Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng hàng Việt

Sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều thương hiệu hàng Việt không chỉ chinh phục thành công ở thị trường nội địa mà còn vươn xa, khẳng định chỗ đứng và trở thành niềm tự hào của người Việt trên thị trường quốc tế.
Hàng Việt được người tiêu dùng chọn mua tại Co.opmart
Hàng Việt được người tiêu dùng chọn mua tại Co.opmart

Hàng Việt được tin dùng 

Theo khảo sát của các cơ quan như sở công thương, ủy ban MTTQ, ban tuyên giáo… tại các tỉnh thành phía Nam, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo cầu nối cho hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất đến với người tiêu dùng từ thành thị tới nông thôn. Điểm đáng chú ý là sức tiêu thụ hàng Việt tại các khu vực nông thôn, khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp đã tăng trưởng đều qua từng năm. 

Nhận thức của người tiêu dùng khi mua hàng hóa có sự thay đổi rõ rệt. Hàng Việt đang được phân phối rộng khắp từ các kênh bán lẻ hiện đại đến kênh phân phối truyền thống. Tại TP Cần Thơ, theo báo cáo điều tra dư luận xã hội về đánh giá thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, đến nay người tiêu dùng lựa chọn, mua hàng Việt ở mức độ thường xuyên và đạt tỷ lệ khá cao với 53,9%; trong đó, người tiêu dùng nông thôn lựa chọn hàng Việt nhiều nhất, với tỷ lệ 56,3%. Hiện nay, tại các vùng nông thôn của Cần Thơ, hàng hóa bày bán tại các chợ rất dồi dào, đầy đủ chủng loại. Đặc biệt, các sản phẩm hàng Việt ngày càng chiếm số lượng áp đảo tại chợ truyền thống, kệ hàng và được người dân nông thôn tin dùng.

Hay như tại Đồng Nai, tỷ lệ hàng Việt hiện chiếm từ 80% - 95% trong các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống. Còn ở tỉnh Đồng Tháp, qua 10 năm triển khai cuộc vận động, sản phẩm hàng Việt đã từng bước đứng vững trên thị trường nội địa, chinh phục được người tiêu dùng. Chẳng những thế, còn cạnh tranh được với hàng ngoại bởi chất lượng sản phẩm, giá cả được cải thiện, mẫu mã và thương hiệu được quan tâm xây dựng. 

Với TPHCM, trung tâm kinh tế của cả nước, trong 10 năm qua, cuộc vận động đã được cả hệ thống chính trị và DN thực hiện quyết liệt, mang lại kết quả cao. Cuộc khảo sát cho thấy, có 72% DN trong nước đã có sản phẩm tại hệ thống các siêu thị của thành phố. 

Không ngừng làm mới chương trình

Có thể thấy, sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chất lượng hàng hóa của DN Việt đã cải thiện rõ rệt. Dù vậy, người tiêu dùng vẫn mong muốn các sản phẩm, hàng hóa Việt cần có thêm nhiều thay đổi phù hợp về bao bì, mẫu mã, nâng cao tính tiện ích, thân thiện với môi trường... hơn nữa. Việc thay đổi không chỉ giúp người tiêu dùng có thêm những thiện cảm, ưu tiên sử dụng các sản phẩm, mặt hàng do DN trong nước sản xuất mà còn tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh khốc liệt với hàng ngoại nhập. Đơn cử như với sản phẩm sữa, nếu so sánh cùng sản phẩm sữa ngoại thì bao bì một số loại sản phẩm sữa Việt có thiết kế còn khó mở, chốt khóa mở khá giòn, dễ gãy… Một số sản phẩm như bánh, kẹo, đặc sản địa phương, màu sắc bao bì còn sơ sài, chưa thực sự bắt mắt.

Chính vì thế, để đưa hàng Việt lên tầm cao hơn, năm 2019 này, Cần Thơ sẽ thường xuyên tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, khu dân cư, tổ chức lồng ghép cuộc vận động vào chương trình bình ổn giá; tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM, Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Song song đó, tiếp tục hỗ trợ DN liên kết, đầu tư sản xuất, khai thác nguồn nguyên liệu, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại tại địa phương, tăng cường hoạt động xúc tiến…

Các địa phương đang rất quyết tâm đẩy mạnh chương trình cuộc vận động. Sắp tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cuộc vận động này. Trong đó, tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành cơ chế chính sách, khuyến khích các DN và định hướng người tiêu dùng; hỗ trợ DN trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường. Đồng thời, khuyến khích DN nắm bắt thị hiếu người dùng để có sự thay đổi kịp thời trong chiến lược sản xuất, kinh doanh. 

Tại TPHCM, phía cơ quan quản lý thương mại của thành phố cũng sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc tổ chức các chương trình người Việt dùng hàng Việt và định hướng người tiêu dùng thông qua các chương trình cụ thể của những DN như Vissan, Satra, Saigon Co.op… Theo lãnh đạo UBND TPHCM, để cạnh tranh hàng hóa giữa một quốc gia đang phát triển với những DN lớn của các nước phát triển là điều rất khó khăn. Vì vậy, những DN non trẻ của Việt Nam, nếu để cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu nước ngoài thì cần phải tự nâng vị thế của mình lên, nhất là bài toán về chất lượng.

Tin cùng chuyên mục