Nhớ phố mùa này

Phố của tôi mùa này lẹp nhẹp những cơn mưa bất chợt dù Ngưu Lang, Chức Nữ còn chưa gặp được nhau. Những chiếc xe đạp vẫn rong ruổi trong từng ngõ ngách, mang theo bánh khúc, xôi lạc nóng hổi được ủ trong nhiều lớp ni lông. 

Chợ cóc vẫn đông người bán mua, dù nước ngập lối đi, chân quần xắn, miệng cười tươi hỏi nhau xem dự báo thời tiết bao giờ thì nắng? Quán trà Trình chắc sẽ đông hơn bởi những kẻ cô đơn thường hay ghé đến. Nhâm nhi một cốc trà nóng khi tựa người vào ghế nghe nhạc Phú Quang, mắt nhìn mưa hắt xéo lên bức tường rêu phong đối diện. 

Nhớ phố mùa này ảnh 1
 Người ngồi ở trà Trình hôm nay có khi cũng đã từng ngồi đúng vị trí đó vào nhiều năm trước. Khi họ vẫn còn thanh xuân, niềm vui hay nỗi buồn đều còn rất đẹp. Trong đôi mắt của người đàn ông hiện tại đã nhuốm màu ưu tư, chất chứa những ngôn từ không cất nổi. Tiếng của phố thân thuộc trong tâm trí, từ vệt chổi của cô lao công quét đường lúc ba giờ sáng, đến tiếng gió khẽ khua tán lá bàng ngoài cửa sổ. Có nhiều khi xa phố nhớ đến quặn lòng tiếng lọc cọc của những chuyến xe tay chở vật liệu xây dựng đi ngang qua phòng trọ. Phòng trọ sát đường, cửa sổ đóng bằng gỗ mỏng manh nên bao nhiêu thứ âm thanh ngoài kia đều nghe thấy rõ. Tiếng vài viên sỏi rơi, tiếng thở gấp gáp của người kéo xe chắc tuổi cũng đã già, tiếng của mưu sinh vừa nhen lên giữa phố…
Tôi nhớ phố mùa này với hình ảnh người bố loay hoay mặc áo mưa cho con lúc tan trường. Con ngồi trong thế giới bình yên mà người bố tạo ra bằng mảnh ni lông, ngoan ngoãn ăn bánh bao nóng hổi. Lưng người bố gù xuống đạp xe qua những đoạn đường ngập nước, mưa xối xả trên đầu. Trên phố, vài cây sấu hiếm hoi còn sót lại đang vào mùa quả chín. Thỉnh thoảng rụng lộp độp trên mái bạt của các sạp hàng. Chờ mưa tạnh, trời hửng nắng, bà già mang chiếc bếp than tổ ong ngồi dưới gốc cây rán bánh. Thỉnh thoảng nhặt một quả sấu chín vừa rụng xuống, lau sạch và nhấm nháp. Bà cười bảo: “Vị của tuổi thơ nguyên vẹn đây rồi”. 
Ở một góc phố khác, bàn cờ tướng được ông cụ bày ra vào lúc năm giờ chiều. Chỉ vài phút sau, quanh chiếc bàn đá đã trở nên đông vui. Người xót con tốt, người kêu con pháo, người gọi con xe, người đe con tướng. Bác xe ôm thỉnh thoảng cũng xin chơi một ván nhân lúc không có khách. Trong những khuôn mặt người ngồi đó có đủ các thành phần xã hội. Người từng làm tướng tá trong quân đội, người cả một đời trên thương trường khốc liệt, người bán vé số, người vừa chui lên từ nắp cống sau khi dọn đống rác khai thông dòng chảy. Giờ cùng nhau chơi một ván cờ. Thắng hay thua quan trọng đấy, mà thật ra cũng không quan trọng…
Tôi thèm được dừng lại ven đường mua một bó hoa nhỏ tặng mình. Để nghe chị bán hoa kể chuyện trưa nay được ăn một suất cơm 0 đồng tại quán chay từ thiện: “Quán nấu ngon và sạch. Chủ nhật nào cũng phát cơm cho người lao động nghèo. Có cô chủ dễ thương lắm nhé. Lần nào chị ra về cũng hẹn tuần sau nhớ ghé ăn. Có những người như thế khiến mình thấy đỡ tủi phận nghèo”. Lần khác thì chị kể vừa mới xin được ít sách vở, quần áo cũ cho con: “Chị trọ ở đó đã bảy năm. Chủ nhà tốt tính lắm, điện nước đều giá rẻ. Tháng nào mà phải gửi hết tiền về quê, họ cũng đều vui vẻ cho khất tiền phòng trọ. Thỉnh thoảng lại gọi chị đến cho đồ đạc. Cái xe đạp mới tinh, nồi cơm điện còn dùng được, quạt máy vẫn còn chạy vù vù. Tết Trung thu năm nào họ cũng mua quà đưa chị gửi về quê cho con. Số chị đúng là may, xa quê đi mưu sinh mà có người cưu mang giúp đỡ”. 
Cầm bó hoa trên tay, tôi men theo lòng phố trở về căn phòng nhỏ thắp lên những bình yên ấm áp. Ngay cả khi đang cùng phố chuyện trò, tôi vẫn thấy nhớ nhung da diết. Một nỗi nhớ chẳng thể nào cắt nghĩa. 

Huống hồ tôi đã xa phố lâu rồi… 

Tin cùng chuyên mục