Nhân viên vệ sinh tái hiện Singapore bằng ảnh

Trong khi chờ cuộc triển lãm mang tên “Passing Time” gồm 30 tác phẩm tái hiện đất nước và con người Singapore của ông Lui Hock Seng, 80 tuổi, diễn ra vào tháng 2-2018, thì mới đây, một số bức ảnh của ông được “bật mí” đã làm rung động trái tim người dân đảo quốc sư tử này.
Một trong 30 tác phẩm ghi lại sinh hoạt của người Singapore xưa
Một trong 30 tác phẩm ghi lại sinh hoạt của người Singapore xưa
 Một lần nữa, câu chuyện về niềm đam mê của người nhân viên làm vệ sinh tự học chụp ảnh để trở thành một nhà nhiếp ảnh nghiệp dư nhưng tài ba lại được nhắc đến.

Đam mê bất tận

Ông Lui quan tâm đến nghệ thuật khi còn là một thiếu niên vào cuối những năm 1950. Lui là con trai của một ông thợ may và bà nội trợ, từng có nhiều năm làm thợ cơ khí sau khi ra trường. Là con thứ 3 trong một gia đình có đến 6 người con, ông không thể mua nổi chiếc máy ảnh cho đến khi người anh cả của ông mua chiếc máy ảnh Rolleiflex của Đức để tặng ông cách đây 55 năm. Đây là dòng máy cơ cao cấp với giá 300 USD khá đắt đỏ so với thời giá lúc đó. Những năm tháng đam mê đó, ông không có điều kiện để có được một phòng tối để rửa phim. Vì thế, ông phải dùng vải đen để che cửa sổ phòng tắm, nhà bếp của căn nhà lợp mái tôn của gia đình mỗi khi ông rửa phim. 

Mặc dù có tài chụp ảnh, nhưng ông không thể kiếm sống bằng nghề này vì không có thu nhập ổn định. Người cha 3 con này bắt đầu công việc nhiếp ảnh bán thời gian vào năm 1965. Trong 14 năm làm nhân viên vệ sinh cho tòa nhà Singapore Press Holdings (SPH), buổi tối ông làm việc, còn ban ngày, ông là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư đi săn ảnh. Hơn 50 năm qua, sáng sáng ông cùng với chiếc Nikon vác ba lô đi qua nhiều khu vực khác nhau, từ Redhill và các khu lận cận ở Toa Payoh để  ghi được những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Ngay cả khi tai nạn lao động xảy ra khi ông vừa qua tuổi 40, khiến ông mất đi thị lực của con mắt bên phải, cũng không cản trở ông đeo đuổi đam mê này. Ông Lui từng giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi nhiếp ảnh địa phương và quốc tế, có giá trị từ vài trăm đến vài ngàn USD. 

Những bức ảnh hiếm hoi

Ông Lui đã chụp nhiều thể loại, từ các lễ hội, đời sống hoang dã đến chân dung… Nhưng đề tài hút ông nhất vẫn là những ngôi làng bản địa ở Tanah Merah, Tai Seng và Potong Pasir. Một điểm yêu thích khác của ông, trong những năm 1960 và 1970, là cây cầu Merdeka bắc qua lưu vực Kallang. Ông thường rời khỏi nhà lúc 6 giờ sáng để canh những khoảnh khắc đang diễn ra trong đời sống hàng ngày. Ông chạy đến cầu Merdeka để chụp hình những chiếc sà lan chở gỗ, những ngư dân quăng lưới bắt cá… Theo ông, ánh sáng tốt nhất là từ 7 giờ đến 9 giờ, đặc biệt khi ánh mặt trời xuyên qua đám mây. Ông đã chụp được một Singapore mà phần lớn giờ đây đã biến mất theo thời gian. Đó là bức ảnh một người bán thịt rắn ở Chinatown, một thiếu nữ đang giúp lợp mái nhà…

Người đàn ông này đã lưu đời sống xã hội Singapore những năm 1960 trong chiếc máy ảnh của mình. Ông được đánh giá là một tài năng nghệ thuật và các tác phẩm của ông mang một giá trị lịch sử to lớn nhưng chưa từng được giới thiệu rộng rãi với công chúng. Mặc dù tuổi đã cao, năm 2015 ông Lui là một trong hàng ngàn người dầm mưa xếp hàng để đưa tang cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu và để chụp hình. Tuổi tác cũng không ngăn ông tìm hiểu và trải nghiệm với kỹ thuật photoshop. Báo The Straits Times cho biết, nhiều phóng viên của tờ này đang tính mua cho ông một chiếc máy ảnh mới vì chiếc máy kỹ thuật số 6 năm tuổi của ông không còn hoạt động tốt nữa. Hiện giờ, ngày ngày ông vẫn đi tìm những khoảnh khắc đẹp và độc đáo của Singapore với chiếc máy ảnh mới do công ty Nikon tặng.

Tin cùng chuyên mục