Nhà ở kết hợp kinh doanh: “Phòng” nhiều nhưng vẫn… cháy

Đã có nhiều giải pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở kết hợp kinh doanh (NƠKHKD) được chính quyền và ngành chức năng TPHCM triển khai quyết liệt thời gian qua, song kết quả chưa như mong đợi. Số vụ cháy NƠKHKD tiếp tục gia tăng; đặc biệt, các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng vẫn ở mức cao. 

Vậy đâu là nguyên nhân và cách nào để kéo giảm nguy cơ cháy nổ NƠKHKD trong thời gian tới? 

3 năm: 1.173 vụ cháy, 24 người chết

Sáng 23-9-2017, một căn hộ được chủ nhà vừa ở vừa kinh doanh hóa chất trên đường Cộng Hòa (phường 13, quận Tân Bình, TPHCM) xảy ra cháy lớn. Người dân, công an địa phương và cảnh sát PCCC tuy  đã nỗ lực dập lửa, cứu nạn nhưng vụ cháy đã khiến 1 người tử vong và 2 người bị thương. Đáng lưu ý, trong quá trình hoạt động kinh doanh, cơ sở này từng được lực lượng PCCC nhắc nhở, yêu cầu khắc phục những vi phạm về PCCC còn tồn tại. Đó là một trong số hàng trăm vụ cháy liên quan đến NƠKHKD xảy ra trên địa bàn TPHCM từ năm 2017 đến nay.

Nhà ở kết hợp kinh doanh: “Phòng” nhiều nhưng vẫn… cháy ảnh 1 Hiện trường vụ cháy căn nhà vừa ở vừa kinh doanh hóa chất trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình

Thống kê của Cảnh sát PCCC TPHCM cho thấy, 3 năm qua (từ 2015-2017), trên địa bàn thành phố xảy ra 1.173 vụ cháy NƠKHKD, làm 24 người chết, thiệt hại tài sản hơn 3 tỷ đồng. Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân gây cháy trực tiếp chủ yếu do sử dụng điện không an toàn; nguyên nhân gián tiếp do người dân thiếu ý thức, không thực hiện đúng các quy định về PCCC.   

Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (phòng 2 - Cảnh sát PCCC TPHCM) dự báo, tình hình cháy nổ ở lĩnh vực NƠKHKD sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nhất là ở những vào tháng cuối năm 2018 - khi tốc độ sản xuất, kinh doanh được đẩy nhanh. Lý giải điều này, đại diện lãnh đạo Phòng 2 cho biết, bên cạnh ý thức chấp hành các quy định PCCC của một bộ phận người dân, chủ cơ sở còn kém, việc cháy nổ ở lĩnh vực NƠKHKD diễn biến phức tạp còn có nhiều nguyên nhân khác. 

Cụ thể, công tác quản lý ở một số đơn vị cơ sở, UBND cấp phường, xã chưa thực hiện hết trách nhiệm; các chế tài xử lý vi phạm chưa được quy định nên việc thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa hiệu quả; số lượng NƠKHKD ngày càng phát sinh nhiều, trong khi đối tượng này không nằm trong danh mục cơ sở thuộc diện quản lý của cảnh sát PCCC.

“Nếu các hạn chế, tồn tại trên không được khắc phục và các giải pháp không cụ thể, không có tính khả thi cao, tôi lo rằng những vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng ở lĩnh vực NƠKHKD sẽ tiếp tục”, một lãnh đạo Phòng 2 lo lắng. 

Cần có quy định quản lý cụ thể

Để nâng cao hiệu quả PCCC đối với NƠKHKD, Cảnh sát PCCC TPHCM kiến nghị cần điều chỉnh, bổ sung Luật PCCC. Trong đó, cần thiết quy định NƠKHKD là lĩnh vực thuộc sự quản lý về PCCC của lực lượng cảnh sát PCCC để nâng cao tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân thiếu ý thức, cố tình vi phạm; đồng thời, nâng cao năng lực giám sát, quản lý đối với NƠKHKD về PCCC, kịp thời điều chỉnh, khắc phục các tồn tại, vi phạm. Ngành điện lực TP cần quan tâm, phối hợp với chính quyền, ngành phòng cháy để xử lý, ngăn chặn triệt để các vi phạm PCCC trong sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Đối với đơn vị cấp phép kinh doanh, cần đưa yếu tố PCCC vào làm điều kiện để cấp phép; một khi điều kiện PCCC chưa đảm bảo, tuyệt đối không cấp phép hoạt động. 

Ngoài ra, phải làm tốt việc tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hơn nữa. Trên thực tế, phong trào toàn dân tham gia PCCC ở nhiều nơi vẫn còn hoạt động hình thức, không thiết thực nên chưa thu hút được sự quan tâm của người dân. “Do chính quyền địa phương, ngành chức năng còn làm qua loa, tuyên truyền chưa hay nên người dân, chủ cơ sở chưa đánh giá hết sự nguy hiểm của cháy nổ; từ đó, lơ là trong công tác phòng cháy”, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC một quận nhìn nhận.   

Về phía lực lượng PCCC, Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, đơn vị đang tiếp tục phối hợp với các sở ngành, quận huyện duy trì công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình toàn bộ công tác an toàn PCCC đối với NƠKHKD. Qua đó, những tồn tại nào nằm trong thẩm quyền xử lý (tập huấn kiến thức, nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ, xây dựng mang lưới cấp nước chữa cháy….), cảnh sát PCCC sẽ khắc phục ngay; những nội dung nào thuộc địa phương, thành phố, cảnh sát PCCC sẽ kiến nghị điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tế.

TPHCM hiện có hơn 1,3 triệu nhà ở hộ gia đình (không bao gồm các căn hộ chung cư, nhà ở các khu đô thị, khu dân cư mới chưa thành lập tổ dân phố) với 57.241 căn nhà có nguy hiểm về cháy nổ do xây dựng bằng vật liệu dễ cháy và hệ thống điện không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, thành phố còn có gần 300.000 NƠKHKD; trong đó, hơn 100.000 NƠKHKD chưa đăng ký kinh doanh, 39.895 cơ sở thuộc nhóm đối tượng nhiều nguy hiểm về cháy nổ (cấu kiện xây dựng bằng các loại vật liệu dễ cháy;  hệ thống điện không đảm bảo an toàn PCCC và hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến các loại hóa chất nguy hiểm về cháy nổ…).

Tin cùng chuyên mục