Nhà văn Lê Văn Thảo với chuyện văn nghệ ở rừng

Cuốn sách Ở R - Chuyện kể sau 50 năm là di cảo của nhà văn Lê Văn Thảo (1939 - 2016). Ông viết xong tháng 4-2015, nhưng cuộc vật lộn và thúc thủ trước căn bệnh hiểm nghèo đã khiến ông không thể nhìn thấy đứa con tinh thần này đến tay bạn đọc. 

Ở R - Chuyện kể sau 50 năm vừa được trao giải B Sách hay - Giải thưởng sách quốc gia, được gia đình cố nhà văn tổ chức ra mắt tại TPHCM. Cuốn sách này có dáng dấp của tự truyện, tiếp nối tác phẩm Những năm tháng nhọc nhằn của ông đã in năm 2012.

1. R là tên gọi tắt của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, đóng ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh giáp biên giới Campuchia. Đến R, Lê Văn Thảo không chỉ ngỡ ngàng trước những địa danh mới như Tà Xia, Lò Gò hoặc Xa Mát mà còn được rèn luyện và trưởng thành ở chiến khu Tân Biên: “Chúng tôi có bảy anh em, một thời sống nheo nhóc trong Đồng Tháp Mười. Năm 1954, ba tôi đi tập kết, má tôi một mình nuôi bầy con, chúng tôi sống dưới cả mức nghèo khổ. Ở trường, tôi say mê môn toán, một bài toán không giải được tôi ngủ không yên, giải xong tôi cảm thấy khoái hoạt, sướng lâng lâng, như cầu thủ bóng đá sút thủng gôn, vận động viên nhảy vượt xà. Tôi đã miệt mài trong học tập, giờ đây tôi cũng miệt mài trong lao động chân tay. Tôi có sức khỏe, biết tính toán, chỉ mấy năm tôi đã thông thạo mọi công việc trong rừng, làm bất cứ việc gì, đốn cây, đào hầm, đào giếng, cắt cỏ tranh, hái lá trung quân, tát suối bắt cá…”.

Bây giờ, những cánh rừng Tân Biên không còn nhiều và những trảng cỏ nhà văn Lê Văn Thảo từng đi qua cũng không còn nhiều. Nếu chứng nhân như ông không viết lại, thật khó hình dung những trang trại cao su nối nhau dưới cái nắng miền Đông chói chang hôm nay, đã từng có một thời rực rỡ đáng nhớ: “Nhiều người tưởng cuộc sống chúng tôi ở trong rừng là tạm bợ, sẽ ngạc nhiên một lần dạo qua các khu căn cứ của chúng tôi. Xu hướng con người cũng như mỗi sinh vật luôn muốn tô điểm chỗ ở của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Không chỉ hội trường, nhà bếp công cộng, từng nhà riêng cũng được chăm chút trang hoàng. Nhà của vợ chồng Lê Giang - Lư Nhất Vũ đầy giò phong lan. Nguyễn Chí Hiếu là họa sĩ nhiều năm học ở Liên Xô ngành trang trí thiết kế, “chơi” một căn nhà theo kiểu ibba của Nga với những súc gỗ cây dầu lông da rạn nứt tuyệt đẹp, chất thành vách nhà, khiến các cơ quan lân cận tổ chức thành đoàn đi tham quan. Tôi thuộc hạng bét trong việc trang trí nhà ở, cũng biết dành lại những bụi cây đẹp trong lúc dọn sân nhà để làm cây cảnh”.

Không chỉ vậy, ngay ở chiến khu cũng mở trại sáng tác khá xôm tụ: “Trại ở một cụm rừng gần Xóm Giữa, tên gọi là Lãng Bạc, một cái tên thơ mộng rất hợp với văn chương… Đó là trại sáng tác đông người và dài ngày nhất, tập trung nhiều người viết văn ở đồng bằng Nam bộ, miền Đông và cả khu 6. Anh Phan Minh Đạo ở tận miền Trung cũng về dự. Sài Gòn ra có các anh Trang Thế Hy, Phan Lạc Tuyên. Phụ trách trại là nhà văn Nguyễn Văn Bổng… Chúng tôi có những buổi sinh hoạt thú vị, đọc những tác phẩm kinh điển trong các tuyển tập, các tác phẩm anh em trong trại, cùng nhau bình giảng, chủ yếu tìm ra cái hay cái giỏi của người viết đi trước”.

Nhà văn Lê Văn Thảo với chuyện văn nghệ ở rừng ảnh 1 Nhà văn Lê Văn Thảo phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi phóng sự - ký sự do Báo SGGP tổ chức năm 2004. Ảnh: THÁI BẰNG
2. Nhà văn Lê Văn Thảo không kể lại chuyện ở R bằng thái độ của một người quan sát và một người dự phần, mà ông trải ra trang viết những bộc bạch riêng tư: “Hồi học trung học ở Long Xuyên, rồi lên đại học ở Sài Gòn, tôi vẫn miệt mài viết văn. Tôi đọc nhiều, thấy người ta viết tôi cũng viết. Không hẳn tôi muốn nổi tiếng, chỉ muốn được đắm mình vào cuộc sống của tưởng tượng, cuộc sống thứ hai tôi có được khi đọc sách. Nhưng không có truyện nào thành công, không báo nào đăng truyện của tôi. Nhưng tôi không thất vọng. Tôi vẫn viết, ước muốn của tôi chỉ là được viết. Vào chiến khu sống chan hòa với mọi người, có ngày tôi đi bộ năm mươi cây số từ tỉnh này qua tỉnh khác, bao nhiêu điều tai nghe mắt thấy. Phải hơn nửa đời người, tôi mới có thể thấy tự tin hơn, có thể viết ra cái của mình”.

