Người già, trẻ nhỏ bệnh vì giá rét

Thời tiết giá rét kéo dài gần một tuần qua ở miền Bắc đã ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ.
Thời tiết rét đậm kéo dài làm gia tăng người bệnh nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Thời tiết rét đậm kéo dài làm gia tăng người bệnh nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Miền Bắc đang gánh chịu đợt rét đậm, rét hại nặng nề nhất từ đầu mùa đông tới nay, nhiệt độ ngoài trời ở nhiều nơi chỉ còn 8 - 10°C, thậm chí có nơi còn xuống dưới 0°C. Băng giá đã xuất hiện ở vùng núi cao. Thời tiết giá rét kéo dài gần một tuần qua đã ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Ở các bệnh viện, y, bác sĩ cũng căng thẳng, vất vả hơn khi vừa tiếp nhận lượng bệnh nhân đông, lại phải lo chống rét giúp người bệnh.

Người bệnh nhập viện tăng cao

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày giá rét, số bệnh nhân đột quỵ gia tăng đáng kể, trong số 130 - 140 bệnh nhân cấp cứu được đưa đến khoa mỗi ngày có 30 - 40 bệnh nhân đột quỵ. Trong đó, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng, nguy hiểm tới tính mạng. Cùng với đó, tại một số bệnh viện như: Lão khoa trung ương, Thanh Nhàn, Hà Đông... số bệnh nhân là người cao tuổi phải nhập viện điều trị các bệnh về tim mạch, xương khớp, hô hấp cũng tăng đáng kể do giá rét gây ra.

Thời tiết rét buốt kéo dài cũng khiến cho trẻ em phải nhập viện tăng cao. PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết, từ đầu năm mới 2019 tới nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.000 trẻ tới khám chữa bệnh. Trong đó, số bệnh nhi bị ho, sốt cao, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa, tiêu chảy tăng 15% - 20%. Còn tại khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 200 - 250 bệnh nhi, trong đó bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp chiếm khoảng 50%.

Không chỉ các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội mà tại các bệnh viện ở nhiều tỉnh thành phía Bắc cũng tiếp nhận số lượng bệnh nhân tăng đáng kể do thời tiết giá rét gây ra. Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai có trên 50 bệnh nhân cao tuổi điều trị tại các khoa hô hấp và nội tiết.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, số bệnh nhân cao tuổi phải nhập viện điều trị thường tăng cao vào mùa lạnh, chủ yếu là các trường hợp hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính, huyết áp. Cùng với người già, trẻ nhỏ cũng là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh trong mùa lạnh bởi sức đề kháng yếu. Tại Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai hiện cũng đang tiếp nhận và điều trị cho khoảng 60 bệnh nhi.

Chăn ấm, điều hòa, máy sưởi cho người bệnh

Trước việc số bệnh nhân nhập viện do thời tiết rét đậm kéo dài gây ra, các bệnh viện không chỉ phải lo tiếp nhận điều trị mà còn phải tăng cường các biện pháp chống rét cho người bệnh.

Tại nhiều bệnh viện đã tăng cường thêm hệ thống lò sưởi, quạt nóng, chăn ấm và nước nóng để phục vụ người bệnh và người nhà bệnh nhân trong những ngày giá rét. Tại các phòng bệnh đặc biệt như phòng sinh đẻ, hồi sức cấp cứu, phòng sơ sinh, phòng bệnh nhân nặng... được trang bị điều hòa hai chiều.

Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, hệ thống điều hòa nhiệt độ luôn ở trong trạng thái sẵn sàng phục vụ người bệnh trong bất kỳ hoàn cảnh thời tiết nào, đồng thời viện còn trang bị hệ thống nước lọc nóng - lạnh đạt tiêu chuẩn ở tất cả các khoa điều trị để người bệnh và người nhà người bệnh có thể sử dụng trực tiếp khi có nhu cầu.

Tại Bệnh viện K, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội cho biết, để phục vụ các bệnh nhân đang điều trị nội trú, cũng như bệnh nhân ngoại trú tại khu vực phòng khám, bệnh viện đã bố trí cấp đủ chăn, duy trì các thiết bị giữ ấm cho bệnh nhân. Đặc biệt, ở các khoa đặc thù đã triển khai việc cung cấp suất ăn tại phòng để phục vụ bệnh nhân nặng, người có hoàn cảnh khó khăn hoặc bệnh nhân tạm thời chưa có người nhà chăm sóc.

Trong khi đó, trước tình hình rét đậm, rét hại dự kiến còn kéo dài làm nhiều đợt trong tháng 1 và 2, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các bệnh viện trực thuộc phải rà soát, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị bảo đảm công tác chống rét cho người bệnh đến khám chữa bệnh. Thực hiện giảm thời gian chờ đợi của người bệnh tới khám. Khu vực chờ khám, phòng khám, phòng điều trị phải đảm bảo kín gió, tránh gió lùa và bổ sung các phương tiện giữ ấm như: chăn, đệm, lò sưởi... đặc biệt chú ý khu vực phòng đẻ, phòng sơ sinh, khoa hồi sức cấp cứu, khoa nhi.

Đồng thời, các bệnh viện phải chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện cấp cứu cho các trường hợp bị ảnh hưởng do thời tiết rét, phân luồng tốt để xử lý kịp thời các bệnh lý tăng lên do thời tiết bất thường gây ra như: tim mạch, tai biến mạch máu não, cúm, viêm đường hô hấp cấp. Tuyên truyền cho người bệnh, người nhà bệnh nhân các biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng chống các bệnh lây nhiễm trong thời tiết giá rét.

Tin cùng chuyên mục