Nhớ tiếng hát ca sĩ Ngọc Tân: Nồng nàn và cháy bỏng

Ca sĩ Ngọc Tân có giọng hát đẹp và một sức truyền cảm lạ kỳ. Ngọc Tân đã từng để lại một tình yêu vô bờ bến trong lòng công chúng với những bài hát về đất nước, về biển cả và nhất là về Hà Nội. Kỷ niệm 15 năm ngày mất của anh, chúng ta lại nhớ về Ngọc Tân với một cuộc đời thăng trầm, sóng gió…
Nhớ tiếng hát ca sĩ Ngọc Tân: Nồng nàn và cháy bỏng
1. Tôi quen thân với Ngọc Tân sau ngày miền Nam giải phóng, khi từ mặt trận trở về Thủ đô Hà Nội. Lúc này, Ngọc Tân còn đang là một hợp xướng viên thầm lặng trong dàn hợp xướng Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Mặc dù chỉ khiêm tốn vậy, nhưng khi tiếp xúc với anh, ai cũng thấy ở anh vẻ quyến rũ, sức hấp dẫn lạ lùng. Không chỉ bởi dáng vẻ hào hoa, lịch lãm, trí thức với cặp kính trắng đeo thường trực, mà còn bởi một giọng hát trữ tình với âm sắc rất đẹp. Câu hỏi đặt ra, với nhiều “thiên phú” như vậy, tại sao con người và tiếng hát này vẫn còn khiêm tốn, còn thầm lặng thế?
Cũng phải nói thêm rằng Hà Nội lúc này có nhiều giọng hát, nhiều gương mặt nghệ thuật trẻ đặc sắc. Hầu như tất cả họ đều được đào tạo cơ bản qua hệ thống kinh viện là Nhạc viện Hà Nội. Trong khi đó, Ngọc Tân lại không có thuận lợi này. Có thể kể đến những Quang Huy, Quang Thọ, Ái Vân, Lệ Quyên (Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương); Dương Minh Đức, Lê Dung, Doãn Tần (của quân đội) và ngay ở Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam nơi Ngọc Tân công tác, cũng có những Thanh Hoa, Vân Khánh và chưa kể lớp đàn anh tên tuổi như Trần Khánh, Trần Thụ, Tuyết Thanh, Thu Phương…

Rồi một dịp may đã đưa Ngọc Tân bước ra khỏi dàn hợp xướng, tiếng hát của anh ngay lập tức được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Chỉ một thời gian ngắn, nhất là từ sau cuộc thi nhạc nhẹ “Con người và biển cả” ở Đức (năm 1979), giành được Giải đặc biệt trở về, một “cơn sốt” mang tên Ngọc Tân đã trở nên nóng bỏng. Sân khấu nào cũng phải nhất mực có Ngọc Tân, địa phương nào cũng yêu cầu tiếng hát Ngọc Tân. Các nhà hát, các đoàn nghệ thuật mở rộng cửa đón chào anh. Với đông đảo khán thính giả, đêm nào bật lên làn sóng phát thanh hay truyền hình mà thiếu đi tiếng hát Ngọc Tân, lại cảm thấy như thiếu hụt một điều gì, nhớ nhung một điều gì. Có thể nói, những ngày tháng ấy, ít ca sĩ nào rạng danh như Ngọc Tân. Anh thành niềm yêu mến, ngưỡng mộ, thần tượng của không biết bao nhiêu con tim. Anh thực sự là một viên ngọc quý của nền nghệ thuật của chúng ta.

2. Một buổi chiều khi tôi cùng một số anh em văn nghệ sĩ TPHCM lên thăm chiến khu Đ, nhạc sĩ Trần Tiến bỗng ghé tai tôi, thì thầm: “Ngọc Tân vượt biên rồi”. Thú thực, tôi sững sờ, choáng váng. Và suốt đêm ấy, giữa gió rừng đại ngàn Mã Đà, tâm trí tôi chỉ nghĩ về Ngọc Tân, về lớp lớp sóng gió nơi biển khơi. Ít ngày sau, tôi hay tin con tàu gặp dông bão. Ngọc Tân dìu được con vào bờ, nhưng người vợ thân yêu của anh thì mãi mãi nằm lại giữa biển khơi…

