Người tiêu dùng hưởng lợi khi nhà bán lẻ tranh đua

Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn để mua sắm khi hệ thống bán lẻ không ngừng mở rộng. Sức tiêu thụ của thị trường Việt Nam đầy triển vọng nên các thương hiệu bán lẻ nội lẫn ngoại không ngừng tăng cường hiện diện. Trong xu thế cạnh tranh ấy, người tiêu dùng càng hưởng lợi khi được cung ứng dịch vụ chu đáo và tiện ích phong phú. 

Bán lẻ hiện đại nở rộ

Tại hội thảo xu hướng bán lẻ thị trường Việt Nam từ 2018-2020 và định hướng phát triển của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM - Saigon Coop trong thời gian tới, giới chuyên gia nghiên cứu về thị trường bán lẻ đánh giá cao sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ hiện đại. Đến nay, người tiêu dùng ở các thành phố lớn dễ dàng đi mua sắm ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.  

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Kantar Worldpaner Việt Nam, cho biết doanh nghiệp bán lẻ ngoại tập trung nhiều hơn ở phân khúc cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và chủ yếu ở khu vực thành thị lớn.

Riêng tại TPHCM, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang xuất hiện ồ ạt với tổng số hơn 1.000 địa điểm thuộc các thương hiệu nội và ngoại như Family Mart, B’s mart, Circle K, Ministop, Shop&Go, Vinmart, Co.op Food… 
Theo thống kê của Kantar Worldpanel Việt Nam, cửa hàng tiện lợi của thương hiệu ngoại cũng phát triển mạnh với Circle K đã có 297 cửa hàng, AfamilyMart là 160, B’s mart là 168, Shop&Go là 119, Ministop có 116 điểm. Tiếp đó, 7-Eleven và GS 25 đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam cũng hứa hẹn tạo nên sự sôi động hơn cho sân chơi này. 

Người tiêu dùng hưởng lợi khi nhà bán lẻ tranh đua ảnh 1 Co.opmart là địa chỉ được nhiều người dân chọn để mua sắm mỗi ngày
Về siêu thị, đến nay, Big C đang có 35 điểm kinh doanh, Aeon là 4 điểm, MM Mega 19 điểm, LotteMart 13… Các siêu thị ngày càng theo mô hình kinh doanh diện tích lớn, trong đó là đại siêu thị. Như Aeon đã đi theo hướng này, đến Emart cũng chọn hướng siêu thị lớn để khai thác. Các thương hiệu ngoại muốn tích hợp các dịch vụ để phục vụ người tiêu dùng, nhằm tạo sự cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ hiện hữu, đã phát triển lâu. 

Bán lẻ nội vẫn nổi trội

Theo kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam của Family Mart (Nhật Bản), dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng vào 2020, còn 7-Eleven (Nhật Bản) sẽ mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng sau 10 năm (2027).

Trong khi đó, các thương hiệu Việt Nam cũng không kém cạnh, tích cực mở rộng thị phần, hiện đang chiếm thị phần khá cao so với thương hiệu ngoại cả về doanh số và phạm vi hoạt động, như chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart+ dự kiến sẽ có 4.000 cửa hàng vào năm 2020.

Ngoài thành thị, nhà bán lẻ nội như Saigon Coop không ngừng mở các siêu thị trên toàn quốc. Tính trong 5 năm gần đây, các nhà bán lẻ nội, đặc biệt Saigon Co.op vẫn duy trì tốc độ phát triển đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Riêng ở mô hình siêu thị và siêu thị mini, bán lẻ nội vẫn chiếm ưu thế, nhưng ở mô hình đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi thì vẫn phải chịu áp lực cạnh tranh lớn. Hiện tại, Saigon Co.op có 100 siêu thị trên tổng cộng hơn 600 điểm bán, với ước tính có hơn 1 triệu khách hàng đến tham quan mua sắm mỗi ngày.