Một nhà văn có thành tựu, đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh như Lê Văn Thảo mà vẫn chân thành nhắc lại những non yếu xa xưa của mình, cũng thật đáng nể. Thậm chí Lê Văn Thảo thú nhận thất bại khi tham gia viết về những gương mặt được tuyên dương Anh hùng vào năm 1967: “Truyện tôi viết về Đoàn Hoàng Minh hoàn toàn không thành công. Tôi chưa có kinh nghiệm văn chương, tôi cũng không quen viết truyện anh hùng, những người nổi tiếng, theo đơn đặt hàng. Tôi viết truyện ngắn, bút ký cũng dựa vào chuyện thật, nhưng tự do tôi chọn. Chuyện anh hùng gây cho tôi áp lực. Tôi có thiên hướng viết về con người bình thường”.

Là một nhà văn, nên hồi ức của Lê Văn Thảo trong Ở R - Chuyện kể sau 50 năm đậm nét nhất ở những trang viết về văn nghệ sĩ. Lê Văn Thảo phác họa nghệ sĩ Thanh Nha giỏi chơi đờn kìm, nhà văn Lý Văn Sâm có biệt tài viết ca cổ, còn Lê Anh Xuân có khả năng kể chuyện cuốn hút: “Cơ quan Hội Văn nghệ, tức Tiểu ban Văn nghệ, gồm tổ sáng tác phần đông lớn tuổi và tổ thanh niên lao động. Lê Anh Xuân còn trẻ tuổi nhưng đã là một nhà thơ có tiếng, được xếp vào cán bộ sáng tác; thường sinh hoạt với chúng tôi, kể chuyện miền Bắc, chuyện Trường Sơn. Một hôm anh kể về một loài cá sống trên cây. Ở rừng có nhiều cây cổ thụ có ổ rồng (một loài dương xỉ) mọc bám vào thân cây, bẹ lá làm thành một bọng nước, thường có các sinh vật nhỏ sống trong đó, nòng nọc, các loài ếch nhái, hoặc các phiêu sinh vật bay trôi nổi trong không khí, gặp nước là sống lại. Nhưng Lê Anh Xuân không biết nghe ai kể, hoặc với tâm hồn bay bổng, nói có cá sống trong đó. Và rồi anh hư cấu thêm, con cá ăn hết thức ăn trong ổ rồng này rồi bay sang ổ rồng khác tìm thức ăn, đêm nằm trên võng nhìn lên thấy từng đàn cá bay…”.

3. Qua di cảo Lê Văn Thảo, công chúng được minh định thêm vài hoài nghi khác đã từng mờ tỏ trong lớp bụi thời gian, thí dụ về tác giả ca từ của bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo lừng lẫy: “Năm 1966, anh Xuân Hồng sang cơ quan chúng tôi chơi ít tháng trước khi lên đường ra Bắc. Một hôm anh đến chỗ tôi và Lê Anh Xuân chơi. Biết tôi đang biên tập Tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng, anh hỏi tôi có thấy bài thơ nào hay đưa anh phổ nhạc. Tôi nói may quá, tôi vừa nhận được bài thơ ở Tây Nguyên, rõ là của một chiến sĩ, viết trên tờ giấy học trò, chữ xiêu vẹo lem luốc, tên bài thơ là Sóc Bom Bo, lời lẽ rất thật thà chất phác. Tôi đưa anh bài thơ. Mấy năm sau bài hát được phát, rất nổi tiếng, tôi chỉ biết vậy thôi, đâu còn nhớ tác giả là ai. Mãi về sau này một nhạc sĩ nói với tôi có nghe nói bài hát phổ từ một bài thơ, nhưng không biết tên tác giả. Tôi nói đúng như vậy, và ngoài anh Xuân Hồng, người thứ hai biết điều đó là tôi. Tôi nói ra không phải về vấn đề bản quyền, anh Xuân Hồng chắc cũng đã quên mất, tôi cũng không để ý, ở trong rừng có in ấn gì đâu. Điều tôi muốn nói là anh chiến sĩ chắc đã chết, nếu không anh đã tìm đến Hội Nhạc sĩ. Và điều đó cũng thật đẹp, anh đã không còn nữa, nhưng lời thơ của anh được mọi người hát mãi”.

Tham gia cả hai đợt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhà văn Lê Văn Thảo khẳng định hai điều trong cuốn Ở R - Chuyện kể sau 50 năm. Thứ nhất, “không nói đến đóng góp của người dân là thiếu sót lớn”. Thứ hai, “tôi gọi đó là trận đánh hào hùng và bi thảm, tôi không ngại nói từ thứ hai đó. Có quá nhiều mất mát, không nói đến điều đó là xúc phạm người hy sinh”. Và hình ảnh người dân ven đô trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 còn đọng mãi trong ký ức nhà văn Lê Văn Thảo như một sự gần gũi ân tình.

Tin cùng chuyên mục