Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc Ê Đê

Căn nhà sàn đậm nét truyền thống của nghệ nhân Y Mip Ayun (77 tuổi) nằm trong một con hẻm nhỏ ở buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Trong căn nhà cũ kỹ, đơn sơ ấy, hàng chục nhạc cụ dân tộc bằng tre do chính chủ nhân ngôi nhà chế tác được nâng niu, trân trọng như những báu vật.
 Nghệ nhân Ama Kim biểu diễn nhạc cụ dân tộc Ê Đê
Nghệ nhân Ama Kim biểu diễn nhạc cụ dân tộc Ê Đê

Cả đời yêu nhạc cụ dân tộc

Vừa đến buôn Kô Siêr, nghệ nhân Y Mip Ayun chào đón chúng tôi bằng âm điệu réo rắt của chiếc đinh năm (nhạc cụ họ hơi của một số dân tộc Tây Nguyên). Dứt điệu nhạc, ông dẫn chúng tôi tham quan căn nhà sàn, nơi trưng bày nhiều loại nhạc cụ do chính ông chế tác, rồi miên man những câu chuyện đời, chuyện nghề.

Nghệ nhân Y Mip Ayun, thường gọi là Ama Kim, sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, trong tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng đinh năm, đinh puốt… Từ nhỏ, Ama Kim đã say mê nhạc cụ dân tộc truyền thống từ cồng, chiêng đến các nhạc cụ bằng tre trúc. 

“Ngày đó, đàn ông ai cũng biết đánh chiêng, buôn làng còn nhiều cồng chiêng lắm, nhà nào cũng có một bộ nhưng chỉ khi gia đình làm lễ cúng, buôn làng tổ chức lễ hội thì mới được đánh chiêng. Mỗi lần nghe nói buôn nào có lễ hội là tôi trốn mẹ đi xem. Có hôm, tôi theo bạn bè sang buôn kế bên xem đánh chiêng, mải mê đến nỗi quên về nhà khiến buôn phải tổ chức đi tìm. Thời gian rảnh, tôi cứ tới nhà các trưởng bối trong buôn để học đánh chiêng và học hỏi chơi các nhạc cụ. Các âm điệu dân tộc dần dần đã ngấm vào máu tôi, mỗi ngày mà không được chơi, hay nhìn thấy các nhạc cụ là người khó chịu, ăn ngủ không ngon”, già Ama Kim nhớ lại.

Nhờ say mê tìm hiểu nên Ama Kim sớm nắm rõ mọi kỹ thuật của từng loại nhạc cụ từ cồng, chiêng cho tới đinh năm, đinh tặc tà, đinh puốt... Không chỉ biểu diễn giỏi, am hiểu nhạc cụ dân tộc, Ama Kim còn tự chế tác nhiều loại nhạc cụ và làm mới hình thức của nhạc cụ, vừa tiện sử dụng, vừa đẹp mắt. Bộ chiêng 7 chiếc nhỏ nhắn được chế tác bằng nắp thùng phuy là sản phẩm của óc sáng tạo và sự tài hoa của ông. Nghệ nhân còn chế tác nên chiếc đinh pơng bằng những ống nứa gắn song song với nhau nhưng độ dài khác nhau, phía đế là tấm gỗ mỏng. Khi diễn tấu, 1 đến 2 người dùng tay đập xuống, tạo nên âm thanh như dàn ching kram (chiêng tre) 7 người diễn tấu. Vì vậy, lúc ở độ tuổi 30, Ama Kim đã chơi thành thạo và chế tác hơn chục loại nhạc cụ, được công nhận nghệ nhân giỏi của người Ê Đê, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2007. 

