Người Nộp giỏi làm lúa nước

Nắng hạn ở Nam Tây nguyên vẫn khiến nhiều khe suối, ao hồ và công trình thủy lợi nhỏ gần như bị cạn kiệt, “vắt” không còn nước. Nhiều diện tích cây trồng bị héo rũ, ruộng đồng khô cháy. Thế mà lạ thay, vào mùa khô hạn, con suối Đa Rsa trở nên hiền hòa, cần mẫn đêm ngày đưa dòng nước mát lành tưới đủ cho cả cánh đồng Sơn Điền. Và, lúc này cũng là thời khắc bà con dân tộc Nộp nơi đây đã chọn để bắt tay vào làm đất sản xuất vụ lúa đông xuân 2015.
Người Nộp giỏi làm lúa nước

Nắng hạn ở Nam Tây nguyên vẫn khiến nhiều khe suối, ao hồ và công trình thủy lợi nhỏ gần như bị cạn kiệt, “vắt” không còn nước. Nhiều diện tích cây trồng bị héo rũ, ruộng đồng khô cháy. Thế mà lạ thay, vào mùa khô hạn, con suối Đa Rsa trở nên hiền hòa, cần mẫn đêm ngày đưa dòng nước mát lành tưới đủ cho cả cánh đồng Sơn Điền. Và, lúc này cũng là thời khắc bà con dân tộc Nộp nơi đây đã chọn để bắt tay vào làm đất sản xuất vụ lúa đông xuân 2015.

Nông dân Sơn Điền làm đất gieo cấy vụ lúa đông xuân 2015

Chuyện hôm nay

Xã Sơn Điền (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đối với tôi đã quá quen thuộc. Nhưng lần này đến đây, tôi hơi bất ngờ, vì trên cả cánh đồng, từ thôn Bờ Nơm đến thôn Con Sỏ, tiếng máy cày inh ỏi, nhộn nhịp như âm vang báo hiệu ngày mùa đã đến. Anh K’Bôn - Chủ tịch UBND xã Sơn Điền, tuy bận rộn nhưng cũng dành thời gian tiếp chuyện và dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng ở thôn Bờ Nơm. Anh chia sẻ niềm vui: “Các anh xem! Bây giờ khỏe lắm vì nhà nào cũng sắm máy cày. Bà con ở đây làm đất hoàn toàn bằng cơ giới, không còn tay cuốc, tay xới như ngày xưa nữa!”. Cũng theo lời K’Bôn, nhờ có máy móc nên bà con tập trung làm đất rất nhanh và chỉ trong tháng 4 đã gieo sạ xong vụ lúa đông xuân.

Dân cư Sơn Điền có 7 thôn, 576 hộ, trên 2.800 nhân khẩu và hầu hết là người dân tộc Nộp (gốc Tây Nguyên). Họ định cư thành 2 khu vực: 3 thôn ở trên đồi cao và 4 thôn ở vùng thung lũng (gần trung tâm xã). Không chỉ 4 thôn ở vùng thung lũng (Bờ Nơm, Đăng Gia, Bó Cao và Con Sỏ) mà một số bà con ở 3 thôn vùng đồi (Hà Giang, Ka Liêng và Lang Bang) cũng có ruộng nước. Ngoài diện tích 550ha cà phê trong toàn xã, hiện bà con Sơn Điền còn có hơn 110ha ruộng để gieo cấy lúa. Do đặc thù về thời tiết, bà con dân tộc thiểu số (DTTS) ở Sơn Điền làm vụ lúa đông xuân muộn hơn các xã khác khoảng chừng 2 tháng.

Theo bà con nơi đây, vào mùa mưa, con suối Đa Rsa có những lúc rất “hung dữ”, dẫn lũ tràn về, quét hư đồng lúa dọc hai bên suối, nên vụ mùa hàng năm, bà con chỉ canh tác ở những chân ruộng cao, còn phần lớn diện tích không thể gieo cấy được. Riêng vụ đông xuân, năm nào cũng vậy, bà con đều gieo cấy hết toàn bộ diện tích. Thuận lợi ở thung lũng này là có con suối Đa Rsa chạy suốt giữa cánh đồng. Đến cuối thôn Con Sỏ, nhờ có đập tràn điều tiết, nước từ suối Đa Rsa theo các tuyến kênh dẫn vào ruộng, nên bà con có điều kiện gieo cấy lúa vụ đông xuân.

Ở đây, rất nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định và khá lên cũng nhờ cây lúa nước. Ở cánh đồng thôn Con Sỏ đang được cày ải, tôi tình cờ gặp lại vợ chồng K’Đã. Anh đang bận rộn với chiếc máy cày, xới từng luống đất. Còn chị Ka Hốt (vợ K’Đã) giúp chồng đắp lại bờ thửa. Giải lao chốc lát, chị Ka Hốt chỉ tay vào cánh đồng: “Ngoài 0,6ha cà phê, gia đình em còn có hơn 1 mẫu ruộng này. Mỗi năm, ruộng của em làm được 2 vụ, thu được trên dưới 8 tấn lúa, nên cuộc sống ổn định và đủ lo cho các con ăn học”. Chị Ka Hốt còn cho biết thêm, vụ nào cũng vậy, lúa của gia đình chị đều đạt được năng suất cao, nhờ nuôi thêm 5 con bò để chủ động nguồn phân bón.

