Nhiều sáng kiến thiết thực


Năm 2017 vừa khép lại, các đơn vị thành viên của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã có nhiều sáng kiến, cải tiến trong hoạt động chuyên ngành và được Hội đồng Thẩm định của Sở GTVT công nhận. Dưới đây là vài sáng kiến tiêu biểu trong số đó.
 Bảng thông tin xe buýt trực tuyến Ảnh: CAO THĂNG Bảng thông tin xe buýt trực tuyến Ảnh: CAO TH
Bảng thông tin xe buýt trực tuyến Ảnh: CAO THĂNG Bảng thông tin xe buýt trực tuyến Ảnh: CAO TH
Xử lý vết nứt khe nhiệt trên mặt cầu
Đây là sáng kiến do giám đốc và nhóm cán bộ chuyên viên thuộc Khu Quản lý giao thông đô thị (KQLGTĐT) số 2 thực hiện. Sáng kiến có tên: Giải pháp sử dụng lớp cấp phối đá dăm trên đỉnh tường chắn hộp để hạn chế vết nứt tạo ra do khe nhiệt. Hiệu quả của sáng kiến đã được chứng thực tại công trình cầu vượt thép tại ngã tư Thủ Đức.
Thế nhưng, thực tế khai thác cầu Rạch Chiếc nằm trên xa lộ Hà Nội, đoạn thuộc địa bàn quận 2 chính là nguồn cơn dẫn tới những cải tiến, sáng kiến trên. Trên công trình cầu Rạch Chiếc, giữa các tường chắn hộp là khe nhiệt có tác dụng khắc phục hiện tượng kết cấu cầu bị biến dạng dưới tác động của nhiệt độ môi trường. Chiều rộng mỗi khe là 2cm và được chèn kín bằng vật liệu không thấm nước và bề mặt được phủ lớp bê tông nhựa. Theo thời gian sử dụng, các khe nhiệt này xảy ra hiện tượng nứt lớp mặt bê tông nhựa. Mặc dù những chỗ nứt đã được bóc tách rồi thảm lại lớp bê tông nhựa khác, nhưng hiện tượng hư hỏng tương tự vẫn tiếp tục xảy ra.
Tuy không ảnh hưởng đến kết cấu của cầu, nhưng việc hư hỏng lớp bê tông nhựa tại các khe nhiệt cũng đem lại một số phiền toái như phương tiện lưu thông không được êm thuận, ảnh hưởng đến mỹ quan công trình và tốn công phải duy tu sửa chữa nhiều lần.
Quá trình tìm kiếm phương cách giải quyết triệt để hạn chế nêu trên đã dẫn tới sự ra đời của sáng kiến này. Đại khái, cách làm của sáng kiến này là giảm bớt cao độ đỉnh tường chắn hộp rồi thay bằng một lớp cấp phối đá dăm. Sáng kiến đã được áp dụng trên cầu vượt thép tại ngã tư Thủ Đức.
Kết quả là suốt gần 5 năm khai thác, từ năm 2013 - 2017, các khe nhiệt của tường chắn hộp tại công  trình cầu vượt thép ngã tư Thủ Đức hoàn toàn không còn bị nứt trên lớp bê tông nhựa. Giới chuyên môn đánh giá giải pháp mang tính sáng tạo này đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là phù hợp về kỹ thuật, tạo sự êm thuận cao cho xe cộ lưu thông qua cầu, độ bền cao, đảm bảo mỹ quan công trình và dĩ nhiên không tốn kém kinh phí duy tu sửa chữa nhiều lần như trước.
