Người con của các bản làng

Nhiều người dân các bản làng khu vực biên giới Việt Nam - Lào (thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế và huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) vẫn dành tình cảm quý mến cho bác sĩ Đặng Hồng Minh, Trạm trưởng Trạm xá quân dân y xã Nhâm (huyện A Lưới). 
Bác sĩ Đặng Hồng Minh khám bệnh cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới Việt Nam - Lào
Bác sĩ Đặng Hồng Minh khám bệnh cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới Việt Nam - Lào

Băng rừng, lội suối cứu người 

Lúc ấy, tầm 7 giờ tối. Trời vẫn mưa xối xả. Anh em đang công tác tại Trạm xá quân dân y xã Nhâm nhận điện thoại từ đầu bên kia thông báo ở bản A Bung có một cháu bé đang bị co giật chân tay và hơi thở không bình thường. Bác sĩ Đặng Hồng Minh cùng y tá trực tức tốc mang đồ nghề, tay cầm đèn pin dõi đường xuất phát. Theo 2 người chạy bộ chừng gần nửa cây số, tôi buột miệng hỏi: “Có xe máy sao không đi”. Bác sĩ Minh bật cười trả lời: “Phía trước là con đường mòn, đất trơn trượt, xe nào đi cũng rất nguy hiểm nhà báo à”. Rồi chúng tôi lại tiếp tục chạy giữa bốn bề là núi rừng thâm u… Hôm ấy, bác sĩ Minh với kinh nghiệm của mình đã nhanh chóng xử lý và giúp cháu Hồ Văn Hùng (5 tuổi) khống chế được cơn bệnh.

Qua từng câu chuyện mà các bệnh nhân đến khám và chữa bệnh ở Trạm xá quân dân y xã Nhâm (công trình do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP tài trợ, khánh thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013), chúng tôi mới hiểu vì sao một bác sĩ, trạm trưởng y tế vùng sâu, vùng xa như bác sĩ Minh lại được nhiều dân bản biết đến với tình cảm mến phục như vậy. Già làng Quỳnh Nhất (thôn A Bung, xã Nhâm) cho biết: “Bác sĩ Minh không chỉ giỏi tay nghề mà còn chịu khó, chịu khổ nữa. Cái bụng thì tốt lắm. Đêm khuya, nghe người bệnh gọi thì mưa gió, xa mấy cũng đi liền”.

Ngoài thường trực khám chữa bệnh cho nhân dân tại trạm xá, bác sĩ Minh còn thường xuyên cùng cán bộ Đồn biên phòng Nhâm sang tận bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm (Lào) để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, điều trị miễn phí và tuyên truyền người dân ăn chín uống sôi, phòng chống các dịch bệnh, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đây cũng là bản biên giới Lào mà cách đây không lâu đã được Đồn biên phòng Nhâm nhận đỡ đầu, kêu gọi kinh phí xây dựng giúp 40 nhà ở, trường học và các công trình dân sinh khác. Ông Su Mây, Trưởng bản Sê Sáp, hồ hởi: “Nhờ có bác sĩ Minh và các anh biên phòng Việt Nam, dân bản bây giờ không chỉ có nhà ở khang trang, có cuộc sống an cư lạc nghiệp, con em hàng ngày được cắp sách tới trường, có lương thực đủ ăn, mà còn có sức khỏe tốt để đi rừng, lên nương trồng cây, ổn định cuộc sống. Bà con Sê Sáp luôn biết ơn và coi bác sĩ Đặng Hồng Minh cũng như các anh biên phòng Việt Nam như con em trong nhà”.

Hết lòng với đồng bào các dân tộc 

Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, Đặng Hồng Minh nhập ngũ vào lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và đến năm 1991 được cử đi học lớp Quân y sĩ của Học viện Quân y. Ra trường năm 1994, anh về nhận công tác tại BĐBP Thừa Thiên - Huế và tiếp tục theo học bác sĩ chuyên khoa cấp 1 nội khoa tại Đại học Y Dược Huế, rồi được điều động về làm Trạm trưởng Trạm xá quân dân y xã Nhâm. Bác sĩ Đặng Hồng Minh nhớ lại: “Trước đây, bà con dân bản do ít hiểu biết, khi đau ốm cứ tưởng do con ma bắt nên mời thầy mo, thầy cúng đến nhà lo lễ cúng. Nhiều trường hợp người bệnh ở nhà nhiều ngày nên bệnh càng nặng, tôi và cán bộ vận động quần chúng của Đồn biên phòng Nhâm phối hợp với chính quyền địa phương đến vận động đưa người dân đến phòng khám để chữa bệnh”. Bác sĩ Minh chia sẻ thêm, người này, rồi người khác lành bệnh nên dần dà con số bệnh nhân đến khám chữa trị tại trạm xá ngày càng tăng lên. 

Thượng tá Đặng Văn Hướng, Chủ nhiệm Quân y BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận xét: “Thiếu tá, bác sĩ Đặng Hồng Minh là người rất tâm huyết với công việc. Chúng tôi học ở anh nhiều bài học trong công tác, nhất là sự giản dị, gần gũi với bà con, nói được tiếng dân tộc, am hiểu được phong tục tập quán của đồng bào. Anh đã nhận được nhiều hình thức khen thưởng của các ban ngành, đồng thời nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất của anh là sự tin yêu, quý mến của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi anh đóng quân. Không chỉ nghiên cứu sách vở, anh còn thường xuyên xuống nhà dân gặp gỡ, tiếp xúc và nhờ bà con các bản làng dọc biên giới Việt Nam - Lào dạy tiếng. Từ chỗ xa lạ, nay anh được dân các bản trìu mến gọi là A Cay (đứa con của bản làng)”.

Tin cùng chuyên mục