Người hùng lặng lẽ

Rạng sáng 6-9, khi mọi người còn đang ngon giấc thì tại ngôi nhà số 12 ở đường số 7 (phường 4, quận 8, TPHCM), ngọn lửa bỗng bùng lên rồi nhanh chóng cháy lan. 
Anh Thạch Lâm Thành cần mẫn với công việc hàng ngày ở công trình
Anh Thạch Lâm Thành cần mẫn với công việc hàng ngày ở công trình
Ngay sau khi nhận được tin báo, Cảnh sát PCCC TP đã lập tức lên đường đến hiện trường chữa cháy và cứu được 7 người an toàn; đồng thời bảo vệ được khoảng 380m² diện tích còn lại, cùng nhiều tài sản khác của chủ nhân ngôi nhà. Trong vụ này, người có công đầu tiên là anh phụ hồ người dân tộc Khmer Thạch Lâm Thành, quê xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Tối 8-10-2017 tại Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch, TPHCM, anh Thạch Lâm Thành đã được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng giải thưởng Thanh niên sống đẹp (anh Thành là một trong 10 người toàn quốc được vinh danh) tại lễ kỷ niệm 61 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, trao giải thưởng “15 tháng 10” và giải thưởng “Thanh niên sống đẹp”.
Vì cuộc sống khó khăn, anh Thạch Lâm Thành rời Trà Vinh lên TPHCM làm phụ hồ tại các công trình xây dựng vào năm 2002. Mờ sáng 6-9-2017, khi đang ngủ tại công trình nhà số 5 đường số 7, phường 4, quận 8 thì tiếng nổ lớn tại tầng trệt nhà đối diện khiến anh Thành giật mình thức giấc. Theo bản năng, anh Thành chạy nhanh qua ngôi nhà đang cháy nhưng cửa nhà đã bị khóa. Lúc này khói lửa đã bao trùm toàn bộ tầng trệt ngôi nhà. Lấy hết khả năng của mình, anh Thành dùng chân đạp mạnh làm cánh cửa cổng bật tung. Qua làn khói, anh nhìn thấy lửa xuất phát từ những chiếc xe máy dựng ở gần cầu thang. Nhanh trí anh quay vội về công trình nơi mình đang làm xúc cát vào thùng qua dập lửa.  Hơn nửa giờ một mình dập lửa bằng những thùng cát hất vào đám cháy, anh Thành mới nhìn thấy một người đàn ông đang nằm thoi thóp trên nền nhà giữa màn khói đen vây bủa. Anh tính chạy vào đưa người đó ra ngoài, nhưng hơi nóng bốc ra rát mặt, cộng với khói mù mịt không thể vào được bên trong. Anh Thành lại chạy về công trình xây dựng lấy cái chăn nhúng vào thùng nước, trùm lên toàn thân mình rồi quay trở lại xông vào đám cháy cứu người. Sau khi dùng hết sức lực kéo được người đàn ông ra sân, anh thật sự đuối sức. Nhìn lại phía sau, anh thấy lửa trong nhà bùng phát dữ dội trở lại, nhiều tiếng nổ lớn phát ra cộng với văng vẳng tiếng kêu cứu, tiếng ho vì sặc khói của nhiều người. Đặt người đàn ông nằm ở sân, anh tiếp tục quay lại đám cháy, một mình lấy cát tiếp tục dập lửa. Lúc này những người đang mắc kẹt trong nhà hoảng loạn. Bản thân anh không rõ địa hình trong ngôi nhà, nên không biết hướng dẫn mọi người thoát nạn theo hướng nào. Tuy nhiên, anh vẫn cố gắng hết sức gào thét kêu mọi người chạy ngược lên tầng trên, vì anh biết nếu chạy xuống dưới sẽ bị ngạt khói hoặc chết cháy. Trong lúc nguy cấp, những hành động của anh Thành đã góp phần rất tích cực hạn chế được ngọn lửa lan nhanh, giúp những người trong căn nhà đang cháy duy trì được tinh thần cho đến khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến giải cứu.  Khi chúng tôi hỏi động lực nào khiến anh liều mình như vậy? Câu trả lời là nụ cười hiền kèm theo lý giải hết sức đơn giản: “Lúc đó tôi không kịp nghĩ đến cái gì khác, bản năng “kêu” hành động thì làm thôi. Giúp được ai thì nhanh chóng làm chứ sợ không kịp sẽ có người chết cháy trước mắt mình thì hối hận cả đời”. Ngoài ra, còn lý do nữa mà bản năng khiến anh hành động nhanh và lý trí như vậy vì… nhà anh cũng từng bị cháy nên anh hiểu cái cảm giác đau khổ khi mất tài sản và mất người thân như thế nào. Anh Thành kể với chúng tôi, chữa cháy xong, 2 bàn chân anh đầy vết trầy xước, máu chảy không cầm được, bong gân đau nhức; ngực anh đau rát, khó thở do hít nhiều khói độc. 5 ngày sau anh vẫn chưa thể tiếp tục công việc vì mất sức. Vợ anh khi biết tin đã lặng lẽ khóc một mình vì lo sợ, bởi anh Thành là lao động chính, nuôi sống cả nhà hiện nay.  Nhận xét về anh Thành, cô Lê Mỹ Thanh, chủ thầu xây dựng - nơi anh đang phụ hồ, cho biết: “Thành sống khổ lắm, ăn uống tằn tiện, không dám thuê phòng trọ ngủ để tiết kiệm từng đồng gửi về chăm lo cho cha mẹ già, vợ và con nhỏ đang đến tuổi đi học. Một năm chỉ có thể về thăm gia đình được 2 lần, mỗi lần 1 - 2 ngày thôi. Khổ là vậy, nhưng Thành sống rất lạc quan, có tâm, sẵn sàng giúp đỡ người khác”.

Tin cùng chuyên mục