Nghệ nhân Ama Kim cùng đội chiêng buôn Kô Siêr đi biểu diễn khắp các tỉnh thành trong nước và là một trong những người góp công đầu đưa âm hưởng, linh hồn của âm nhạc Tây Nguyên đến với bạn bè quốc tế như Lào, Campuchia, Đan Mạch, Pháp, Đức, Phần Lan, Italy… Đặc biệt, hiện ông Ama Kim là một trong số hiếm hoi nghệ nhân ở Đắk Lắk còn giữ được bí quyết tạo ra thang âm, điệu thức chuẩn xác và giàu bản sắc nhất cho mỗi loại sáo, kèn, đàn… làm bằng tre trúc và cũng là người có khả năng thẩm âm, chỉnh chiêng theo đúng chuẩn của âm nhạc truyền thống dân gian Tây Nguyên. Trong đó, đáng chú ý là bí quyết tạo ra nhạc cụ dân tộc bằng tre, trúc chuẩn mực nhất. Bí quyết đó là chiếc lam tre hay còn gọi là lưỡi gà trong mỗi loại sáo, kèn, trống. Lưỡi gà là mảnh tre chỉ nhỏ bằng móng tay được rạch 3 đường theo hình chữ U để gắn vào đầu ống thổi. Nghe có vẻ đơn giản nhưng đó lại là hồn cốt của nhạc cụ tre, trúc mà không phải người chế tác nào cũng làm chuẩn được.

“Lưỡi gà dày quá thì hạn chế độ rung, mỏng quá thì dễ bị rách khiến âm thanh không chuẩn. Các đường vạch trên lưỡi gà phải làm cực kỳ tinh xảo, độ hở của nó phải đúng thì mới có âm thanh chuẩn nét của nhạc khí Tây Nguyên”, nghệ nhân Ama Kim giải thích.

Trăn trở tìm người kế tục

Cả cuộc đời gắn bó với nhạc cụ dân tộc bằng tâm huyết của người con Ê Đê, nghệ nhân Ama Kim đã đoạt nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý như: Nghệ nhân xuất sắc trong Liên hoan Văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên; Giải Bông sen vàng tại Liên hoan Hòa tấu âm nhạc dân tộc TPHCM lần 2, năm 1997; Giải nhất môn đánh chiêng của TP Buôn Ma Thuột năm 1997; Huy chương vàng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng toàn quốc; Huy chương vàng Các tiết mục hòa tấu nhạc cụ đinh năm, tù và, đinh puốt, đinh tặc tà…

Giờ đây, khi đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nghệ nhân chỉ mong tìm được người thực sự tâm huyết với nhạc cụ truyền thống để truyền nghề, truyền tâm huyết cả đời của mình. Mấy năm nay, Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk thường mở các lớp dạy đánh cồng chiêng cho thiếu nhi, năm nào ông Ama Kim cũng tham gia truyền dạy. Nghệ nhân còn tình nguyện mở lớp dạy đánh chiêng, chơi nhạc cụ dân tộc Ê Đê cho thế hệ trẻ, thanh niên các buôn làng. Nhiều năm chiêu quân khắp tỉnh tìm người đam mê, có tâm huyết với nhạc cụ dân tộc, hướng dẫn hàng trăm người biết đánh cồng chiêng, nhưng đến nay ông vẫn chưa tìm được người kế tục. 

Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm, một người gắn bó với âm nhạc Tây Nguyên, cho biết, người Ê Đê có khoảng 20 loại nhạc cụ truyền thống, các nghệ nhân đã nỗ lực truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ, nhưng chủ yếu học để biết chứ không phát triển rộng ra cộng đồng được. Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 2 nghệ nhân là Ama H’Loan và Ama Kim, được ví như những “cây đại thụ”, biết chế tác, sử dụng và sống được với nghề.

“Giữa bộn bề cuộc sống, sự phát triển của văn minh đô thị đã len lỏi vào từng buôn làng, hình ảnh các chàng thanh niên đánh chiêng, các cô gái nắm tay nhau nhảy điệu xoang bên bếp lửa, ché rượu cần đã dần phai nhạt. Nghệ nhân già thì dần về với tổ tiên, còn lớp trẻ buông tay với văn hóa truyền thống, tìm được người tâm huyết thực sự với âm nhạc dân gian dường như đang rơi vào bế tắc”, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm ngậm ngùi.

“Nghệ nhân Ama Kim đã có nhiều cống hiến trong công tác bảo tồn cồng chiêng cũng như các nhạc cụ truyền thống của cộng đồng người Ê Đê ở Đắk Lắk. Không chỉ đánh chiêng giỏi, chế tác được nhiều nhạc cụ dân tộc, ông còn là một trong số rất ít nghệ nhân chỉnh chiêng chuẩn ở Đắk Lắk. Sở thường mời nghệ nhân Ama Kim chỉnh các bộ chiêng quý, thẩm âm những bộ chiêng mới mua về” - Ông Y Kô Niê, Phó trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk, đánh giá.

Tin cùng chuyên mục