Nhiều vấn nạn nhức nhối về giới chưa giải quyết

Các vấn nạn nhức nhối về giới như xâm hại tình dục trẻ em, phá thai ở trẻ vị thành niên, nữ công nhân các khu công nghiệp đời sống khó khăn và bị buộc phải nghỉ việc khi trên 35 tuổi... thời gian qua vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Sáng 13-9, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới (BĐG) dù đã có hiệu lực gần 8 năm nhưng đến nay báo cáo của Chính phủ về thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG chưa nêu trường hợp cụ thể nào bị xử phạt hành chính về BĐG ngoài một trường hợp xử phạt liên quan đến giới thiệu phương pháp lựa chọn giới tính khi sinh (nhưng xử lý theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em).

"Đây chỉ là một trong những ví dụ cho thấy những hạn chế trong lĩnh vực này. Thậm chí, ngay từ công tác thống kê về BĐG cũng có bất cập", bà Nguyễn Thuý Anh thẳng thắn phê bình.

Trong 105 chỉ tiêu thống kê giới, mới có 13 chỉ tiêu (12,4%) được thu thập đầy đủ, 68 chỉ tiêu (64,76%) đã thu thập nhưng chưa đầy đủ và có tới 24 chỉ tiêu (22,85%) chưa thu thập được số liệu. Số lượng các chỉ tiêu thu thập không đầy đủ và chưa thu thập được còn rất lớn và tồn tại này kéo dài trong nhiều năm.

Năm 2014, chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành được ban hành nhưng chưa quy định trách nhiệm thu thập, báo cáo thống kê đối với một số chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia. Phần lớn các chỉ tiêu được thu thập từ chế độ báo cáo thống kê nhưng một số bộ, ngành chưa ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp cơ sở. Công tác giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng cho thấy, nhiều cơ sở ở địa phương chưa triển khai bộ chỉ tiêu này. Ngoài ra, nhiều chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia về BĐG cũng khó thu thập số liệu hoặc không thu thập được.

Trong khi đó, kinh phí bố trí cho Chương trình quốc gia về BĐG có xu hướng giảm dần (từ 40 tỷ đồng năm 2013 xuống 20 tỷ đồng năm 2014 và 25 tỷ đồng năm 2015) đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai công tác này. Năm 2016, Chính phủ bố trí hơn 9 tỷ đồng cho Dự án “Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu về BĐG”. Năm 2017, kinh phí dự kiến bố trí cho dự án này là hơn 19 tỷ đồng nhưng việc phân bổ rất chậm trễ, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện ở cả cấp Trung ương và địa phương.

“Nhiều địa phương chủ yếu dựa vào kinh phí từ Chương trình quốc gia về BĐG, ngân sách cấp huyện dành cho hoạt động này rất eo hẹp, trung bình khoảng từ 5-20 triệu đồng/năm, phần kinh phí cho xã khoảng 2-3 triệu đồng/năm hoặc được lồng ghép trong các khoản kinh phí khác như tuyên truyền, phổ biến pháp luật hoặc hoạt động của Hội phụ nữ. Việc quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động BĐG mỗi địa phương vận dụng và phân bổ ngân sách khác nhau, có nơi không phân bổ ngân sách”, người đứng đầu Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cung cấp thông tin.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, thực tế đang tồn tại nhiều vấn nạn nhức nhối như tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gái, phá thai ở trẻ vị thành niên, nữ công nhân các khu công nghiệp tập trung đời sống rất khó khăn và bị buộc phải nghỉ việc khi trên 35 tuổi.

Bà Lê Thị Nga cũng bày tỏ quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi cho các chị em phụ nữ, phổ biến ở các tỉnh phía Nam, lấy chồng nước ngoài hồi hương cùng con cái của họ…

Đây cũng là quan điểm của Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ quan tâm đến một vấn đề mới là “giới tính thứ ba”. “Tuy số lượng chưa nhiều, nhưng cần sớm nghiên cứu để có cách ứng xử phù hợp”, bà Hải nói.

Tin cùng chuyên mục