Người dân là trung tâm của đô thị thông minh

Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (vừa được UBND TP trình HĐND TPHCM) đã đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để TPHCM phát triển nhanh, bền vững và cung cấp nhiều dịch vụ cho đời sống xã hội, người dân và doanh nghiệp. 
Đề án còn xác định, TPHCM sẽ phát triển kinh tế bền vững trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm.
Chất lượng phục vụ chưa tốt
TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của cả nước. Dân số của TPHCM chiếm khoảng 9,1% tổng dân số cả nước và đóng góp khoảng 28,6% tổng thu năm 2016. Từ lâu, lãnh đạo các cấp đã đặt mục tiêu TPHCM phải vươn lên sánh tầm với đô thị lớn tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, đến nay, khi so sánh với các đô thị khác trong khu vực Đông Nam Á trên 2 tiêu chí quan trọng là năng lực cạnh tranh và chất lượng sống, TPHCM đang đứng cuối bảng trong số 12 thành phố: Jakarta, Kuala Lumpur, Singapore, Manila… Ở trong nước, vị thế dẫn đầu của TPHCM cũng đang trên đà suy giảm. Hiện TPHCM đang đối mặt với bài toán làm thế nào để tiếp tục duy trì, phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước trong thời gian tới.
Về phía người dân, thu nhập bình quân đầu người của người dân TPHCM năm 2013 khoảng 4.513USD/người. Năm 2015 đạt 5.538USD, tăng hơn 73% so với năm 2010. Sự tăng trưởng về thu nhập cũng đồng nghĩa với nhu cầu của người dân ngày một cao đối với các dịch vụ y tế, giao thông, môi trường, hành chính công… Song chất lượng phục vụ chưa được tốt vì người dân TPHCM vẫn thường xuyên đối mặt với tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường và “chen chúc” khi đến với các dịch vụ y tế.
Người dân là trung tâm của đô thị thông minh ảnh 1 Lĩnh vực giao thông là một trong những nội dung trọng tâm của quá trình xây dựng đô thị thông minh tại TPHCM 
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, việc xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, giai đoạn năm 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, sẽ khắc phục các tồn tại, thách thức hiện nay; giúp TPHCM phát triển nhanh, bền vững và cung cấp nhiều dịch vụ cho đời sống xã hội.
Doanh nghiệp cũng sẽ có môi trường minh bạch, đơn giản, thuận tiện hoạt động và được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định đầu tư chính xác. Đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kết nối phản hồi thông tin để họ tham gia cung cấp các dịch vụ hiệu quả cho đô thị.
Vì người dân và doanh nghiệp
Đề xuất TPHCM muốn xây dựng đô thị thông minh là sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao công tác quản lý điều hành và áp dụng ở mọi lĩnh vực liên quan đến người dân. Chính quyền sử dụng công cụ thu thập (từ nhiều nguồn), phân tích dữ liệu nhằm tiên lượng các vấn đề có thể xảy ra để xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp, thay vì chỉ phản ứng khi sự cố đã xảy ra hay người dân có bức xúc như hiện nay. Ngoài ra, việc xây dựng đô thị thông minh sẽ giúp TPHCM dự báo tốt và giải quyết những thách thức của quá trình đô thị hóa, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của 7 chương trình đột phá cùng những bức xúc của người dân. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng sống, chất lượng phục vụ người dân, tạo điều kiện để người dân tham gia quản lý đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đô thị thông minh còn hỗ trợ tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần ở nhà làm thủ tục, nộp hồ sơ, thanh toán chi phí qua internet và chờ nhận kết quả. Đặc biệt, người dân, tổ chức còn được tạo điều kiện phản ánh các bức xúc, thực hiện vai trò giám sát để cung cấp thông tin cho chính quyền về các vấn đề như y tế, an toàn thực phẩm, môi trường… Người dân còn được tạo điều kiện tham gia vào quá trình giám sát quản lý và xây dựng TPHCM.
UBND TP xác định 4 nguyên tắc định hướng trong việc xây dựng đô thị thông minh TPHCM; trong đó, có nguyên tắc luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ các nguyện vọng, nhu cầu của người dân, đảm bảo cung cấp các tiện ích đáp ứng nhu cầu của người dân. 
Sự đổi mới của TPHCM phải xuất phát từ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, UBND TP khẳng định, việc xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh sẽ mang nhiều lợi ích cho người dân cư trú, sinh sống, làm việc có môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn hơn. Người dân được thụ hưởng các tiện ích như sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, giảm thiểu tác động ngập nước, dịch vụ y tế tốt hơn…
Thông qua công tác dự báo tốt, đô thị thông minh còn giúp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tối ưu và chính quyền TPHCM có thể nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân.
TPHCM đề xuất 4 nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh, gồm: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo chiến lược phát triển kinh tế xã hội; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh và thành lập trung tâm an toàn thông tin. 
UBND TP đề xuất HĐND TPHCM đồng ý chủ trương phải xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cùng kế hoạch; xây dựng trung tâm an toàn thông tin và có ý kiến góp ý, định hướng về đề xuất xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh.

Tin cùng chuyên mục