Điểm khá hấp dẫn là Saigon Co.op được đánh giá là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam hiện nay, với doanh số bán hàng trung bình mỗi năm gần gấp đôi so với nhà bán lẻ có thứ hạng kế cận.

Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, cho biết doanh nghiệp này vẫn không chủ quan, hiện phải tập trung cao độ để đầu tư cho công nghệ thông tin, nguồn vốn, quản trị doanh nghiệp để có thể giữ vững vị trí dẫn đầu trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Trong quá trình chuyển dịch của các nhà bán lẻ nội địa cho thấy, Co.opmart là thương hiệu dẫn đầu. Theo công bố kết quả khảo sát của Kantar Worldpaner trong “Brand Health Check”, liên tiếp từ năm 2016, 2017 đến tháng 9-2018, Co.opmart vẫn là siêu thị được người tiêu dùng yêu thích và tin tưởng nhất. Điều này chứng tỏ, các doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ ngoại dày dặn kinh nghiệm.

Điều này cũng là tất yếu, bởi theo giải thích của ông Bob Hayward - tư vấn chiến lược của KPMG, không hẳn một thương hiệu đã thành công ở các nước là sẽ thành công ở thị trường Việt Nam, do mỗi thị trường có văn hóa tiêu dùng khác nhau và cách thức cũng khác. Ngành bán lẻ trên toàn cầu đang thay đổi nhiều vì sự phát triển của công nghệ. Tại Việt Nam, thị trường cũng không nằm ngoài xu hướng. Hiện, một số doanh nghiệp công nghệ châu Âu rất mong muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội cho ngành bán lẻ tiếp tục “lột xác” trong tương lai. Theo xu hướng ấy, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ trở thành một công ty công nghệ làm việc trong ngành bán lẻ. 

“Bên cạnh những mô hình hiện tại, như chiến lược của Saigon Co.op, họ sẽ tiếp tục phát triển những mô hình bán lẻ mới để có thể đạt 2 triệu khách hàng ở hơn 2.000 điểm giao dịch tại Việt Nam và các vùng lân cận trong năm 2020. Song song phát triển mạng lưới, công nghệ hiện đại cũng từng bước được áp dụng phù hợp cho từng mô hình bán lẻ. Đối với riêng Saigon Co.op, trong tương lai, giá trị truyền thống sẽ giữ chừng mực và ứng dụng công nghệ để nâng cao trình độ tiêu dùng, nâng cao mô hình bán lẻ Việt Nam. Trong định hướng 5 - 10 năm tới, Saigon Co.op sẽ áp dụng nhiều công nghệ khác biệt để dẫn dắt thị trường, đồng thời sẽ tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, chiến lược sản phẩm hữu cơ”, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết.

Như vậy, trong tương lai, người tiêu dùng mua sắm thực phẩm tại Co.opmart sẽ an tâm về chất lượng hàng hóa. 

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng các nhà bán lẻ cần lưu ý chi tiết quan trọng là, dù thị trường triển vọng nhưng thách thức cũng không ít. Nhất là các nhà đầu tư ngoại cần quan tâm đến thói quen, văn hóa, cách thức của người tiêu dùng Việt Nam.

Để cạnh tranh tốt trong bối cảnh thị trường nhiều sức ép, theo bà Lê Thị Thùy Trang, Giám đốc đối tác nhà bán lẻ của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chi tiêu hơn vào các nhóm hàng ngoài tiêu dùng nhanh, đó là hàng điện tử tiêu dùng, dược phẩm, du lịch, bất động sản... Điều đó cho thấy đời sống của người dân ngày càng cải thiện. Việt Nam vẫn là thị trường nổi bật trên bản đồ thị trường bán lẻ trong khu vực. Dù trên thị trường phần lớn là bán lẻ truyền thống, nhưng tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ hiện đại rất mạnh mẽ với 26% thị phần, tốc độ tăng trưởng 11,8%; bán lẻ truyền thống dù chiếm 76% nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ 1%.

Tin cùng chuyên mục