Nhà văn Nguyễn Thành Nhân: Hơn ba năm lính, một mùa xa nhà

Nhà văn Nguyễn Thành Nhân (ảnh) được biết đến với tiểu thuyết Mùa xa nhà viết về những tháng năm anh làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Đây là tác phẩm đầu tay tạo được tiếng vang giúp anh tiến sâu hơn với nghề viết.
Nhà văn Nguyễn Thành Nhân: Hơn ba năm lính, một mùa xa nhà
Nguyễn Thành Nhân sinh năm 1964 tại Sài Gòn. Tháng 3-1984, anh nhập ngũ làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia trong vai trò người lính pháo cao xạ. Sau hơn 3 năm trên đất bạn không một ngày về phép, năm 1987 anh xuất ngũ về làm bảo vệ tại Sân vận động Thống Nhất. Tại đây, Nguyễn Thành Nhân vừa tranh thủ làm bảo vệ vừa đi học luật chính quy ở Trường Đại học Luật TPHCM. Năm 1994, anh tốt nghiệp và chuyển sang làm ở văn phòng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tại TPHCM.
 
Công việc mới của Nguyễn Thành Nhân ở Liên đoàn Bóng đá là làm thư ký các cuộc họp, trong đó có nhiều cuộc họp quan trọng với sự có mặt chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt. Thời gian này, phong trào bóng đá tại TPHCM dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng của các đội tuyển. Nguyễn Thành Nhân cho biết: “Những năm tôi làm thư ký ghi chép các cuộc họp có thể viết thành một cuốn sách. Những gì báo chí phản ánh về bóng đá trong thời gian này chỉ mới nêu được một phần, còn rất nhiều câu chuyện thú vị mà những người may mắn được dự phần như tôi mới nắm rõ”.

Thế nhưng năm 2005, Nguyễn Thành Nhân xin nghỉ việc để chuyên lo dịch sách và viết văn. Lý do nghỉ việc của anh là vì nhận thấy tuổi đời đã bước qua bốn mươi “tứ thập nhi bất hoặc”, để không còn nghi ngờ gì nữa về số phận của mình. Cũng vì trước đó, năm 2004, tác phẩm đầu tay - tiểu thuyết Mùa xa nhà của anh được NXB Trẻ ấn hành. Có thể khẳng định, Mùa xa nhà là tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết về hiện thực của những người lính Việt Nam ở chiến trường K, trước đó chỉ có các tập thơ, ví như thơ của Phạm Sỹ Sáu.

Mùa xa nhà được Nguyễn Thành Nhân khởi viết năm 1997, tức sau 10 năm anh xuất ngũ và ấp ủ, đến năm 1999 thì hoàn thành. Bản thảo Mùa xa nhà được đưa đến NXB Trẻ đúng lúc Cuộc thi Văn học tuổi hai mươi diễn ra. Được biết, hai ban sơ khảo và chung khảo cuộc thi này đánh giá cao Mùa xa nhà, song phải biên tập một số câu chữ mới có thể ấn hành cuốn sách này. Trong giao tiếp, Nguyễn Thành Nhân rất xuề xòa nhưng đụng đến chữ nghĩa thì anh bỗng dưng khốc liệt như đang ở chiến trường.
 
Sự việc dằng dai mãi đến năm 2004 Mùa xa nhà mới chính thức chào đời và khi đó cuộc thi Văn học tuổi hai mươi với 3 đơn vị: Hội Nhà văn TPHCM, NXB Trẻ và Báo Tuổi trẻ tổ chức, cũng đã khép lại. Thật đáng tiếc nếu khi đó Nguyễn Thành Nhân chịu thỏa hiệp với biên tập, thì biết đâu thông qua cuộc thi này Mùa xa nhà sẽ có độ lan tỏa xa hơn. Mãi đến năm 2015 khi tái bản Mùa xa nhà, đích thân Giám đốc - Tổng biên tập NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt đã thuyết phục Nguyễn Thành Nhân để biên tập tiếp một số câu chữ so với bản in năm 2004. Trước tình cảm của ông Nguyễn Minh Nhựt, Nguyễn Thành Nhân đã đồng ý. Hóa ra ông cựu lính Nguyễn Thành Nhân luôn xem văn chương như thánh đường bất khả xâm phạm lại rất biết lắng nghe khi người khác dùng “chữ tình” để “nói lý”.

Dịp Hội sách TPHCM vừa qua, NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành tập truyện Nhà văn già và em mọi nhỏ của Nguyễn Thành Nhân với 13 truyện ngắn và 1 bài thơ. Trong số truyện này có 1 truyện được Nguyễn Thành Nhân viết theo lối “hậu hiện đại”, khiến truyện ấy bị vênh ra như bó đũa có 1 chiếc bị cong. Biên tập viên NXB Tổng hợp TPHCM đề nghị bỏ truyện này nhưng Nguyễn Thành Nhân không chịu với lý do: “Không có gì là hoàn toàn giống nhau trong cõi đời này, phải có sự khác biệt mới tạo thành cuộc sống”. Còn bài thơ in trong tập Nhà văn già và em mọi nhỏ được Nguyễn Thành Nhân viết từ năm 1996 như nhắc nhở anh từng làm rất nhiều thơ vào thời đi lính với tất cả sự trong sáng của tuổi trẻ.

Hiện tại, Nguyễn Thành Nhân chỉ làm một việc - dịch sách và viết văn. Nhưng ở xứ ta, những nhà văn sống được bằng nhuận bút của nghề viết sách chỉ đếm được không quá một bàn tay. Với Nguyễn Thành Nhân cũng thế, anh sống thanh bần đúng nghĩa với công việc dịch các tác phẩm văn học từ tiếng Anh. Vốn tiếng Anh của Nguyễn Thành Nhân có được nhờ năng khiếu và sự chăm chỉ tự học, cũng đủ giúp anh dịch hơn chục đầu sách, trong đó có các tập truyện dài hàng chục tập làm sinh kế qua ngày. 

Sống thanh bần là vậy, nhưng khi có tác phẩm mới in như Nhà văn già và em mọi nhỏ, Nguyễn Thành Nhân không ngại vét đồng nhuận bút cuối cùng để chia vui cùng bạn. Hết chia vui với bạn văn cũng nghèo như anh, lại chia vui với bạn lính cũng mỗi người mỗi cảnh. Nguyễn Thành Nhân cười hề hề: “Đi lính lâm trận, đạn nó né mình, còn sống trở về là mừng rồi. Giờ tôi không vợ không con, chỉ còn nghề viết và bạn bè, miễn sao vui vẻ là được”. Không chỉ là viết văn dịch sách và bạn bè, Nguyễn Thành Nhân còn có một ký ức để hoài niệm. Ấy là mỗi năm, anh đều tìm về chiến trường xưa ít nhất một lần, nơi mà anh viết những dòng: “Kính tặng những đồng đội Trung đoàn BB4, Sư đoàn 5, mặt trận 479 của tôi” in trang trọng đầu tiên trong tiểu thuyết Mùa xa nhà.

Tin cùng chuyên mục