Đặt bảng thông tin trực tuyến tại nhà chờ xe buýt 
Lâu nay, khi đợi xe buýt tại các trạm dừng, hành khách thường không thể xác định được thời gian chính xác xe đến trạm. Lý do, vì tại các nhà chờ tuy có cung cấp thông tin về xe buýt cho hành khách nhưng chỉ ở mức độ tương đối, đôi lúc trở nên thiếu chính xác một khi xe buýt gặp sự cố đột xuất trên đường như ùn ứ giao thông hoặc xe bị hư hỏng…, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý hành khách chờ xe cũng như hành khách không thể chủ động bố trí thời gian công việc. Nhận thức rõ tồn tại này, giám đốc và nhóm cán bộ nhân viên của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng đã tiến hành nghiên cứu và đề ra giải pháp khắc phục với tên gọi “Lắp đặt bảng thông tin xe buýt trực tuyến trên nhà chờ xe buýt”. Nội dung chính của giải pháp này là ứng dụng công nghệ thông tin và các công cụ quản lý hiện đại khác để hiển thị các thông tin thiết thực và chính xác về xe buýt lên bảng điện tử đặt tại nhà chờ xe buýt như thời gian xe đến trạm, khoảng cách xe sắp đến trạm, số tuyến đi qua trạm dừng…
Sau thời gian ngắn triển khai thí điểm tại 2 vị trí là trạm dừng xe buýt trước Cung Văn hóa Lao động trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 và trước số nhà 273 An Dương Vương, quận 5, kết quả thu được rất khích lệ, bởi đã giúp hành khách xác định được thời gian và khoảng cách xe buýt đến trạm; từ đó, hành khách có thể chủ động sắp xếp thời gian cũng như tạo tâm lý yên tâm khi đón xe buýt. Cuối cùng, toàn bộ ích lợi thiết thân đó quay trở lại giúp nâng cao chất lượng phục vụ và hình ảnh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố - một trong những tiền đề để thu hút người dân từ bỏ phương tiện giao thông cá nhân, chuyển sang sử dụng xe buýt.
Chọn trọng điểm tuyên truyền an toàn giao thông
Sáng kiến này là thành quả suy nghĩ của tập thể KQLGTĐT số 3. Nguồn cảm hứng khơi gợi sáng kiến này bắt đầu từ việc nhận ra một số vấn đề chưa được hoàn thiện trong công tác tuyên truyền an toàn giao thông (ATGT) cho người dân nói chung và đối tượng đặc thù là học sinh, sinh viên trên địa bàn KQLGTĐT số 3 quản lý nói riêng.
Những vấn đề chưa được hoàn thiện đối với công tác tuyên truyền này, đó là mặc dù được nhiều cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện nhiều đợt tuyên truyền trong năm, nhưng do hoàn cảnh xã hội có nhiều thành phần nên công tác tuyên truyền chưa được rộng khắp, nhất là đối tượng thanh thiếu niên. Ngoài ra, hình thức tuyên truyền đôi khi chưa phù hợp với khả năng nhận thức cũng như thói quen lưu thông hàng ngày của đối tượng học sinh, sinh viên.
Chính vì lẽ đó, phương cách KQLGTĐT số 3 chọn thực hiện là phối hợp với công an các quận huyện, chính quyền địa phương và ban giám hiệu các nhà trường để tiến hành tuyên truyền ATGT cho đối tượng học sinh, sinh viên tại các trường học nằm trên khu vực có tình hình giao thông phức tạp. Từ đó, giúp chuyển biến về ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh, sinh viên.
Đến nay, nhiều trường học trên địa bàn do KQLGTĐT số 3 quản lý đã được triển khai công tác này, như Trường THCS Nguyễn Trãi, Trường THPT Gò Vấp, Trường Cao đẳng GTVT, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (quận 12) và một số trường nằm trên tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 22. Dưới hình thức buổi “trao đổi, chuyện trò và nhắc nhở” ngắn của cán bộ, chuyên gia giao thông xoay quanh những kiến thức, vấn đề về ATGT, các em học sinh đã được phổ biến, giải thích nhiều vấn đề thiết thực như việc lòng lề đường bị lấn chiếm do các hành vi tùy tiện dừng đậu xe để mua bán hàng rong, hàng quán lề đường; vấn đề chấp hành lưu thông đúng làn đường hoặc phải dừng đúng vạch khi tham gia giao thông, bất kể bằng xe đạp hay xe đạp điện; vấn đề chấp hành tốc độ lưu thông trên đường; những lưu ý cần thiết để đảm bảo an toàn khi chờ xe buýt, lên xuống xe buýt đến trường… 

Tin cùng chuyên mục