Không riêng gì vợ chồng Ka Hốt, người dân Sơn Điền hôm nay đã đổi thay so với trước đây nhiều lắm. Trong sản xuất, họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Họ biết rằng, muốn cho cây trồng đạt năng suất cao thì phải đầu tư thâm canh. Còn về cây lúa, giờ đây, họ đã thành thạo việc cày bừa, gieo cấy, bón phân, chăm sóc và xịt thuốc để phòng, trừ sâu bệnh… Nhờ thế, bà con Sơn Điền không chỉ lo đủ cái ăn mà còn có lúa gạo dôi dư để bán ra thị trường, tạo thêm nguồn thu nhập và tích lũy.

Cái mới của Sơn Điền hôm nay là mấy năm gần đây, ngoài vốn tự có, bà con còn thông qua Hội Nông dân để mua nông cụ trả chậm và thông qua các nguồn vốn hỗ trợ khác của Nhà nước và các đoàn thể để mua máy cày, máy cắt lúa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giải phóng bớt sức lao động chân tay. “Hiện nay, 100% bà con làm lúa nước đều có máy cày và trong xã hiện có trên 30 chiếc máy kéo để phục vụ sản xuất” - Chủ tịch xã K’Bôn cho biết thêm.

Chuyện trước đây

Là dân địa phương và làm Bí thư Đảng bộ xã đã ngót 15 năm qua nên K’Hoa rất am hiểu và nghe được từng “hơi thở” của bà con mình. “Người dân tộc Nộp ở Sơn Điền bây giờ đã thực sự biết làm lúa nước. Làm lúa nước đối với người Nộp chẳng khác nào một “cuộc cách mạng”, làm đổi thay cả một tập quán canh tác lâu đời của bà con DTTS ở địa phương!” - Bí thư K’Hoa nhìn nhận và chia sẻ.

Người Nộp xưa kia có tập quán du canh trên đất đồi. Khi nói đến việc vận động bà con xuống thung lũng tìm đất khai hoang để làm lúa nước, quả là một bước “ngoặt”. Tuy nhiên, Sơn Điền là cái “nôi” của vùng căn cứ cách mạng và đã được công nhận xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nên việc vận động các phong trào cách mạng của quần chúng cũng có những mặt thuận lợi hơn.

Nhắc đến việc vận động bà con DTTS làm lúa nước phải kể đến nhiều thế hệ cán bộ cách mạng, những già làng, như: Ma Hương, K’Măng, K’Quyết, K’Bách… Bây giờ, họ đã trở về với “núi rừng” hoặc đã tuổi cao, sức yếu. Còn ở thế hệ sau này thì có K’Tỏi, K’Hoa, K’Nháp, K’Bôn… Ngoài ra, tại Sơn Điền cũng có nhiều thế hệ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của huyện và tỉnh tăng cường vào đây “cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn bà con cách thức làm lúa nước.

Việc vận động bà con DTTS vùng sâu làm lúa nước đã được Đảng bộ huyện Di Linh quan tâm từ những năm sau ngày giải phóng qua việc đầu tư hàng chục tỷ đồng từ các dự án 135, 327, 168; Dự án định canh định cư; Dự án xã điểm và nhiều chương trình, dự án khác… Để khuyến khích khai hoang hết diện tích đất ở thung lũng có thể, vào những năm 2003 - 2004, huyện Di Linh còn cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm gạo, phân bón giúp bà con.

Cũng trong thời gian này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục phân công cán bộ kỹ thuật vào Sơn Điền để “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), hướng dẫn bà con cách làm lúa nước. Anh Lê Viết Phú (hiện là Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh trước đây làm chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện) một thời từng làm “chuyên gia” ở Sơn Điền, trao đổi: “Không vội vàng mà phải từ từ và thật tận tâm, tận lực kiên trì vận động, hướng dẫn bà con từng ly, từng tí. Nếu không sẽ rất khó thành công!”.

Anh K’Nháp (sinh ra và lớn lên ở Sơn Điền), sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm TPHCM, về công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh. Sau đó K’Nháp được huyện điều động về xã Sơn Điền để giúp bà con làm lúa nước (nay được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã), anh vẫn như ngày nào, còn “mặn mòi” với chuyện làm lúa nước.

“Bà con Sơn Điền làm lúa nước đã khá thành thạo. Bà con không còn sử dụng các giống lúa địa phương mà đã biết lựa chọn các giống IR 64, OM 3536, B1… để gieo cấy. Ngoài ra, bà con còn biết sử dụng các loại phân chuồng, phân hóa học để bón lót, bón thúc; biết phun thuốc bảo vệ khi lúa bị sâu bệnh… Nhờ vậy, năng suất lúa ở Sơn Điền đã đạt được năng suất 4 - 4,5 tấn/ha/vụ. Và, cây lúa nước đã góp phần không nhỏ giúp xã Sơn Điền “xóa” được đói và kéo giảm hộ nghèo xuống, hiện chỉ còn khoảng 10%.”, K’Nháp chia sẻ.

... Trước khi chia tay với chúng tôi Bí thư Đảng bộ xã K’Hoa bảo rằng: Điều mà bà con đã từng mơ ước, giá như sau này có được giải pháp thủy lợi, chinh phục được mưa to và lũ quét, để cánh đồng Sơn Điền làm được 2 vụ lúa/năm thì có lẽ đời sống bà con ở đây sẽ có cơ hội đổi thay nhanh chóng hơn.

BÙI TRƯỞNG

Tin cùng chuyên mục