Người hưởng lợi nhiều nhất là… thanh tra lao động? ​ ​

Sáng 18-9, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị”. Nhiều ý kiến tại hội thảo chỉ ra một số điểm được coi là “bảo thủ”, thậm chí là một bước lùi so với Bộ luật Lao động hiện hành. TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nói: “Tôi e rằng người hưởng lợi nhiều nhất từ Bộ luật Lao động là… thanh tra lao động”.

Lý giải nhận xét của mình, ông Cung nói, trong Bộ luật có những quy định mà trong tình hình thực tiễn Việt Nam hiện nay, “kiểu gì doanh nghiệp cũng vi phạm và guồng máy xin – cho buộc phải vận hành”.

Còn theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, có 8 vấn đề lớn cần được xem xét sửa đổi, bổ sung trong dự thảo. Trong đó, đáng chú ý là thời gian làm thêm và cách tính thời gian làm thêm giờ của lao động; vấn đề tiền lương.

Người hưởng lợi nhiều nhất là… thanh tra lao động? ​ ​ ảnh 1 Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động phát biểu tại hội thảo 

“Bộ Luật Lao động hiện hành đang quy định tổng số giờ làm thêm tối đa trong năm của Việt Nam bị hạn chế ở mức 200 giờ/năm. Mức này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam và chưa phù hợp với những ngành nghề sản xuất trực tiếp, do đó hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do năng suất lao động của người lao động Việt Nam còn thấp, tỷ trọng các ngành nghề thâm dụng lao động có giá trị gia tăng thấp vẫn còn lớn nên nhu cầu mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ là nhu cầu thực tế, để góp phần tăng thu nhập cho người lao động”, bà Lan Anh phát biểu.

Đại diện VCCI kiến nghị, không nên quy định giới hạn giờ làm thêm theo tuần, theo tháng, chỉ quy định theo năm, cụ thể là số giờ thêm của người lao động không quá 500 giờ/năm, trừ một số ngành nghề, công việc được làm thêm giờ không quá 600 giờ/năm.

Vẫn theo bà Lan Anh, ở đa số các nước có GDP dưới 3.000 USD/người (trong đó có Việt Nam), số giờ làm việc bình thường đều là 48 giờ/tuần. Việc dự thảo Bộ luật giảm thời gian làm việc bình thường xuống 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…

“Doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, gây mất niềm tin của khách hàng. Chưa kể, việc giảm giờ làm được cho là sẽ khiến giảm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn thuế của doanh nghiệp đóng góp cho Nhà nước bị sụt giảm đáng kể”, bà Lan Anh lập luận.

Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội tán thành tăng thời gian làm thêm, nhưng tối đa lên đến 400 giờ/năm và cho rằng việc điều chỉnh này là cần thiết để phù hợp với ngành nghề lao động, quan hệ lao động, chứ không phải chỉ tăng năng suất lao động, giảm giờ làm.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright cũng nhận định, dự thảo Bộ luật Lao động còn giữ “tư duy tương đối bảo thủ, lạc hậu, là bước lùi so với Bộ luật năm 2012”.

Bộ luật hiện nay, theo ông Tự Anh, can thiệp quá sâu vào quan hệ lao động, không có tính thị trường, đi ngược lại lợi ích của nền kinh tế và sẽ khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam tụt hạng.

“Có vẻ như ai đó vẫn còn kiểu tư duy Nhà nước phụ mẫu. Tại sao không chú trọng vào việc thiết kế những khế ước lao động tốt và điều chỉnh quan hệ lao động bằng những khế ước đó thay vì áp đặt những giới hạn cứng. Một khi doanh nghiệp thấy bị bó quá chặt, họ sẽ tìm cách lách luật”, TS Vũ Thành Tự Anh bình luận.

Tin cùng chuyên mục