Nhiều “sạn” tại Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu 2018

Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu vừa được tái tổ chức từ ngày 28-8 đến 3-9 đã mang lại những cái nhìn mới mẻ về một mũi nhọn kinh tế của một tỉnh trong tốp 3 nộp ngân sách của cả nước. Thế nhưng, người dân, du khách và cả những người trong cuộc không khỏi buồn lòng khi còn quá nhiều “sạn” trong khâu tổ chức Festival biển năm nay.
Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu 2018
Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu 2018

Luộm thuộm, cẩu thả

Trước giờ khai mạc 15 phút, chúng tôi đã đi dọc con đường ven biển Trần Phú - từ Bãi Trước đến Bãi Sau (nơi diễn ra lễ khai mạc) nhưng lạ thay, không khí khá trầm lắng khi nhiều tốp thanh niên địa phương vẫn thảnh thơi ngồi hóng mát, khu vực lễ hội không đông đúc như dự kiến. Quan sát cho thấy chỉ loe hoe du khách, người dân và cả khách mời tập trung trước khách sạn Thùy Vân để xem lễ khai mạc. Không có nhiều người dự, chương trình lại không có gì nổi bật và thậm chí nhiều tiết mục âm nhạc bị chê là dở đã khiến không ít người dân bỏ về giữa chừng. Công tác tổ chức cập rập đã khiến buổi lễ khai mạc Festival vào tối 28-8 giống như một buổi trình diễn ca nhạc tại hội chợ ở một huyện vùng quê. 

Kế đến là hoạt động đắp tượng cát, một hoạt động gắn liền với biển, nhưng chỉ vài ngày trước khi diễn ra hoạt động thì đơn vị tham gia có văn bản xin rút lui không tham dự với lý do thời tiết. Sau nhùng nhằng thì hoạt động vẫn được tổ chức nhưng quy mô nhỏ hơn và quan trọng là chẳng thấy có sự trải nghiệm của du khách khi 4 mô hình tượng cát đều được thực hiện bởi các nghệ nhân được ban tổ chức… chỉ định. Hay như ở hoạt động biểu diễn diều nghệ thuật, theo kế hoạch thì diễn ra hàng ngày trong suốt thời gian Festival ở Bãi Sau, nhưng kỳ thực chỉ diễn ra trong chiều ngày khai mạc với lý do biển không có gió và nghệ nhân bận đi làm!

Còn tại lễ hội bia cũng dự kiến diễn ra trong 7 ngày của Festival gồm các hoạt động giới thiệu xuất xứ bia, các trò chơi và ẩm thực gắn với bia nhưng thực tế chỉ là gian hàng kinh doanh bia. Phần thi ẩm thực được hy vọng sẽ thu hút đông đảo người dân và du khách với những món ngon, món lạ của các đầu bếp tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng cũng chỉ có chưa tới 1/3 đội tham dự và các sản phẩm cũng hết sức nghèo nàn, thiếu hấp dẫn.

Phần tệ nhất trong chuỗi hoạt động của Festival năm nay là lễ hội Carnaval diễn ra tối 31-8. Thay vì các hoạt động nghệ thuật được biểu diễn, diễu hành trên đường phố thì lại được làm trên sân khấu ở Bãi Sau. Chưa kể, trong khi các nghệ sĩ đang biểu diễn thì hàng trăm nhân viên của một công ty bất động sản là đơn vị đồng tài trợ cho Festival tràn lên sân khấu múa may ca hát (không có trong kịch bản chương trình) làm chương trình trở nên lộn xộn và phải kết thúc sớm hơn 1 giờ đồng hồ so với kế hoạch, khiến không ít người dân, du khách thất vọng. Đến tối ngày hôm sau diễn ra lễ hội âm nhạc EDM với quảng cáo rầm rộ có sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng như Sơn Tùng, Bích Phương… thì lại gặp sự cố mất điện giữa chừng và ca sĩ đến muộn khiến buổi lễ kéo dài và nhiều người đành xé bỏ tấm vé có giá 350.000 đồng, ra về trong ấm ức.

Ngoài ra còn phải nói đến Hội chợ triển lãm (từ khu vực vòng xoay đường 3-2 kéo dài đến đầu đường Thùy Vân) với 840 gian hàng. Nhưng thay vì quảng bá những sản phẩm gắn với du lịch, kinh tế cảng biển hoành tráng thì chỉ thấy đồ mỹ nghệ, đồ chơi trẻ em, quần áo, dầu gội đầu không rõ nguồn gốc, cùng với khu ẩm thực bán đồ ăn nhanh lặt vặt…

Rút kinh nghiệm sâu sắc

Trao đổi với PV báo SGGP, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, thành viên Ban Tổ chức Festival, thừa nhận, thời gian tổ chức quá cập rập, phải đến ngày 17-8, UBND tỉnh mới ban hành kế hoạch chính thức. “Mục đích của Festival lần này không nhằm kéo khách đến mà chủ yếu là thêm hoạt động, thêm sản phẩm phục vụ du khách đi chơi dịp lễ 2-9, kinh phí hoàn toàn do vận động tài trợ và Festival năm nay xem như là làm nháp…”, ông Hàng chống chế. 

Đã từng tham dự nhiều Festival biển của Khánh Hòa, Ninh Thuận, Festival hoa Đà Lạt, chúng tôi thiết nghĩ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần nhanh chóng rút ra những bài học từ công tác tổ chức Festival lần  này. Theo ban tổ chức, kinh phí tổ chức là khoảng 20 tỷ đồng - cho dù là tiền tài trợ - thì đó là số tiền khá lớn và nếu tổ chức cẩu thả thì liệu lần sau các đơn vị, doanh nghiệp có tiếp tục tài trợ !?

Về thời gian tổ chức, kinh nghiệm từ Festival hoa Đà Lạt cho thấy: Không nên tổ chức vào kỳ cao điểm du lịch như kỳ nghỉ lễ 2-9, do thông thường khách đi nghỉ lễ 2-9 ở Vũng Tàu mọi năm tăng mạnh - đã xảy ra tình trạng “chặt chém” giá phòng nghỉ, nên nếu tổ chức vào dịp này sẽ càng khó kiểm soát tình trạng này. Hơn nữa, việc lựa chọn khai mạc vào tối thứ ba cũng là chưa hợp lý vì khách khó bỏ công ăn việc làm đi dự khai mạc, mà nên lựa chọn vào tối thứ sáu để khách dễ dàng sắp xếp một kỳ nghỉ cuối tuần sang cả thứ bảy và chủ nhật. Công tác truyền thông cần làm mạnh hơn trước Festival nhiều tháng. 

Hy vọng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ rút ra được nhiều bài học từ công tác tổ chức để Festival biển lần sau sẽ hấp dẫn hơn và thu hút du khách tham dự.

Tin cùng chuyên mục