Năm ấy Ngọc Tân 31 tuổi. Đỉnh cao và vực thẳm. Vinh quang và cay đắng. Cái được cũng nhiều mà cái mất càng kinh khủng hơn. Nỗi đau tinh thần giày vò thật nặng nề. Vẫn sân khấu ấy, con đường kia, ngôi nhà nọ… mà bỗng chốc mất tất cả, hai bàn tay trắng, gia đình tan nát, con thành côi cút. Khát vọng trở lại với nghệ thuật không thể thực hiện, không công ăn việc làm, trong cảnh ngộ ấy, có thể ai đó đã tìm tới cái chết, nhưng Ngọc Tân thì khác, anh cắn chặt răng và quyết làm lại cuộc đời.

Năm 1984, chúng tôi gặp lại nhau ở TPHCM. Lúc này, Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Bông Sen TPHCM đã giang rộng vòng tay đón Ngọc Tân, hỗ trợ anh trở lại với con đường nghệ thuật, giúp anh làm lại cuộc đời. Một luồng sinh khí mới chảy trong con người Ngọc Tân.Từ đây, anh đĩnh đạc trở lại sân khấu, với đúng dáng vẻ lịch lãm, hào hoa của mình. Anh tha thiết dâng hiến cho đời tiếng hát nồng nàn tình yêu sau những bão dông. Anh yêu khán giả TPHCM và khán giả TPHCM cũng dành cho chàng trai Hà Nội này những tình cảm đặc biệt. Cùng với ca sĩ Sỹ Thanh, các anh làm nên một cặp  bài trùng rất đẹp của đoàn nghệ thuật Bông Sen ngày ấy. Ngọc Tân đi diễn ở các tỉnh phía Nam, phía Bắc, trở ra Hà Nội… Và cả những chuyến lưu diễn nước ngoài, điều mà chính anh cũng không ngờ tới, vì sau lần vượt biên bất thành, anh nghĩ cánh cửa biểu diễn quốc tế đã vĩnh viễn khép lại.

Cũng từ đây, anh xây dựng tổ ấm, cũng với một cô gái Hà Nội và sau này có một cô con gái. Anh yêu gia đình mình và hết lòng với tổ ấm này… Số phận của anh từ đây kể như yên. Cuộc đời của anh từ đây kể như sang những trang mới tươi đẹp. Và phải nói, tiếng hát Ngọc Tân càng cháy bỏng hơn, càng hay hơn rất nhiều. Anh thực hiện live show đầu tiên, cũng là đầu tiên của một ca sĩ Việt Nam - “Biển của một thời” được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Anh được ghi nhận là ca sĩ hát hay nhất về Hà nội, về biển, về tình yêu và những nỗi day dứt của cuộc đời.

Bước vào tuổi 50, Ngọc Tân vẫn còn rất sung sức trong nghệ thuật. Anh vẫn ra Bắc, vào Nam, đi các nước trình diễn. Nhưng một cuộc chiến với bệnh tật bắt đầu, lặng lẽ, âm thầm, quyết liệt. Một lần nữa, anh quyết không đầu hàng số phận, quyết chiến đấu với bệnh tật bằng tất cả ý chí, niềm lạc quan và tình yêu nồng nàn với cuộc sống của mình… Nhưng đáng tiếc thay, cuộc đời anh khép lại ở tuổi 56, khép lại một số phận có đủ vinh quang và đắng cay, nhưng trên hết vẫn là một tiếng hát tuyệt vời, một tiếng hát minh chứng cho một cuộc đời tuy nhiều thăng trầm chìm nổi nhưng luôn giàu ý chí vươn lên… Và ở album cuối cùng của anh - “Hà Nội ngày chia xa”, tiếng hát anh vẫn tha thiết, nồng nàn, sang trọng và tươi trẻ. Không ai nghĩ đấy là tiếng hát của một nghệ sĩ đã 56 tuổi và càng không ai nghĩ rằng đó là tiếng hót cuối cùng của một con chim khổng tước kiêu sa… 

Tin cùng chuyên mục