Người phố thăm hỏi nhau

Không kể những dịp ma chay, cưới xin, người thành phố thăm hỏi nhau như một nghĩa vụ gia đình với họ hàng. Bạn bè đồng nghiệp thăm hỏi nhau từng nhóm nhỏ thân thiết. Cơ quan đoàn thể thăm hỏi cán bộ nhân viên cả về hưu lẫn tại chức.
Minh họa: P.S
Minh họa: P.S
Đối tác làm ăn thăm hỏi nhau như trả ơn từng vụ việc hoặc tạo dựng quan hệ lâu dài. Đều là thăm hỏi thôi nhưng có đến hàng trăm cách. Phiền ở chỗ, những cách thức thăm hỏi thường xuyên thay đổi.
Có ông bạn bị gãy chân bó bột nằm bệnh viện là một ví dụ. Những người đến thăm ngay là để chia sẻ vận hạn và giúp đỡ người bệnh điều trị. Những người đến sau, thì ý nghĩa của việc thăm hỏi lại nằm ở chỗ chung vui với ông ấy vừa tai qua nạn khỏi. Ý nghĩa khác, đi kèm theo quà cáp cũng không thể giống nhau. Khi còn nằm trên giường bệnh, thường thì quà tặng sẽ là trái cây, phong bì, cùng những thương cảm, chia sẻ nỗi niềm. Khi bệnh tình đã đỡ, có thể tán dóc được, thì quan trọng nhất là chuyện trò... Nguy hiểm nhất là khi những người được thăm hỏi âm thầm đánh giá tình cảm và mức độ quan tâm của khách. Mất mặn mất nhạt như chơi.
Đã có thời, thăm hỏi ốm đau theo những công thức bất biến là phải kiếm được cân đường, hộp sữa làm quà. Nhưng cái khó trong những năm chiến tranh bao cấp không nằm ở tình nghĩa thông thường. Nghĩa là thăm hỏi bất kỳ ai cũng không phân biệt sang hèn. Nhưng nó lại nằm ở món quà tặng phải mua ngoài tiêu chuẩn tem phiếu, khó khăn và đắt đỏ. Khó thì cũng phải tìm cách xoay cho bằng được. Đủ tiền thì đi mua và thăm người ốm một mình. Ít tiền hơn, rủ bạn bè cơ quan cùng đi để đóng góp. Rất ít cơ quan có quỹ riêng để thăm hỏi. Việc ấy vi phạm pháp luật về tài chính.
Cái công thức “cân đường hộp sữa” còn như một tiền đề cho những sinh hoạt tập thể có tính xã hội. Nhưng chẳng hiểu vì sao, dân phố dù thiếu thốn cũng ít người bệnh dùng đến đường sữa. Người khá giả sẽ dùng nó làm quà tặng lại người khác. Người nghèo hơn có thể mang bán ra chợ đen. Có những hộp sữa Thống Nhất như thế quay đến vài vòng qua tay các tay buôn chợ đen. Họ biết điều đó, bởi mỗi người buôn bán ngoài ấy đều có ký hiệu riêng đánh dấu trên vỏ hộp mà người mua ít khi biết được.
Người ở phố bây giờ ít thăm hỏi ngày thường như trước. Kể cả tết nhất cũng hạn chế đến nhà nhau. Phần vì đường sá xe cộ giao thông phức tạp. Phần khác thực tế hơn, đã là bạn bè thân thiết gặp nhau hàng ngày hà cớ gì tết nhất cứ phải đến thăm nhau để chúc tụng những lời sáo rỗng? Người phố cũng có cách thăm hỏi nhau ngày thường hoặc trong những chuyện buồn vui không quá mức quan trọng. Đại khái họa sĩ mở triển lãm, nhà văn, nhà thơ ra mắt sách, bạn bè sinh nhật… đều chỉ cần một cú điện thoại hẹn ngày giờ là đủ. Mọi người tụ tập ở một địa điểm nhất định, uống vài ly chúc mừng. Thế là hoan hỷ, nhẹ nhàng cả chủ lẫn khách. Khỏi mời nhau đến nhà khiến cho phụ huynh hoặc con cháu cũng phải miễn cưỡng tham gia vào những màn chúc tụng với bao nhiêu người lạ.
Thế nhưng vào bệnh viện ở phố bây giờ thỉnh thoảng vẫn nghe thấy giọng bệnh nhân thiếu phụ đầy hờn dỗi qua điện thoại: “…Thì vẫn nằm ở giường hôm qua các cô đưa tôi vào mà!”. Mãi rồi cũng hiểu! 

Tin cùng chuyên mục