Người nối những bờ vui

Được ví như “làm dâu trăm họ” với công việc đồng hành cùng người bệnh từ lúc đến bệnh viện (BV) tới khi ra về, những nhân viên công tác xã hội được xem là một phần bộ mặt của BV, là chiếc cầu nối những bờ vui, là những người mang lại hy vọng cho bệnh nhân trước ngưỡng cửa tử thần. 
Nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Quận 2 trao tiền hỗ trợ bệnh nhân nghèo
Nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Quận 2 trao tiền hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Những căn phòng hy vọng

Dù chỉ vẻn vẹn chưa đầy 10m2 nhưng Phòng Công tác xã hội (CTXH) của BV Chợ Rẫy từ lâu được xem là “căn phòng hy vọng” của những bệnh nhân nghèo cần sự trợ giúp. Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng CTXH BV Chợ Rẫy, cho biết có những trường hợp khó khăn tưởng như phải buông tay nhưng cuối cùng bệnh nhân lại được cứu, mỗi lần như thế nghĩa là một cuộc đời được hồi sinh, một gia đình được trọn vẹn.

Theo lời kể của anh Hiển, mới đây anh nhận được thông tin từ Khoa Hồi sức tích cực về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Tấn Cường (14 tuổi) bị viêm cơ tim cấp, suy đa cơ quan nguy kịch cần phải chạy ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể). Tuy nhiên, chi phí 140 triệu đồng vượt quá khả năng của gia đình em. Ngay lập tức, vận dụng những mối quan hệ với các mạnh thường quân quen biết, cũng như thông qua cơ quan báo chí để kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng, chưa đầy 2 ngày sau, 120 triệu đồng được các nhà hảo tâm chuyển về BV Chợ Rẫy và cậu bé Nguyễn Tấn Cường đã được cứu sống. Không dừng lại ở đó, hoàn cảnh của cậu bé Cường đã lan tỏa mạnh ra cộng đồng và số tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ gửi về vượt qua cả chi phí điều trị. Với sự động viên của nhân viên Phòng CTXH, gia đình của Cường đã tình nguyện trích 195 triệu đồng để hỗ trợ cho một bệnh nhân khó khăn khác. 

Trước đó, chị Hương, một nữ bệnh nhân đến từ tỉnh Bình Thuận, cũng được “hồi sinh” nhờ pha cứu thua tương tự. Bị suy tim giai đoạn cuối, chị cần phẫu thuật ghép tim nhưng số tiền gom góp được chỉ vỏn vẹn 15 triệu đồng. Nhờ sự vận động của Phòng CTXH, toàn bộ chi phí phẫu thuật và điều trị gần 200 triệu đồng đã được các nhà hảo tâm từ khắp cả nước trợ giúp. “Nếu không có các bác sĩ và các anh chị ở Phòng CTXH thì mẹ em không thể cứu được rồi”, con gái của chị Hương rưng rưng chia sẻ trong ngày chị được xuất viện về nhà.

Tương tự, Phòng CTXH của BV Nhi đồng 2 cũng trở thành nơi gửi gắm niềm hy vọng của các gia đình có bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo. Chị Phan Thị Cẩm Tường, phụ trách khâu trợ giúp bệnh nhân nghèo của phòng, cho biết trung bình mỗi ngày có khoảng trên 20 bệnh nhi được Phòng CTXH hỗ trợ đóng viện phí, tiền mặt, tã sữa… có giá trị từ 500.000 đến hàng trăm triệu đồng. Mới đây, chị hồ hởi khoe vừa kết nối mạnh thường quân giúp gần 50 triệu đồng để thanh toán viện phí, thuốc men cho một bệnh nhi bị dính khớp sọ. Trước đó, chị cũng đã vận động hỗ trợ toàn bộ chi phí cho chính bệnh nhi này trong lần phẫu thuật đầu tiên. “Vui nhất là cháu bé bình yên trở về nhà. Trước khi ra về, gia đình đã gửi lại 20 triệu đồng được hỗ trợ còn dư để san sẻ cho một bé khác cũng có hoàn cảnh tương tự”, chị Tường chia sẻ. 

Làm dâu trăm họ

Là BV có hơn 8.000 lượt khám bệnh mỗi ngày nên các nhân viên CTXH của BV Chợ Rẫy luôn phải làm việc hết công suất. Ở bất cứ ngóc ngách nào của BV, nếu bệnh nhân cần hỗ trợ, nhân viên CTXH sẽ có mặt. Đang sắp xếp lại các loại giấy tờ thất lạc của bệnh nhân, chị Nguyễn Thị Kim Anh, nhân viên CTXH, cho biết mỗi ngày chị nhận được hàng chục các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế của bệnh nhân bị thất lạc. Mỗi lần như thế, chị chỉ mong tìm được người mất để gửi lại cho họ, bởi những loại giấy tờ này vô cùng quan trọng với những người dân nghèo khi đi BV. Tuy nhiên, cũng không ít lần, nhân viên CTXH phải chịu trận “nghe chửi” từ người bệnh và thân nhân.

“Chuyện người dân không hiểu hết quy trình khám bệnh hay vướng thủ tục bảo hiểm y tế liền quay qua chửi mắng cả mình diễn ra như cơm bữa”, anh Đào Xuân Bình, nhân viên Phòng CTXH của BV Quận 2, chia sẻ. 

Đồng quan điểm, chị Bùi Thị Út, Phòng CTXH BV Nhi đồng 2, cho biết những điều này là bình thường với nhân viên chăm sóc khách hàng. Bên cạnh những phụ huynh hiểu biết, dễ thương, biết thông cảm, thì cũng có những người nóng nảy, hành xử thiếu tế nhị. Không hiếm những phụ huynh dùng những từ ngữ “chợ búa” để mắng nhiếc, thậm chí còn quăng áo vào mặt nhân viên và buông lời đe dọa. Ngay cả Thạc sĩ Lê Minh Hiển cũng không ít lần bị một số người gây hấn vì “dám” từ chối không cho họ vào BV phát cơm. “Mỗi ngày BV đã có hơn 4.000 suất ăn sáng, trưa, chiều được phát hoàn toàn miễn phí, nên chúng tôi không nhận thêm cơm từ thiện vì nhận nữa sẽ thừa, rất hoang phí”, anh Hiển giải thích. 

Tuy nhiên, bên cạnh những điều không hay thì niềm vui của người làm CTXH tại BV lại vô cùng giản dị. “Có bệnh nhân xuất viện rồi vẫn cố gắng quay lại BV gửi vài trái cam quê nhà để cảm ơn, hay chỉ là cái nắm tay thật chặt của họ cũng khiến chúng tôi ấm lòng và có động lực để tiếp tục sứ mệnh của mình. Dù không khoác lên mình chiếc áo blouse trắng để cứu người, nhưng mỗi ngày, những người làm CTXH BV vẫn cần mẫn đồng hành cùng người bệnh, gom nhặt sự hài lòng, thắp lên những tia hy vọng cho bệnh nhân và người nhà của họ”, anh Lê Minh Hiển chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục