Người học nghề vẫn còn “nhát” tiếng Anh

“Hầu hết học sinh, sinh viên các trường nghề trên địa bàn TPHCM nói tiếng Anh rất kém. Lỗ hổng năng lực tiếng Anh của người học nghề thật sự đáng báo động”, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTB-XH TPHCM), nhận xét. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở thành phố cũng cho biết, đa số người học nghề vẫn đối phó với tiếng Anh. 

Thua về ngoại ngữ

Vừa giành huy chương vàng nghề Bảo trì máy CNC (cơ khí điện tử) trong kỳ thi tay nghề ASEAN và có dịp được cọ xát với các học viên, sinh viên trường nghề ở các nước trong khu vực, em Cao Văn Minh, học viên Trường Trung cấp Nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, nhìn nhận bản thân mình và đa số các thí sinh của Việt Nam vẫn thua điểm về ngoại ngữ so với thí sinh các nước bạn.

Minh kể, thí sinh của các nước bạn rất tự tin trao đổi, đối chất với chuyên gia bằng tiếng Anh mà không cần phiên dịch. Trong khi đó, nhiều thí sinh từ TPHCM, từ Việt Nam vẫn rụt rè trong lúc hội thoại bằng tiếng Anh, chứ chưa nói đến tư thế mạnh dạn trao đổi, đối chất với chuyên gia. Theo Minh, tay nghề của các học sinh, sinh viên đoàn Việt Nam không hề thua kém các nước bạn nhưng năng lực tiếng Anh thì thua thấy rõ.

Thực trạng “thua” về tiếng Anh đang xảy ra ở các học viên, sinh viên học nghề tiêu biểu, đạt trình độ khu vực như các thí sinh thi tay nghề ASEAN. Tình trạng này còn phổ biến hơn, với những người học nghề trên địa bàn TPHCM nói chung. Năng lực tiếng Anh của người học nghề được Sở LĐTB-XH TPHCM đánh giá là “rất kém”.

Tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, Th.S Dương Thị Tuyết Lan, Khoa Ngoại ngữ, cho biết việc lồng ghép ngoại ngữ vào giảng dạy chuyên ngành và tiến tới dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh của trường có những mặt tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn.

Người học nghề vẫn còn “nhát” tiếng Anh ảnh 1 Tiết học tiếng Anh (nghe - nói) của sinh viên Trường Cao đẳng 
Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: QUANG HUY 
Theo bà Tuyết Lan, sau khi đã đạt được chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều thầy cô lại không có điều kiện giao tiếp thường xuyên, ít khi sử dụng vào cuộc sống cũng như công việc giảng dạy nên tất yếu mai một. Nếu giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh thì có chứng nhận là chưa đủ, mà còn phải thật sự giỏi ngoại ngữ và hiểu biết thuật ngữ chuyên ngành để dạy “2 trong 1”. Còn với các học viên, sinh viên, nhiều em có tâm lý e ngại và sợ các học phần tiếng Anh, hoặc học chỉ với tâm thế đối phó.

Ở Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, đại diện nhà trường cho hay ý thức rèn luyện tiếng Anh của sinh viên chưa cao, chưa xem năng lực tiếng Anh là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển nghề nghiệp sau này. Trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn cũng nhận xét, khả năng tiếng Anh của sinh viên còn rất hạn chế, ý thức học ngoại ngữ không cao, chủ yếu học đối phó để tốt nghiệp.

Theo các trường, nguyên nhân yếu kém ngoại ngữ là có sự tách rời giữa việc giảng dạy ngoại ngữ với việc giảng dạy chuyên ngành. Đại diện Trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn phân tích, các giáo viên chuyên ngành phần lớn là giáo viên thuần túy về chuyên môn, trình độ ngoại ngữ không đồng đều. Một số giáo viên đã đạt trình độ B1 nhưng nhìn chung năng lực tiếng Anh cũng còn hạn chế và rất khó để đảm nhận dạy tiếng Anh chuyên ngành cho học sinh.

Vì vậy, tất cả các môn tiếng Anh chuyên ngành đều do giáo viên ngoại ngữ phụ trách; đây lại là một thử thách cho tất cả giáo viên chuyên ngữ, vì việc cập nhật kiến thức chuyên ngành với họ không dễ dàng. Chính vì thế, chất lượng giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành không cao, đặc biệt là các ngành có kiến thức chuyên môn phức tạp như y - dược, công nghệ thông tin, cơ khí xây dựng, điện…

Phúc tra ngoại ngữ

Th.S Dương Thị Tuyết Lan cho rằng, vì giáo viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh sẽ phải làm việc rất nhiều để có được những bài giảng bằng tiếng Anh hấp dẫn, hiệu quả và đảm bảo được kiến thức chuyên môn cho người học nên nhà trường phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng.

Với người học, nhà trường cần thành lập ban học thuật hỗ trợ sinh viên, gồm các giảng viên từ nguồn giảng viên các khoa, sinh viên giỏi, sinh viên nước ngoài, chuyên gia thời vụ... Ban sẽ tìm kiếm nguồn tài liệu chuyên ngành, trợ giảng, thiết kế kịch bản trên lớp, hỗ trợ sinh viên, thậm chí có thể kèm sinh viên yếu và tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh chuyên ngành. Đây sẽ là hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho sinh viên.

Người học nghề vẫn còn “nhát” tiếng Anh ảnh 2 Th.S Huỳnh Thị Thanh Thảo, giảng viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM hướng dẫn sinh viên thực hành với các trang thiết bị hiện đại tại Trung tâm Vi điều khiển
Trên toàn địa bàn TPHCM hiện có 535 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sở LĐTB-XH TPHCM đánh giá, do yếu kém về ngoại ngữ nên các em học viên, sinh viên khó có cơ hội làm việc và thăng tiến tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài hoặc tham gia thị trường lao động ngoài nước. Để đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu của TPHCM và hội nhập, ông Đặng Minh Sự cho biết, trước hết sở rà soát 100% đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy tiếng Anh tại các trường nghề.

Trong năm 2019 và 2020, bồi dưỡng ít nhất 80% giáo viên dạy tiếng Anh đạt chứng chỉ quốc tế IELTS (7.0) và tăng cường khả năng nghe, nói chuẩn. Sở LĐTB-XH TPHCM yêu cầu các trường kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên dạy tiếng Anh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phúc tra ngoại ngữ; rà soát, nghiên cứu xây dựng “chuẩn đầu ra” về ngoại ngữ cho các đối tượng.

“Chúng ta không cầu toàn rằng trong một sớm một chiều cần phải khắc phục tình trạng dạy và học tiếng Anh chưa phù hợp hiện nay. Nhưng nếu cả hệ thống gồm cơ quan quản lý, cán bộ quản lý cơ sở dạy nghề, đội ngũ nhà giáo, sinh viên và học viên… cùng quan tâm giải quyết những trở ngại đã nêu thì việc dạy và học tiếng Anh tại các cơ sở dạy nghề sẽ sớm có kết quả khả quan”, ông Đặng Minh Sự chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục