Người đại diện

Việc xuất hiện đại lý cầu thủ, hay còn gọi là người đại diện cầu thủ vốn không lạ với  bóng đá quốc tế. Những cầu thủ thuộc hàng “sao” bắt buộc phải tìm đến các đại lý cầu thủ để có được những hợp đồng tốt, CLB mạnh, lương thưởng cao; cầu thủ trẻ cũng cần có người đại diện để đảm bảo tính pháp lý cho mình trong tương lai.

Nhưng tất cả phải được vận hành một cách chuyên nghiệp. Các đại diện cầu thủ đều có giấy chứng nhận của FIFA thông qua các kỳ thi kiểm tra, từ ngoại ngữ, chuyên môn, tài khoản trong ngân hàng, phải có công ty đảm bảo… Khi cầu thủ có được hợp đồng thì mọi chuyện đều công khai, minh bạch mà chúng ta thường thấy ở các cầu thủ nổi tiếng trên thế giới. Gần đây, chúng ta thường hay gặp thông tin đại loại như cầu thủ X của Việt Nam được CLB nổi tiếng tại Đức, Tây Ban Nha quan tâm, hay một danh thủ của thế giới quan tâm và muốn thi đấu cho V-League… Tất cả thông tin này đều được các đại diện cầu thủ tung ra để tạo sức hút.

Làm nghề đại diện cầu thủ vốn dễ nhưng lại rất khó, bởi đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố. Một số đại diện cầu thủ ở Việt Nam được biết cũng đã tham gia các kỳ thi của FIFA trước đây, nhưng đến nay chỉ có khoảng 3 người là đủ tiêu chuẩn, vì quy trình thi làm đại diện cầu thủ của FIFA không dễ dàng chút nào, phải hội đủ nhiều yếu tố như đã nêu. Vì thế, nếu ai đó bước vào cuộc chơi chỉ để kiếm tiền chênh lệch mà không nắm rõ về chuyên môn hay có đủ tính pháp lý thì chắc chắn sẽ rớt ngay.

Sau những năm đầu các CLB Việt Nam lấy cầu thủ theo những “kênh” được FIFA công nhận, để tránh chuyện kiện tụng về sau, thì đến nay, mọi chuyện đang bị thả nổi. Các đại diện cầu thủ sau này hoạt động có phần tự phát chứ không còn mang tính chuyên nghiệp, nên thỉnh thoảng chúng ta thường nghe chuyện HLV, cầu thủ kiện CLB mà thông thường thì phía CLB lại… thua, mà trường hợp gần nhất là CLB Hải Phòng đã phải ngậm ngùi với ngoại binh Stevens.

Thế nên, việc xuất hiện người đại diện cho cầu thủ là điều tất yếu trong bóng đá. Họ rất cần người bảo vệ hợp pháp cho mình, và có quan hệ rộng để giới thiệu mình đến các CLB và dĩ nhiên là người đại diện được hưởng khoản thù lao. CLB nào cũng muốn làm việc qua người đại diện để thuận tiện nhiều mặt, trong đó có vấn đề pháp lý. Nhưng ở thị trường V-League gần đây, hình ảnh về người đại diện cầu thủ được người ta nhìn nhận không đẹp về sau này, đặc biệt là tính chuyên nghiệp. Hầu hết người đại diện, “cò” cầu thủ ở Việt Nam hoạt động theo kiểu tự phát, chưa được FIFA cấp phép và nguồn cầu thủ cũng không rõ ràng.

Mặt khác cũng phải nói đến những khó khăn từ phía các CLB. Gần đây, hầu hết đều không còn mạnh về khả năng tài chính. Ngoại trừ việc luân chuyển cầu thủ nội bộ giữa một nhóm đội bóng thân quen theo hợp đồng cho mượn, các đội khác phải tính toán khi khả năng tài chính eo hẹp nên thường tìm cầu thủ giá rẻ. Đó là chưa nói đến việc kiểm tra không kỹ về chuyên môn, đạo đức… So với những năm gần đây, chưa bao giờ V-League chuyển nhượng cầu thủ giữa mùa nhộn nhịp như năm nay. Điều đó cho thấy sự chuẩn bị của các đội ở đầu mùa có vấn đề.

Về lâu dài, các CLB hay cầu thủ cũng sẽ tìm đến những người đại diện như trường hợp “siêu cò” Lee Dong-jun đại diện của ông Park. Nổi lên sau hai thương vụ làm đại diện cho HLV Park Hang-seo và Nguyễn Công Phượng. Lee Dong-jun còn có công ty, bộ máy quản lý, tiếp nhận và giới thiệu cầu thủ rất chuyên nghiệp.

Đó là điều hợp lý bởi ông Park cần dành nhiều thời gian để lo chuyên môn, còn chuyện thương thảo hợp đồng cứ để cho người đại diện lo. Dĩ nhiên là nội dung những buổi làm việc chính thức, con số đều được công khai, minh bạch. Từ việc người đại diện Lee Dong-jun, thiết nghĩ VFF cũng phải có đánh giá về thực trạng chuyển nhượng cầu thủ hiện nay, cần vào nề nếp. Đại diện cầu thủ phải có giấy phép FIFA, có thể VFF sẽ có báo cáo gửi FIFA và FIFA sẽ ủy nhiệm VFF làm 1 cuộc thi ở Việt Nam. Mọi thứ cần minh bạch, rõ ràng và dĩ nhiên là cả khoản tiền thuế thu nhập từ việc này.

Tin cùng chuyên mục