Nhiều ngành sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2017 tại TPHCM ước tăng 7,9% so với năm 2016, cao hơn mức tăng cùng kỳ (năm 2016 tăng 7,25%).
Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 8,01% và  4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 13,9%, cao hơn mức tăng bình quân ngành, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2017.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đang thể hiện tính ổn định trong năm 2017; đồng thời, có xu hướng tăng cao dần trong các năm trở lại đây. Cụ thể, IIP năm 2013 tăng 6,58%, năm 2014 tăng 6,99%, năm 2015 tăng 7,24%, năm 2016 tăng 7,25% và năm 2017 tăng 7,9% so với năm trước. Đáng chú ý, cùng với IIP và giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá trong năm 2017, thì quy mô sản xuất công nghiệp cũng ngày càng tăng.
Đồng quan điểm, một số doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM nhận định, cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển dịch tích cực theo hướng các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố thực sự trở thành động lực tăng trưởng sản xuất ngành và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung. Trong đó, ngành công nghiệp đảm bảo sản xuất, cung ứng đảm bảo nhiều mặt hàng thiết yếu cho sản xuất của các ngành kinh tế khác và tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, quy mô xuất nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp đảm bảo tăng trưởng; cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng khá với mức 12,1%, chiếm tỷ trọng 75,6% kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) trên địa bàn thành phố. 
Cuối năm 2017, Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Trong đó, Công ty CP Echigo Việt Nam đầu tư dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm và chế tạo khuôn mẫu có độ chính xác cao; Công ty TNHH Cơ khí chính xác THT thực hiện dự án nghiên cứu sản xuất thiết bị và chi tiết cơ khí chính xác trong các máy móc và động cơ công nghệ cao; Công ty CP Công nghiệp APC phát triển dự án sản xuất lắp ráp thiết bị phụ trợ công nghệ cao (gồm mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện); Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh đầu tư xây dựng nhà máy chế tạo máy và khuôn mẫu chính xác. Dự kiến khi các dự án trên đi vào hoạt động sẽ tiếp tục tạo đòn bẩy góp phần nâng cao khả năng đóng góp của ngành cơ khí cho công nghiệp thành phố trong những năm tới. 
Ngoài ra, để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội phát triển cũng như tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài (vốn có thế mạnh về quy mô, tài chính, công nghệ…), một số doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống trên địa bàn TPHCM như Vissan, Acecook, Vinamilk, Tân Quang Minh… đã và đang chú trọng việc đầu tư mạnh vào hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm. Song song đó, đẩy mạnh nhiều hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Tin cùng chuyên mục