

Với những chuyển biến tích cực của sân khấu trong năm 2017 và mùa tết 2018, tôi hy vọng, trong năm mới các sân khấu sẽ tiếp tục giữ nhịp, giữ lửa, chịu khó tìm kiếm và đầu tư dàn dựng thêm những vở hay để duy trì và phát triển hoạt động nghệ thuật kịch nói tại TPHCM”.

Tin cùng chuyên mục